Viêm điểm bám gân là tình trạng viêm tại nơi gân, dây chằng bám vào xương, gây đau nhức và hạn chế vận động. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân như chấn thương, sử dụng quá mức gân hoặc các bệnh lý viêm khớp tự miễn - viêm khớp vảy nến hay viêm cột sống dính khớp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Viêm điểm bám gân là gì?
Gân là mô nối cơ với xương, còn dây chằng là mô nối các xương với nhau. Khu vực nơi gân hoặc dây chằng tiếp xúc với xương được gọi là điểm bám.
Viêm điểm bám gân là tình trạng viêm xảy ra tại điểm bám của gân và dây chằng vào xương, gây đau, khó chịu. Nguyên nhân thường bao gồm chấn thương, sử dụng quá mức các điểm bám hoặc do các bệnh lý viêm khớp.
Tình trạng này phổ biến trong các bệnh như viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp và thậm chí ở trẻ em mắc viêm khớp tự phát ở trẻ em (hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp trẻ em).
2. Các loại bệnh lý điểm bám gân
Có nhiều loại bệnh lý điểm bám gân khác nhau. Một số loại phổ biến bao gồm:
- Viêm cột sống dính khớp: Gây viêm (đau và sưng) ở cột sống, dẫn đến cứng và đau.
- Viêm cân gan chân: Ảnh hưởng đến mô liên kết ở vòm bàn chân.
- Viêm gân Achilles: Ảnh hưởng đến gân ở phía sau chân, nối từ bắp chân đến gót chân.
- Hội chứng chóp xoay ở vai: Gây đau và hạn chế vận động vùng vai.
- Viêm điểm bám gân vùng khuỷu tay: Gây đau và khó chịu ở khu vực khuỷu tay.
- Viêm điểm bám gân vùng hông: Ảnh hưởng đến các điểm bám gân ở khu vực hông.
- Viêm điểm bám gân đầu gối: Gây đau và sưng tại vùng gối.
- Viêm điểm bám gân vùng chậu: Ảnh hưởng đến các điểm bám ở vùng xương chậu.
- Viêm điểm bám gân gót chân: Gây đau và viêm ở khu vực gót chân.
Những bệnh lý này có thể gây đau, hạn chế vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị kịp thời.

