Vết loét miệng có phải ung thư miệng không là câu hỏi được nhiều người thắc mắc. Đây là một bệnh lý nguy hiểm nhưng nhiều người bệnh thường không cảm nhận được triệu chứng hoặc cho rằng những triệu chứng đó chỉ là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe khác nhẹ hơn. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng bất thường kéo dài hơn 2 tuần, người bệnh cần đi khám bác sĩ để có kết quả chính xác hơn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Triệu chứng ung thư miệng dễ bị nhầm lẫn là gì?
Một số triệu chứng của ung thư miệng rất dễ bị hiểu nhầm với những tình trạng bệnh lý khác bao gồm:
- Những vết nứt bên trong miệng có thể khiến người bệnh nghĩ rằng bản thân đã vô tình cắn phải má hoặc bị thức ăn cắt vào.
- Một khối u trong miệng thường bị nhầm với những vết loét miệng thông thường.
- Máu trong nước bọt khiến người bệnh cho rằng bản thân đã làm tổn thương miệng khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa.
- Tình trạng khó khăn khi nói hoặc nhai đôi khi bị quy cho thói quen nghiến răng về đêm.
- Những mảng trắng hoặc đỏ trong miệng, đặc biệt là khi không gây đau thường bị bỏ qua.
Vậy, vết loét miệng có phải ung thư miệng không? Dù những biểu hiện này không chắc chắn rằng người bệnh bị ung thư miệng nhưng việc thẩm định chúng vẫn rất quan trọng. Các vấn đề nhỏ trong miệng thường phục hồi nhanh. Do đó, nếu thấy triệu chứng đáng lo nào kéo dài hơn một hoặc hai tuần, người bệnh nên gặp bác sĩ hoặc nha sĩ càng sớm càng tốt.
2. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư miệng của bạn?
Nguy cơ mắc ung thư miệng sẽ gia tăng bởi một số yếu tố như:
- Dùng các sản phẩm từ thuốc lá hoặc hút thuốc.
- Thường xuyên uống rượu.
- Quan hệ với nhiều bạn tình làm tăng khả năng nhiễm virus HPV (một loại nhiễm trùng liên quan đến ung thư miệng).
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.

Ngoài ra, một số yếu tố ngoài khả năng kiểm soát cũng có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng như:
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư.
- Tuổi tác càng cao nguy cơ ung thư miệng càng lớn.
- Nam giới có nguy cơ mắc ung thư miệng cao hơn so với nữ giới.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi còn nhỏ.
Việc đi khám nha sĩ thường xuyên là điều cần thiết cho mọi người, bất kể có thuộc nhóm nguy cơ cao hay không vì không ai miễn nhiễm với ung thư miệng. Nha sĩ sẽ kiểm tra miệng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

3. Ung thư miệng có thể được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Nếu nghi ngờ khả năng người bệnh bị ung thư miệng, nha sĩ và bác sĩ sẽ sinh thiết khu vực khả nghi để kiểm tra xem có phải ung thư không.
Chìa khóa để điều trị ung thư miệng thành công chính là chẩn đoán sớm. Các nhà nghiên cứu khẳng định: Khi phát hiện ung thư miệng ở giai đoạn sớm, người bệnh có cơ hội chữa khỏi cao hơn và không bị ảnh hưởng đến các chức năng của miệng. Ngược lại, ung thư miệng ở giai đoạn muộn sẽ đe dọa đến tính mạng. Sau khi được chẩn đoán, ung thư miệng có thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.

Trên đây là tất cả thông tin giải đáp thắc mắc vết loét miệng có phải ung thư miệng không. Các triệu chứng ung thư miệng phát triển bên trong khoang miệng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý nhẹ hơn. Vì vậy, nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào kéo dài trên hai tuần, người bệnh cần đi khám ngay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.