Triệu chứng viêm túi thừa đại tràng thường rất đặc trưng và có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh một cách chính xác. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể khác nhau ở mỗi người và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đau bụng là triệu chứng phổ biến nhất, thường xuất hiện ở vùng bụng dưới bên trái và có thể lan rộng ra các vùng khác.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn bởi ThS. BS Mai Viễn Phương - Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec Central Park.
1. Triệu chứng viêm túi thừa đại tràng
1.1 Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng viêm túi thừa đại tràng có nhiều mức độ khác nhau, có thể là viêm túi thừa đơn giản hoặc phức tạp với các biến chứng như áp xe, viêm phúc mạc, rò tiêu hóa và tắc ruột. Điều này dẫn đến các triệu chứng lâm sàng đa dạng và khó phân biệt.
1.2 Triệu chứng cơ năng
- Đau bụng kéo dài nhưng không quặn thắt, xảy ra ở vùng 1/4 dưới bên trái trong 70% các trường hợp. Bệnh nhân thường cảm thấy cơn đau âm ỉ từ vài ngày trước khi nhập viện. Chỉ có 17% bệnh nhân gặp phải cơn đau cấp tính trong vòng 24 giờ.
- Đây là một yếu tố cần chú ý giúp phân biệt với các nguyên nhân đau bụng cấp khác. Khi khai thác bệnh sử, khoảng 50% bệnh nhân cho biết đã từng gặp các cơn đau bụng tương tự trước đây nhưng mức độ đau nhẹ hơn.
- Khoảng 20-62% bệnh nhân trải qua triệu chứng viêm túi thừa đại tràng là nôn và cảm giác buồn nôn.
- Từ 25% đến 33% bệnh nhân gặp phải triệu chứng viêm túi thừa đại tràng là tiêu chảy, trong khi gần một nửa số bệnh nhân bị táo bón.
- Các triệu chứng liên quan đến hệ tiết niệu như tiểu khó, tiểu rắt và tiểu nhiều lần xuất hiện ở khoảng 10-15% trường hợp.

1.3 Triệu chứng thực thể
- Khám lâm sàng cho thấy vị trí 1/4 dưới bên trái của bụng có cảm giác đau khi ấn vào với các mức độ khác nhau, xuất hiện ở 93%-100% bệnh nhân. Cơn đau bụng cũng có thể xuất hiện ở 1/4 dưới bên phải nếu túi thừa nằm ở đại tràng phải hoặc đại tràng sigma nhưng có phần lấn sang bên phải đường giữa.
- Viêm phúc mạc toàn thể có thể xảy ra nếu túi thừa bị viêm vỡ và không được bao bọc, dẫn đến nhiễm trùng lan rộng trong ổ bụng. Khoảng 20% bệnh nhân có thể cảm nhận được một khối mềm, đau khi sờ vào nhưng không có giới hạn rõ ràng của túi thừa. Chướng bụng là triệu chứng phổ biến, xuất hiện ở khoảng 2/3 số bệnh nhân mắc tình trạng này.
- Sốt xuất hiện ở 57%-100% bệnh nhân với các mức độ khác nhau, nhưng mức độ sốt không có mối liên hệ rõ ràng với mức độ nhiễm trùng. Sốt nhẹ, dao động từ 37,5 đến 38°C là triệu chứng phổ biến. Khoảng 14% bệnh nhân không có biểu hiện sốt.
- Trong các trường hợp phức tạp, sẽ xuất hiện những nhóm triệu chứng của biến chứng. Chẳng hạn, biến chứng viêm phúc mạc có thể gây nhiễm trùng nhiễm độc, kháng sinh khắp bụng. Biến chứng rò tiêu hóa có thể dẫn đến tiểu ra phân hoặc hơi (rò ĐT – bàng quang), phân đi ra từ âm đạo (rò ĐT – âm đạo). Biến chứng tắc ruột gây đau bụng quặn, nôn mửa, và táo bón.
2. Cách điều trị bệnh
Điều trị bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng viêm túi thừa đại tràng và có thể được thực hiện bằng cả điều trị nội khoa và ngoại khoa.
Đối với trường hợp bệnh nhẹ không có biến chứng, bệnh nhân thường được điều trị ngoại trú bằng thuốc. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây viêm, thuốc giảm đau để giảm đau bụng và thuốc chống co thắt để làm dịu các cơn co thắt của ruột.
Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống, cụ thể là nhịn ăn trong vài ngày đầu để cho ruột được nghỉ ngơi, sau đó chuyển sang ăn chế độ lỏng, dễ tiêu và giàu chất xơ.

Trong trường hợp bệnh nặng, có biến chứng như áp xe, thủng ruột hoặc viêm phúc mạc, bệnh nhân cần phải nhập viện để điều trị. Các biện pháp điều trị bao gồm truyền dịch, dùng kháng sinh liều cao và theo dõi sát sao tình trạng bệnh. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện sau khi điều trị nội khoa hoặc có biến chứng nặng, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
Lê Huy Lưu, Nguyễn Văn Hải (2010), "Kết quả phẫu thuật túi thừa đại tràng phải bằng phẫu thuật nội soi", Y học Thành phố Hồ Chí Minh, tập 14 (phụ bản của số 4), p.12-15.
Lý Minh tùng, Nguyễn Văn Hài (2011), Đặc điểm lâm sàng, hình ảnh, và kết quả phẫu thuật viêm túi thừa đại tràng.
Aldoori W.H., Giovannucci E.L., Rockett H.R., et al. (1998), "A prospective study of dietary fiber types and symptomatic diverticular disease in men", J Nutr, Vol.128 (4), p.714-719.
Ambrosetti P., Robert J.H., Witzig J.A., et al. (1994), "Acute left colonic diverticulitis: a prospective analysis of 226 consecutive cases", Surgery, Vol.115 (5), p.546-550.