3. Triệu chứng bệnh viêm điểm bám gân
Viêm điểm bám gân thường xảy ra ở các vị trí như gót chân, đầu gối, hông, ngón chân, khuỷu tay, cột sống và lòng bàn chân. Người bệnh thường cảm thấy đau nhức và cứng khớp, đặc biệt khi vận động. Ngoài ra, vùng da xung quanh khớp bị viêm có thể sưng lên.
Nếu không được điều trị, viêm điểm bám gân có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Vôi hóa hoặc cốt hóa: Hình thành mô xương mới tại các điểm bám, giống như gai xương ở gót chân, làm giảm khả năng chuyển động của khớp.
- Xơ hóa: Các mô mềm tại khu vực viêm trở nên xơ cứng, làm giảm tính linh hoạt và chức năng khớp.
Điều trị sớm là rất cần thiết để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng lâu dài.
4. Nguyên nhân gây bệnh viêm điểm bám gân
Một số nguyên nhân gây ra các bệnh lý gân cơ bao gồm:
- Sử dụng quá mức: Các chuyển động lặp đi lặp lại hoặc căng thẳng cơ học liên tục là nguyên nhân phổ biến gây viêm điểm bám gân, thường gặp ở những người chơi thể thao (như quần vợt) hoặc làm việc trong môi trường đòi hỏi hoạt động lặp lại.
- Viêm trong cơ thể: Các bệnh tự miễn như viêm khớp vảy nến hoặc bệnh lý cột sống dính khớp thường gây viêm toàn thân, làm tăng nguy cơ viêm điểm bám gân.
- Chấn thương ở khớp: Chấn thương trực tiếp tại khớp hoặc khu vực điểm bám gân có thể dẫn đến viêm và tổn thương.
- Di truyền: Một số chấn thương gân, đặc biệt là gân Achilles, có liên quan đến yếu tố di truyền. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số gen trong gia đình có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
5. Chẩn đoán bệnh viêm điểm bám gân
Việc chẩn đoán viêm điểm bám gân thường khá phức tạp và bao gồm nhiều bước. Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tổng quát, quan sát các vùng sưng, ấn nhẹ vào khu vực đau để đánh giá mức độ đau. Đồng thời, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về thời điểm đau nhiều nhất và các hoạt động có thể khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
Để xác định tình trạng viêm, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm máu như công thức máu toàn phần (CBC) hoặc các xét nghiệm khác để phát hiện các dấu hiệu viêm tăng cao. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ sử dụng các kỹ thuật hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm hoặc MRI. Những phương pháp này giúp quan sát chi tiết tình trạng xương, gân và các mô mềm xung quanh để đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.
6. Điều trị bệnh
Trước khi điều trị viêm điểm bám gân, bác sĩ cần xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Mặc dù chưa có phương pháp đặc trị cụ thể nhưng các triệu chứng như đau có thể được kiểm soát bằng các biện pháp điều trị phù hợp.
6.1 Thuốc
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hay naproxen có tác dụng giảm đau và sưng. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này cần được tư vấn bởi bác sĩ.
Ngoài ra, để điều trị các bệnh lý như viêm cột sống hoặc viêm khớp vảy nến, bác sĩ có thể kê đơn một hoặc một số loại thuốc sau:
6.1.1 Thuốc sinh học
Để điều trị các bệnh như viêm khớp vảy nến và viêm cột sống, thuốc sinh học sẽ tác động vào hệ miễn dịch. Một số loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Adalimumab (Humera)
- Thuốc Certolizumab (Cimzia)
- Etanercept (Enbrel)
- Infliximab (Remicade)
6.1.2 Thuốc chống thấp khớp làm chậm tiến triển bệnh
Nhóm thuốc chống thấp khớp làm chậm tiến triển bệnh (DMARD) bao gồm cả thuốc ức chế JAK được sử dụng để làm chậm tiến triển của bệnh thấp khớp. Trong đó, methotrexate là một ví dụ điển hình của DMARD nhưng vẫn còn nhiều loại khác như:
- Leflunomide (Arava)
- Sulfasalazine (Azulfidine)
- Tofacitinib (Xeljanz)

6.2 Vật lý trị liệu
Mục tiêu chính của vật lý trị liệu viêm điểm bám gân là giúp người bệnh phục hồi phạm vi chuyển động của các khớp, đồng thời giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn cảm giác đau.
Các bác sĩ vật lý trị liệu sẽ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng chuyển động của khớp và mức độ đau người bệnh gặp phải để xây dựng một phác đồ điều trị phù hợp.
6.3 Liệu pháp nitrat tại chỗ
Liệu pháp nitrat tại chỗ hoạt động bằng cách sử dụng thuốc mỡ nitroglycerin để làm giãn nở các mạch máu ở vùng đau. Điều này giúp cải thiện lưu thông máu và kích thích quá trình tái tạo mạch máu.
6.4 Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Máu của người bệnh sẽ được sử dụng để tạo ra liệu pháp PRP. Sau khi lấy máu, huyết tương giàu tiểu cầu sẽ được tách riêng và tiêm trở lại vào vị trí bị tổn thương. Các nhà khoa học cho rằng, PRP có khả năng kích thích tế bào tái tạo, giúp vết thương mau lành.

6.5 Biện pháp khắc phục tại nhà
Theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), nghỉ ngơi để giảm áp lực lên khớp bị đau và chườm đá thường xuyên để giảm sưng viêm.
Viêm điểm bám gân là một tình trạng phổ biến có thể gây đau đớn và hạn chế vận động nếu không được điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ nguyên nhân và nhận biết các triệu chứng sớm là yếu tố quan trọng để kiểm soát bệnh hiệu quả. Nếu gặp phải các dấu hiệu nghi ngờ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.