Xẹp đĩa đệm: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Bệnh xẹp đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị chèn ép giữa các đốt sống, mà nguyên nhân chủ yếu thường là do tuổi tác. Đĩa đệm là một cấu trúc sụn nằm giữa hai đốt sống có hai chức năng chính giảm ma sát để tạo ra chuyển động giữa các khớp đốt sống và làm giảm lực tác động bảo vệ cấu trúc xương đốt sống. Đĩa đệm được cấu bởi lớp nhân nhầy bên trong và vòng xơ bao bọc bên ngoài.

1. Tình trạng xẹp đĩa đệm

Xẹp đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị mất nước trong một thời gian dài khiến nó giảm độ mềm dẻo và đàn hồi. Nguyên nhân xuất phát cả từ yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Xẹp đĩa đệm gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận động của cột sống.

Xẹp đĩa đệm gồm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu là đĩa đệm bắt đầu lỏng lẻo, các đốt xương sát lại với nhau như đang bị dồn lực vào nhưng đốt xương không bị thoái hóa. Giai đoạn này nếu được phát hiện sớm thì chỉ cần điều trị đơn giản là có thể hồi phục lại như bình thường.
  • Giai đoạn hai là đốt xương liền nhau, đĩa đệm co rút lại. Giai đoạn này dễ hình thành gai cột sống và các bệnh lý liên quan.
  • Giai đoạn cuối là đốt xương dính liền thành một khối. Giai đoạn này gây đau nhiều vùng trên cơ thể, không thể chữa dứt điểm được. Vậy nên phát hiện bệnh sớm rất quan trọng, đừng chủ quan để bệnh phát triển qua giai đoạn nặng.

Xẹp đĩa đệm
Xẹp đĩa đệm

2. Nguyên nhân xẹp đĩa đệm

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng xẹp đĩa đệm cột sống bao gồm:

  • Tuổi tác: Khi về già, tuổi càng cao thì những cơ quan trong cơ thể sẽ có xu hướng lão hóa và hình thành nên những tổn thương. Một trong những tổn thương do quá trình lão hóa chính là đĩa đệm bị mất nước, lượng nhân keo trong đĩa đệm bị giảm một cách đáng kể. Hơn nữa sau nhiều năm vận động, các đĩa đệm phải chịu áp lực từ các đốt sống, do đó đĩa đệm có xu hướng bị xẹp đi.

Nguyên nhân do tuổi tác thường rất khó cải thiện được tình trạng, tuy nhiên có thể ngăn ngừa bằng cách luyện tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên hiện nay không chỉ có người lớn tuổi bị xẹp đĩa đệm mà còn có cả những người trẻ tuổi khi chỉ mới trong độ tuổi tầm 20 tuổi cũng đã gặp tình trạng xẹp đĩa đệm.

  • Do mắc các bệnh lý về xương khớp như: Loãng xương, thoái hóa cột sống... Từ 30 tuổi, lớp sụn khớp bắt đầu bị bào mòn và xương dưới sụn dần bị suy yếu. Đồng thời, lượng hormone cần thiết cho quá trình tạo xương cũng bắt đầu có biểu hiện bị rối loạn (đặc biệt ở phụ nữ)
  • Do công việc: Đối với những người làm việc văn phòng, tính chất công việc là phải ngồi lâu, giữ một tư thế sẽ khiến các đốt sống phải chịu lực ép trong khoảng thời gian dài. Theo thời gian các đĩa đệm bị đè nén lâu sẽ gây ra hiện tượng xẹp đĩa đệm. Hay những công việc phải lao động cực nhọc, bê vác những đồ vật nặng cũng là nguyên nhân trực tiếp tạo ra áp lực lên các đốt sống. Nếu tình trạng này không được cải thiện sẽ xuất hiện những bệnh lý khác về xương khớp như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống...
  • Tổn thương cột sống: Rất nhiều nguyên nhân gây ra những tổn thương ở cột sống, có thể do chấn thương khi chơi thể thao hay tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Những tổn thương này sẽ gây ra các bệnh lý liên quan đến cột sống, trong đó có xẹp đĩa đệm. Do đó, nếu gặp bất kỳ chấn thương nào cũng cần phải điều trị một cách dứt điểm nhằm hạn chế các biến chứng sau này.

Cân nặng: Hiện này có khoảng 43% dân số thế giới đang có cân nặng vượt quá mức cho phép về tiêu chuẩn cân nặng dựa theo chiều cao (BMI). Ở thế kỳ 21, cân nặng đang là vấn đề của con người, nó không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn tác động tiêu cực đến các cơ quan bên trong cơ thể. Một trong số đó là hệ thống xương khớp là cơ quan chịu tác động trực tiếp của cân nặng. Béo phì tạo nên áp lực cho các đốt sống, mỗi kilogam cân nặng tương ứng với một áp lực. Do đó người có cân nặng vượt mức thường có nguy cơ cao mắc các bệnh về xương khớp, bao gồm cả xẹp đĩa đệm. Nếu không cải thiện tình trạng cân nặng, sẽ xuất hiện những bệnh khác như thoái hóa khớp gối... Ngoài ra không chỉ những vấn đề về xương khớp, béo phì còn gây ra rất nhiều những căn bệnh khác.

