Trượt đốt sống có nên tập thể dục không là thắc mắc phổ biến của nhiều bệnh nhân, đặc biệt khi họ lo lắng rằng vận động có thể làm bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, tập thể dục đúng cách không chỉ giúp cải thiện sức khỏe cột sống mà còn hỗ trợ giảm đau hiệu quả. Điều quan trọng là người bệnh cần tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, chọn bài tập phù hợp để tránh gây áp lực thêm lên cột sống và hỗ trợ quá trình hồi phục tốt hơn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Trượt thân đốt sống thắt lưng là gì?
Trượt thân đốt sống thắt lưng có thể xảy ra do khiêng vật nặng sai tư thế trong thời gian dài, chấn thương, tai nạn, hoặc do loãng xương ở người cao tuổi, khiến cột sống mất ổn định.
Thông thường, các đốt sống phía trên có xu hướng trượt ra trước, do cấu trúc tự nhiên của cột sống thắt lưng (L4-L5) có độ cong nhẹ về phía trước (lordosis). Trượt ra sau (retrolisthesis) ít gặp hơn nhưng vẫn có thể xảy ra, đặc biệt ở người bị thoái hóa cột sống nặng hoặc chấn thương nghiêm trọng.
Nếu đốt sống trượt quá nhiều, nó có thể làm hẹp lỗ gian đốt sống, nơi dây thần kinh đi qua, gây tê bì, đau lan xuống chân (triệu chứng của đau thần kinh tọa). Tuy nhiên, nếu mức độ trượt nhẹ và không gây chèn ép dây thần kinh, cơn đau lưng có thể giảm dần theo thời gian, đặc biệt khi người bệnh tập luyện đúng cách cũng như điều chỉnh lối sống phù hợp.

2. Nguyên nhân gây trượt thân đốt sống thắt lưng
Có nhiều nguyên nhân gây ra trượt cột sống thắt lưng. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp:
- Thoái hóa cột sống.
- Chấn thương hoặc tai nạn.
- Khuyết eo đốt sống (Spondylolysis).
- Bẩm sinh.
- Loãng xương (nặng).
3. Trượt đốt sống lưng có nguy hiểm không?
Trượt đốt sống lưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất là hội chứng chùm đuôi ngựa, xảy ra khi các rễ thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép nghiêm trọng. Tình trạng này có thể dẫn đến:
- Mất cảm giác và yếu liệt hai chân, khiến người bệnh khó đi lại.
- Mất kiểm soát đại, tiểu tiện, ảnh hưởng đến bàng quang và trực tràng.
- Nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ tê liệt vĩnh viễn hai chân rất cao.
Hội chứng chùm đuôi ngựa là một cấp cứu y khoa, cần nhập viện ngay lập tức để được phẫu thuật giải ép, giúp giảm chèn ép thần kinh và tránh biến chứng nặng hơn.

4. Trượt đốt sống có nên tập thể dục không?
Với câu hỏi trượt đốt sống có nên tập thể dục không, câu trả lời là có nhưng cần tuân thủ hai nguyên tắc quan trọng:
- Tránh các tư thế gây căng cột sống như ngồi xổm, cúi người, mang vác vật nặng để giảm áp lực lên lưng.
- Tăng cường tập luyện cơ lưng và cơ bụng giúp hỗ trợ cột sống và giữ vững trục cơ thể.
Với trượt đốt sống nhẹ (không cấp tính), người bệnh có thể đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày và thực hiện các bài tập phù hợp để duy trì sự linh hoạt. Tuy nhiên, cần tránh những động tác tạo áp lực lớn lên cột sống.
Khi tập luyện cơ lưng và bụng, tư thế nằm là tốt nhất vì giúp hạn chế áp lực lên cột sống. Nâng từng chân riêng lẻ sẽ dễ dàng hơn và phù hợp với những người có vấn đề về huyết áp. Trước khi tập, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn bài tập an toàn và hiệu quả.

Tóm lại, lợi ích của việc tập thể dục chỉ đạt được khi người bệnh thực hiện đúng phương pháp. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn từ bác sĩ và chuyên viên vật lý trị liệu, tránh các động tác gây đau và không tập luyện quá sức. Nếu cảm thấy khó chịu sau khi tập, người bệnh có thể sử dụng phương pháp chườm lạnh hoặc thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.