Mỗi người trong chúng ta đều khác nhau. Vì vậy, việc uống thuốc hạ huyết áp bao lâu thì hạ sẽ phụ thuộc vào mức độ cao của bạn, loại thuốc bạn đang dùng và mức độ cẩn thận mà bạn tuân theo kế hoạch điều trị do bác sĩ chỉ định.
1. Huyết áp cao là gì?
Huyết áp cao (tăng huyết áp) phát triển khi tim phải bơm máu qua các động mạch bị hẹp hoặc bị tắc với nhiều lực hơn. Khi máu được bơm mạnh hơn, áp lực lên thành động mạch tăng lên, điều này có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng khắp cơ thể.
Huyết áp tâm thu - chỉ số cao nhất trong phép đo huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch với mỗi nhịp tim. Huyết áp tâm trương - số dưới cùng là áp lực máu tác động lên động mạch giữa các nhịp đập khi tim nghỉ ngơi.
Trong khi nhiều cơ bắp hoạt động tốt hơn khi chúng làm việc chăm chỉ hơn thì trái tim không thực sự nằm trong số đó. Tim làm việc quá sức có thể dẫn đến phì đại, phát triển quá mức của cơ và có thể dẫn đến suy tim.
Thế nào là chỉ số huyết áp cao? Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, một người được đánh giá là huyết áp cao nghĩa là có chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và/ hoặc chỉ số huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
2. Uống thuốc hạ huyết áp bao lâu có tác dụng?
Nếu huyết áp của tôi lên cao, uống thuốc hạ huyết áp bao lâu thì hạ? Nếu bạn có các triệu chứng nghiêm trọng do huyết áp cao, bác sĩ có thể sẽ chỉ định nhập viện, nơi bạn có thể nhận thuốc có thể hạ huyết áp gần như ngay lập tức, nhưng đây thực sự không phải là một chiến lược lâu dài tốt.
Thời gian để thuốc huyết áp phát huy tác dụng phụ thuộc vào loại thuốc và liều lượng. Tuổi tác, cân nặng và bất kỳ loại thuốc nào khác mà bạn dùng cũng đóng một vai trò.
Một số loại thuốc như Clonidine, Captopril , Labetalol và Nifedipine bắt đầu có tác dụng khá nhanh trong vòng vài phút. Những loại khác - như Amlodipine và Hydrochlorothiazide có thể mất hàng giờ trước khi chúng có tác dụng.
Hầu hết các loại thuốc sẽ được dùng để điều trị huyết áp sẽ có tác dụng dần dần theo thời gian. Một số thay đổi mức độ của các khoáng chất thiết yếu khác nhau, hoặc chất điện giải như natri hoặc kali trong cơ thể. Những loại khác, chẳng hạn như thuốc chẹn beta có thể làm giảm nhịp tim và giảm khối lượng công việc lên tim. Theo thời gian, điều này cũng có thể dẫn đến giảm huyết áp. Thuốc ức chế men chuyển angiotensin - ACE là một loại thuốc huyết áp khác và chúng hoạt động bằng cách làm giãn các động mạch bị hẹp để máu chảy qua chúng dễ dàng hơn.
Có những yếu tố về lối sống có thể làm tăng huyết áp bao gồm béo phì, chế độ ăn nhiều muối và hút thuốc. Thay đổi các yếu tố nguy cơ góp phần gây ra huyết áp cao là một chiến lược khác thường được sử dụng cùng với thuốc để hạ huyết áp và ngăn ngừa bệnh tim mạch nặng hơn.
3. Cách giảm huyết áp mà không cần dùng thuốc
Không uống thuốc huyết áp sau bao lâu thì hạ? Trong khi nhiều người sử dụng thuốc để giảm huyết áp thì việc thay đổi lối sống cũng thường được khuyến nghị. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng và tập thể dục thường xuyên là những cách tốt để ngăn ngừa huyết áp cao và bệnh tim mạch, nhưng chúng cũng có thể giúp điều trị những vấn đề này. Mặc dù chỉ thay đổi lối sống không thể chữa khỏi bệnh cao huyết áp, nhưng chúng có thể cải thiện hiệu quả của thuốc và giúp tránh các biến chứng khác.
Dưới đây là một số cách giảm huyết áp không cần dùng thuốc:
- Ăn kiêng: Chế độ ăn kiêng ở người tăng huyết áp thường được khuyến nghị là để bắt đầu là chế độ ăn ít natri, tốt cho tim mạch, ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, sản phẩm sữa không béo hoặc ít béo, cá, thịt gia cầm, đậu, quả hạch và dầu thực vật,...
- Tập thể dục: Một số bài tập thể dục vừa phải vài lần một tuần cũng có thể làm giảm huyết áp của bạn từ 5–8 mmHg.
- Giảm natri, tăng kali: giảm lượng muối nạp vào cơ thể, dùng chất bổ sung kali hoặc tăng lượng kali trong chế độ ăn uống cũng là một cách để điều trị huyết áp cao.
- Hạn chế rượu, bỏ hút thuốc
- Giảm căng thẳng
- Giảm cân
Những thay đổi này sẽ không làm giảm huyết áp ngay lập tức theo cách mà thuốc sẽ làm, nhưng theo thời gian thì bác sĩ có thể giảm hoặc thậm chí ngừng dùng thuốc nếu bạn có thể hạ huyết áp thành công bằng cách thay đổi lối sống.
4. Khi nào cần điều trị tại cơ sở y tế?
Bạn nên đi khám bác sĩ thường xuyên để kiểm tra sức khỏe như một phần của chương trình chăm sóc phòng ngừa tốt. Nếu bạn đang làm điều này, bác sĩ có thể thấy xu hướng phát triển với huyết áp và các yếu tố sức khỏe khác, đồng thời cũng cho lời khuyên về cách đối phó với các vấn đề nghiêm trọng.
Nếu không thường xuyên đi khám bác sĩ thì bạn nên đặt lịch hẹn với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để theo dõi, đặc biệt nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng như đau ngực hoặc chóng mặt .
Cả thuốc theo toa và thay đổi lối sống đều có thể giúp giảm huyết áp, nhưng cả hai có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để có hiệu lực hoàn toàn. Không có cách chữa trị nhanh chóng cho bệnh cao huyết áp, đặc biệt nếu bạn có các vấn đề về tim mạch khác. Nói chuyện sớm với bác sĩ về những rủi ro của bạn và đảm bảo kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.