3. Dấu hiệu nhận biết xẹp đĩa đệm

Xẹp đĩa đệm cột sống phát triển các triệu chứng dần dần, qua từng ngày. Tại thời điểm mới khởi phát bệnh, có thể chưa có dấu hiệu đặc biệt hoặc nếu có thì cũng chỉ là một vài cơn đau nhẹ âm ỉ rồi tự hết, không đau dữ dội hay đau nhói vùng cột sống tương ứng. Mức độ xẹp của đĩa đệm cột sống thường tỷ lệ thuận với thời gian phát bệnh. Theo thời gian, người bệnh sẽ dần dần cảm thấy tình trạng đau nhức khó chịu khi vận động tăng lên, một số dấu hiệu để nhận biết tình trạng xẹp đĩa đệm sớm như:

  • Cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội ở tại vùng cổ, thắt lưng, khiến người bệnh khó khăn khi cử động.
  • Cơn đau tăng dần khi thay đổi tư thế hay khi di chuyển mạnh, đột ngột ví dụ như: đứng lên, ngồi xuống, hoặc cúi gập người...và dịu dần đi khi được nghỉ ngơi. Cơn đau thường xuất hiện nhiều về đêm và gần sáng.
  • Có thể đau lan tới các bộ phận khác của cơ thể như đau lan xuống vai tay khi xẹp đĩa đệm cột sống cổ hay mông, hông, bắp đùi khi xẹp đĩa đệm cột sống lưng, thắt lưng

Xẹp đĩa đệm có thể khiến cho cấu trúc của đĩa đệm dần bị phá hoại, làm cho độ ma sát tăng cao, vận động cột sống dần trở lên khó khăn hơn. Từ đó, các khớp đốt sống sẽ dần bị hẹp lại, có thể dẫn tới cột sống bị biến dạng.

4. Điều trị xẹp đĩa đệm


Bệnh nhân được điều trị bằng các loại thuốc
Bệnh nhân được điều trị bằng các loại thuốc

Điều trị xẹp đĩa đệm có nhiều cách, dựa vào giai đoạn bệnh của từng người và ở từng độ tuổi, thể trạng sức khỏe để có những biện pháp điều trị phù hợp.Hiện nay, xẹp đĩa đệm cột sống có thể được điều trị bằng những biện pháp phổ biến như:

4.1 Điều trị bằng thuốc

Bệnh nhân được điều trị bằng các loại thuốc. Những nhóm thuốc thường được chỉ định chữa xẹp đĩa đệm cột sống gồm:

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân cũng sẽ được sử dụng thêm nẹp lưng với mục đích nâng đỡ cho cơ thể. Qua đó, giúp hạn chế chấn thương bên trong và làm giảm đau cho bệnh nhân.

4.2 Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị bảo tồn thường được sử dụng trong nhiều trường hợp bệnh và nhiều giai đoạn bệnh, đặc biệt tốt trong giai đoạn xẹp đĩa đệm chưa tiến triển nặng, còn có khả năng phục hồi. Với người có tình trạng xẹp đĩa đệm nặng, vật lý trị liệu hỗ trợ cho các biện pháp giảm đau bằng thuốc giúp giảm đau tốt hơn, hỗ trợ cho biện pháp phẫu thuật để đẩy nhanh tiến trình hồi phục sau phẫu thuật. Khi thực hiện điều trị bằng vật lý trị liệu, bệnh nhân thường được chỉ định thực hiện theo đợt. Kết thúc mỗi đợt, bệnh nhân sẽ được đánh giá lại tình trạng sức khỏe để có hướng điều trị cho đợt tiếp theo đến khi hồi phục.

5. Phẫu thuật

Phẫu thuật là biện pháp điều trị xâm lấn thường được thực hiện trong những trường hợp bệnh đã tiến triển nặng, bệnh nhân đã được điều trị thuốc, vật lý trị liệu và các phương pháp điều trị bảo tồn khác nhưng không mang lại hiệu quả. Điều trị bằng phẫu thuật có thể giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, phẫu thuật có tỉ lệ biến chứng nhất định.

Do đó đây chỉ là lựa chọn cuối cùng trong trường hợp những biện pháp khác không đem lại được kết quả. Trước khi quyết định phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn và trao đổi ý kiến để đánh giá những nguy cơ có thể xảy ra.

6. Các biện pháp phòng ngừa


Bổ sung nguồn thức ăn vào chế độ ăn giàu canxi
Bổ sung nguồn thức ăn vào chế độ ăn giàu canxi

Xẹp đĩa đệm có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, do đó cần phải phòng ngừa bệnh bằng cách thay đổi lối sống,kiểm soát cân nặng, thiết lập chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt:

  • Chế độ ăn: Bổ sung chế độ ăn giàu canxi, giàu vitamin, uống đủ nước
  • Tránh các yếu tố nguy cơ ví dụ như: Không hút thuốc lá, không uống rượu bia, cafe,... Tránh tình trạng thừa cân béo phì
  • Chế độ vận động và sinh hoạt phù hợp: Tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên tăng độ dẻo dai cho cơ vùng cột sống và cơ bắp của toàn cơ thể
  • Hạn chế cúi xuống để mang vác những đồ vật nặng quá sức, hạn chế các cử động đột ngột, mạnh trong tư thế gập người, thường xuyên đứng dậy vận động khi phải ngồi làm việc nhiều trong văn phòng..

Xẹp đĩa đệm là một trong những bệnh lý nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động, di chuyển. Vì vậy khi có những dấu hiệu bất thường như đau nhức hay hạn chế vận động, tê tay chân cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được thăm khám và được can thiệp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe