Viêm và viêm khớp không hoàn toàn giống nhau. Viêm là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước tổn thương hoặc nhiễm trùng, có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào trên cơ thể. Trong khi đó, viêm khớp là một dạng viêm cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến các khớp, gây đau và giảm chức năng khớp. Hiểu rõ sự khác biệt giữa viêm và viêm khớp là điều quan trọng để nhận diện đúng vấn đề và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Thế nào là viêm và viêm khớp?
Viêm là phản ứng của hệ miễn dịch đối với các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hệ miễn dịch có thể phản ứng với các mô của cơ thể, dẫn đến viêm nhiễm không cần thiết. Viêm có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, gây đỏ, sưng và đau.
Trong khi đó, viêm khớp - một dạng viêm đặc hiệu, là tình trạng các khớp bị viêm, sưng đỏ và đau đớn. Bệnh lý này có thể làm giảm khả năng vận động và người bệnh thường cần dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và trong một số trường hợp nặng có thể cần phẫu thuật.

2. Những bệnh liên quan đến viêm
Viêm khớp là bệnh liên quan đến viêm phổ biến nhất. Bên cạnh đó, còn có một số bệnh lý khác như viêm gan, viêm phổi, viêm đại tràng, viêm da, viêm mũi dị ứng và viêm cơ. Riêng với viêm khớp, có thể liệt kê ra ba dạng được biết đến nhiều nhất.
2.1. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một dạng của bệnh viêm khớp nhưng thường có các triệu chứng nhẹ hơn và kéo dài trong thời gian dài hơn so với các loại viêm khớp khác. Phổ biến nhất là tình trạng đau và sưng nhẹ kéo dài, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
2.2. Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là tình trạng viêm khớp mạn tính, liên quan đến viêm da vảy nến, khiến da nổi vết đỏ và có vảy. Triệu chứng thường thấy là đau và cứng cơ, đặc biệt là vào buổi sáng.
2.3. Bệnh gút
Bệnh gút là tình trạng viêm khớp do nồng độ axit uric trong máu tăng cao, gây sưng đỏ và đau đớn ở các khớp, đặc biệt là ở ngón tay và ngón chân.
3. Các triệu chứng thường thấy của viêm và viêm khớp:
Bệnh viêm khớp thường biểu hiện qua các dấu hiệu như khớp bị sưng đỏ, cảm giác nóng và đau khi chạm vào. Thêm vào đó, người bệnh còn có thể có hiện tượng cứng khớp và giảm khả năng di chuyển của khớp.
Những triệu chứng này có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc kết hợp tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Ngoài các triệu chứng tại khớp, viêm khớp cũng có thể gây ra các triệu chứng chung như sốt, cảm giác lạnh, mệt mỏi, đau đầu, mất cảm giác ngon miệng và cứng cơ.

4. Nguyên nhân gây viêm và viêm khớp?
Viêm xảy ra khi cơ thể phản ứng với các chất do tế bào bạch cầu giải phóng vào máu hoặc mô bị ảnh hưởng để bảo vệ cơ thể. Quá trình này dẫn đến tăng lưu lượng máu đến vùng bị thương hoặc nhiễm trùng, gây đỏ, ấm và kích thích dây thần kinh, từ đó gây đau. Viêm khớp là một dạng biến chứng của viêm, thường xảy ra do chấn thương khớp hoặc yếu tố di truyền.
5. Bệnh viêm được chẩn đoán như thế nào?
Bệnh viêm được chẩn đoán sau khi đánh giá những tình trạng sau:
- Khai thác bệnh sử và khám thực thể, chú ý đến vị trí khớp bị đau.
- Xuất hiện tình trạng cứng khớp vào buổi sáng.
- Đánh giá các triệu chứng và dấu hiệu kèm theo.
- Kết quả chụp X-quang.
6. Viêm và viêm khớp được điều trị như thế nào?
Có một số lựa chọn điều trị cho các bệnh viêm và viêm khớp bao gồm dùng thuốc, nghỉ ngơi, tập thể dục và phẫu thuật để khắc phục tổn thương khớp. Loại điều trị được chỉ định sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại bệnh, độ tuổi của người bệnh, loại thuốc đang dùng, sức khỏe tổng thể, tiền sử bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Có nhiều loại thuốc có tác dụng giảm đau khớp, sưng và viêm, đồng thời có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu sự tiến triển của bệnh viêm. Các loại thuốc bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Aspirin , Ibuprofen hoặc Naproxen.
- Thuốc kháng viêm Corticosteroid như Prednison và Cortisone.
- Thuốc chống sốt rét như Hydroxychloroquine.
- Các loại thuốc uống khác như Apremilast, Azathioprine, Cyclophosphamide, Leflunomide, Methotrexate và Sulfasalazine.

Một số loại thuốc thường được dùng để điều trị bệnh ung thư hoặc bệnh viêm ruột hoặc để ngăn ngừa việc cơ quan cấy ghép bị đào thải. Khi những thuốc này như Methotrexate hoặc Cyclophosphamide, được dùng để điều trị các bệnh viêm nhiễm, liều lượng thường thấp hơn nhiều so với khi điều trị ung thư. Do đó, nguy cơ tác dụng phụ cũng thấp hơn. Tuy nhiên, dù sử dụng thuốc với liều lượng nào, người bệnh vẫn cần gặp bác sĩ thường xuyên để theo dõi và phát hiện bất kỳ tác dụng phụ nào.
7. Tình trạng viêm và viêm khớp có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng không?
Viêm có thể ảnh hưởng đến các cơ quan như một phần của rối loạn tự miễn dịch, triệu chứng gặp phải sẽ phụ thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng. Ví dụ:
- Viêm cơ tim có thể gây khó thở hoặc giữ nước.
- Viêm các ống nhỏ vận chuyển không khí đến phổi có thể gây khó thở.
- Viêm thận có thể gây ra huyết áp cao hoặc suy thận .
Bên cạnh đó, một số loại viêm khớp cũng có thể lan rộng và ảnh hưởng đến các cơ quan khác ngoài khớp, được biết đến nhiều nhất như:
- Viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến có thể gây viêm màng bọc tim hoặc gây ra những vấn đề tim mạch khác.
- Một số loại viêm khớp có thể gây ra viêm mắt.
- Viêm khớp vảy nến thường đi kèm với viêm da vảy nến.
- Viêm khớp dạng thấp cũng có khả năng ảnh hưởng đến gan.
- Cuối cùng là viêm thận làm ảnh hưởng đến chức năng của thận.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.