Xạ trị ung thư tuyến giáp: Quy trình và những điều cần biết

Mục lục

Xạ trị ung thư tuyến giáp là một phương pháp điều trị phổ biến nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, đặc biệt trong những trường hợp ung thư tuyến giáp tái phát hoặc không thể cắt bỏ hoàn toàn. Việc sử dụng iod phóng xạ, mang lại hiệu quả cao tuy nhiên cần sự giám sát chặt chẽ và các biện pháp bảo vệ người xung quanh khỏi bức xạ.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Xạ trị ung thư tuyến giáp là gì?

Xạ trị ung thư tuyến giáp là phương pháp điều trị sử dụng iod phóng xạ, cụ thể là I-131 (Iodine 131), một dạng iod có khả năng phát ra bức xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến giáp.

Tuyến giáp có khả năng hấp thụ gần như toàn bộ lượng iod trong cơ thể. Khi iod phóng xạ được đưa vào cơ thể, các tế bào tuyến giáp bao gồm cả tế bào ung thư sẽ thu giữ iod này. Bức xạ phát ra từ I-131 sẽ trực tiếp gây tổn thương hoặc phá hủy các tế bào ung thư, giúp giảm nguy cơ tái phát và tăng hiệu quả điều trị. 

Các tế bào ung thư tuyến giáp bị phá hủy bởi các bức xạ từ iod phóng xạ.
Các tế bào ung thư tuyến giáp bị phá hủy bởi các bức xạ từ iod phóng xạ.

2. Thực hiện xạ trị ung thư tuyến giáp khi nào?

Xạ trị ung thư tuyến giáp được chỉ định thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp: Đặc biệt áp dụng cho các trường hợp có di căn hạch vùng cổ nhằm loại bỏ hoàn toàn mô tuyến giáp hoặc tế bào ung thư còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát.
  • Điều trị ung thư tuyến giáp tái phát: Xạ trị được sử dụng khi ung thư tái phát sau lần điều trị đầu tiên, đặc biệt trong các trường hợp hiếm gặp khi bệnh đã di căn đến hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang: Đây là hai thể ung thư tuyến giáp phổ biến nhất.

3. Quy trình thực hiện xạ trị ung thư tuyến giáp

3.1. Chuẩn bị trước khi thực hiện xạ trị  

Để tiến hành việc xạ trị điều trị ung thư tuyến giáp, người điều trị cần thực hiện một số yêu cầu của bác sĩ bao gồm:

  • Ngừng sử dụng một số loại thuốc: Ngưng dùng thuốc hormon tuyến giáp trong vài tuần trước điều trị. Ngưng sử dụng các loại thuốc ức chế tuyến giáp ít nhất 1 tuần trước khi xạ trị.
  • Duy trì chế độ ăn ít iốt: Thực hiện chế độ ăn ít iốt trong 2-3 tuần trước khi điều trị. Tránh sử dụng thực phẩm chứa muối iốt, các sản phẩm từ sữa, trứng, hải sản, rong biển, đậu nành và các thực phẩm được nhuộm màu đỏ.
  • Tiêm hormone kích thích tuyến giáp: Tiêm hormone kích thích tuyến giáp để tăng khả năng hấp thu iod phóng xạ của các tế bào tuyến giáp.
  • Kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp: Thực hiện xét nghiệm để đánh giá nồng độ hormone tuyến giáp trong cơ thể.
  • Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như xạ hình tuyến giáp, để đánh giá tình trạng tuyến giáp một cách chi tiết vài ngày hoặc vài tuần trước khi bắt đầu điều trị. 
Trước khi thực hiện xạ trị ung thư tuyến giáp, người bệnh cần tránh dùng đậu nành và các sản phẩm từ sữa.
Trước khi thực hiện xạ trị ung thư tuyến giáp, người bệnh cần tránh dùng đậu nành và các sản phẩm từ sữa.

Các tế bào tuyến giáp, bao gồm cả tế bào ung thư, không thể phân biệt được giữa iod phóng xạ và iod không phóng xạ. Do đó, các tế bào tuyến giáp sẽ hấp thụ iod phóng xạ một cách nhanh chóng. Phần iod phóng xạ không được tuyến giáp hấp thụ sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài thông qua mồ hôi và nước tiểu trong vài ngày sau điều trị.

