Ung thư tuyến giáp thể nang là một dạng phổ biến thường gặp, với nhiều nguyên nhân khác nhau và phần lớn triệu chứng cũng tương đối khó phát hiện trong giai đoạn ban đầu của bệnh. Mặc dù vậy, tiên lượng sống trên 5 năm và trên 10 năm của người bệnh vẫn tương đối cao sau khi điều trị nếu kết hợp với lối sống lành mạnh, hạn chế yếu tố nguy cơ.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân và các thể giải phẫu ung thư tuyến giáp
Tuyến giáp là cơ quan nội tiết được cấu tạo từ những nang giáp, có vai trò sử dụng i-ốt trong máu để sản xuất Hormone giúp duy trì những chức năng chuyển hóa của cơ thể. Bệnh ung thư tuyến giáp xảy ra khi các tế bào ác tính có nguồn gốc từ tuyến giáp tăng sinh mất kiểm soát, thường bao gồm 3 thể chính là thể biệt hóa, thể tủy và thể không biệt hóa.
Trong đó, ung thư tuyến giáp thể nang là tình trạng tương đối phổ biến trong nhóm biệt hóa, trung bình chiếm từ 10 - 15% trường hợp mắc ung thư tuyến giáp.

Vì tuyến giáp khá nhạy cảm với phóng xạ, do đó nếu phơi nhiễm phóng xạ sẽ khiến cho nguy cơ mắc bệnh tăng thêm 30%. Ngoài ra cũng có những báo cáo nhận thấy giữa ung thư tuyến giáp và thiếu hụt i-ốt có mối quan hệ với nhau. Những nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ bị bệnh thường bao gồm:
- Béo phì, tiểu đường.
- Sử dụng Estrogen ngoại sinh.
- Viêm tuyến giáp Hashimoto.
- Chế độ dinh dưỡng tiêu thụ nhiều loại thực phẩm như bông cải, cải bắp, thịt gà, thịt lợn và thịt gia cầm.
- Đột biến điểm trên Gen RAS hoặc đột biến tái sắp xếp PAX-PPAR-gamma.
2. Các giai đoạn bệnh và đặc điểm di truyền
Để phân loại giai đoạn bệnh ung thư tuyến giáp, các chuyên gia y tế dựa vào hệ thống TNM, bao gồm đặc điểm khối u, mức độ di căn hạch bạch huyết và mức độ di căn xa.
2.1. Đặc điểm của khối u ung thư tuyến giáp thể nang
Ở những giai đoạn Tx và T0, thường không có bằng chứng cụ thể về sự tồn tại của khối u nguyên phát. Nếu khối u chỉ tồn tại ở tuyến giáp với kích thước nhỏ hơn 2cm được đánh giá bậc T1, kích thước trên 2cm và dưới hoặc bằng 4cm được đánh giá là T2. T3 và T4 áp dụng cho các trường hợp khối u lớn hơn 4cm, có thể tồn tại ở tuyến giáp hoặc đã bắt đầu xâm lấn sang những cơ quan bên ngoài.
2.2. Mức độ di căn hạch bạch huyết
Trường hợp không có bằng chứng cụ thể cho thấy khối u đã di căn sang các hạch lân cận thì được phân loại là Nx và N0. N1 áp dụng khi khối u bắt đầu di căn các vùng lân cận, còn một khi đã di căn xa sẽ phân loại thành M0 và M1.
Ngoài ra, giai đoạn của bệnh còn chia ra hai nhóm tuổi là dưới 55 và từ 55 tuổi trở lên, trong đó ung thư tuyến giáp ở những người 55 tuổi trở lên thường có 5 giai đoạn chính. Cuối cùng, tỷ lệ di truyền dẫn tới ung thư tuyến giáp thể nang khá thấp, chỉ rơi vào khoảng 5% với một vài hội chứng rối loạn di truyền hiếm gặp có liên quan như hội chứng Werner, Cowden, … Còn lại đa phần người mắc bệnh không có yếu tố di truyền cũng như tiền sử gia đình.
3. Nhóm đối tượng nguy cơ và triệu chứng ung thư tuyến giáp thường gặp
Ung thư tuyến giáp được cho là thường xảy ra với những người trên 50 tuổi, đặc biệt là nữ giới, hoặc những người từng có tiền sử bệnh lý áp dụng phương pháp điều trị bằng tia phóng xạ. Nhóm đối tượng bị thừa cân, béo phì, tiểu đường hoặc gặp những bệnh lý liên quan đến tuyến giáp cũng có nguy cơ rất cao, đặc biệt nếu trong chế độ dinh dưỡng bị thiếu hụt i-ốt.

Triệu chứng bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu thể hiện rõ ràng, dẫn đến việc rất dễ bị bỏ qua và đa phần phát hiện khi thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Nếu để bệnh bước sang những giai đoạn sau có thể xuất hiện các triệu chứng cụ thể hơn như bị khàn tiếng, khó nuốt, khó thở, đau nhức ở vùng cổ và kích thước tuyến giáp to hơn bình thường, có thể đi kèm với nổi hạch ở vùng cổ.
Đặc biệt ung thư tuyến giáp thường di căn đến các bộ phận như gan, xương, phổi và não bộ, gây ra nhiều triệu chứng lâm sàng.
4. Tiên lượng sống với bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nang
Mặc dù ung thư tuyến giáp có tỷ lệ tử vong rất thấp, nhưng nếu bị ở thể nang thì tiên lượng vẫn xấu hơn so với thể nhú, chủ yếu do được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, lúc các khối u đã bắt đầu di căn xa. Tuy vậy, tỷ lệ sống cũng tương đối khá quan và phụ thuộc vào mức độ xâm lấn, với 98% trường hợp có thể sống được khoảng 10 năm nếu ung thư tuyến giáp thể xâm lấn tối thiểu và 80% khi ở thể xâm lấn.

Tiên lượng sống cũng tùy thuộc mức độ xâm nhập vỏ bao - mạch máu của khối u, với tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 5 đến 15%. Nhưng đây vẫn là một bệnh lý ung thư ác tính và có nguy cơ tái phát sau điều trị lên tới 30% trong vòng vài năm hoặc vài chục năm.
Chính vì thế những người mắc bệnh dù đã trải qua đợt điều trị thành công vẫn phải thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phòng trường hợp tái phát, qua đó giúp phát hiện sớm và tiến hành điều trị kịp thời.
5. Chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư tuyến giáp
Để chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nang, bác sĩ thường sẽ thực hiện trước một số bước khám lâm sàng như hỏi về tiền sử bệnh lý, khám qua vùng cổ và những cơ quan lân cận. Sau đó tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra công thức máu và chức năng gan - thận.
Muốn có kết quả chính xác hơn cần đến các bước siêu âm tuyến giáp và vùng cổ, hoặc tiến hành chọc hút tế bào ở vùng nhân tuyến giáp nghi ngờ có khối u.
Sau khi trải qua các bước lâm sàng, người bệnh có thể phải thực hiện thêm xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để xác định cụ thể giai đoạn của bệnh, bao gồm chụp CT, MRI và xạ hình tuyến giáp sau phẫu thuật. Kết quả nhận về sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn.
5.1. Phẫu thuật tuyến giáp
Đây là phương pháp điều trị chính, có thể bao gồm cắt phần thùy/eo tuyến giáp hoặc toàn bộ tuyến giáp, một vài trường hợp còn đi kèm với nạo vét hạch cổ. Tùy vào đặc điểm của khối u, tình trạng di căn cũng như lựa chọn của chính người bệnh mà bác sĩ sẽ thực hiện quy trình phẫu thuật khác nhau.

Phương pháp này bắt buộc phải được thực hiện bởi những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao để tránh gặp phải các biến chứng như suy tuyến cận giáp hoặc tổn thương dây thần kinh thanh quản. Ngoài ra, những người phải phẫu thuật toàn bộ tuyến giáp sẽ cần duy trì sử dụng thuốc Hormone giáp suốt đời.
5.2. Tiến hành i-ốt phóng xạ và những lựa chọn điều trị khác
Sau phẫu thuật tuyến giáp, người bị ung thư tuyến giáp thể nang sẽ tiếp tục trải qua các bước đánh giá lâm sàng về kích thước khối u, tình trạng xâm lấn và di căn để bác sĩ xem xét chỉ định thực hiện điều trị bằng phương pháp i-ốt phóng xạ hoặc những lựa chọn khác như điều trị miễn dịch, xạ trị ngoài, điều trị nhắm trúng đích hoặc đơn thuần là chăm sóc giảm nhẹ.
Nhìn chung, vì bệnh có tiên lượng sống tốt, với 85% sống trên 10 năm, do đó điều quan trọng vẫn là chủ động tầm soát ung thư để phát hiện sớm, đồng thời duy trì lối sống lành mạnh, giữ gìn sức khỏe sau điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.