Người bệnh cần uống nhiều nước trong quá trình điều trị để hỗ trợ loại bỏ lượng iod phóng xạ dư thừa khỏi cơ thể. Đồng thời, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm triệu chứng buồn nôn và nôn trong thời gian điều trị.

Thông thường, xạ trị bằng iod phóng xạ chỉ cần thực hiện một lần. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể cần tiến hành điều trị thêm lần thứ hai để đạt hiệu quả tối ưu.

4. Những lưu ý sau khi thực hiện điều trị ung thư tuyến giáp bằng xạ trị

Sau khi điều trị bằng iod phóng xạ, cơ thể người bệnh có thể phát ra bức xạ trong vài ngày, làm tăng nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ cho những người xung quanh. Tùy thuộc vào liều lượng iod phóng xạ và nơi thực hiện điều trị, người được điều trị có thể cần ở lại phòng cách ly đặc biệt khoảng vài ngày nhằm đảm bảo không làm người khác bị phơi nhiễm bức xạ.

4.1. Thời gian cách ly sau khi uống thuốc xạ trị 

Thời gian cách ly sau khi dùng thuốc xạ trị ung thư tuyến giáp thường sẽ không quá 5 ngày. Người bệnh sẽ được kiểm tra mức độ bức xạ thường xuyên, khi lượng bức xạ giảm xuống mức an toàn (sau khoảng 4 đến 7 ngày) thì có thể xuất viện.

Trong trường hợp được về nhà ngay trong ngày, người bệnh nên tránh di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng, thay vào đó nện tự lái xe về nhà. Nếu không thể tự lái xe, hãy ngồi tránh càng xa tài xế càng tốt.

4.2. Thời gian cách ly tại nhà sau khi uống thuốc xạ trị

Bệnh nhân cần tuân thủ các biện pháp cách ly cần thực hiện để đảm bảo an toàn cho người xung quanh.

Trong khoảng 3 ngày sau khi điều trị:

  • Hạn chế tiếp xúc gần: Tránh hôn, tiếp xúc thân thể lâu dài hoặc gần gũi với người khác, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân: Tránh sử dụng chung dụng cụ ăn uống, chăn, drap, gối, đệm, khăn tắm, khăn mặt và các vật dụng cá nhân khác với người khác.
  • Tự vệ sinh đồ dùng cá nhân: Bệnh nhân nên tự giặt quần áo, tự rửa chén bát và vệ sinh riêng các vật dụng đã sử dụng.
  • Ngủ riêng: Ngủ ở phòng riêng, không ngủ chung giường và không sử dụng chung phòng tắm với người khác.
  • Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên và tắm hàng ngày để giảm nguy cơ phơi nhiễm.
  • Vệ sinh nhà vệ sinh: Khi đi tiểu, nên ngồi xuống và xả bồn cầu từ 2 đến 3 lần sau khi sử dụng để đảm bảo an toàn.

Trong khoảng 5 ngày sau điều trị:

  • Tránh nơi công cộng và giữ khoảng cách tại khu vực công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với người khác để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ.
  • Không nên ngủ chung giường với người khác trong ít nhất 5 ngày và tối đa 11 ngày sau điều trị.

4.3. Kiểm tra sau khi xạ trị  

Thực hiện quét cơ thể sau xạ trị để kiểm tra xem còn tế bào ung thư tuyến giáp sót lại hay không.
Thực hiện quét cơ thể sau xạ trị để kiểm tra xem còn tế bào ung thư tuyến giáp sót lại hay không.
  • Quét cơ thể: Bạn có thể được chỉ định quét cơ thể để kiểm tra xem có còn tế bào ung thư tuyến giáp nào sót lại sau khi xạ trị hay không.
  • Xét nghiệm máu: Sau khoảng 4 tuần kể từ khi xạ trị, bệnh nhân có thể cần xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng tuyến giáp. Sau đó, xét nghiệm này thường được thực hiện định kỳ 6 đến 12 tháng một lần để phát hiện tình trạng suy giáp nếu có.
  • Dùng hormone thay thế: Đối với những bệnh nhân đã cắt bỏ tuyến giáp, việc sử dụng hormone tuyến giáp thay thế suốt đời thường được chỉ định để duy trì chức năng nội tiết bình thường.

Xạ trị ung thư tuyến giáp là phương pháp điều trị hiệu quả giúp tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ tái phát. Mặc dù có những tác dụng phụ và yêu cầu cách ly trong suốt quá trình điều trị nhưng phương pháp này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng điều trị và cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