Xét nghiệm máu phát hiện ung thư cổ tử cung có lợi ích gì?

Mục lục

Xét nghiệm máu phát hiện ung thư cổ tử cung là một trong những phương pháp được nhiều người quan tâm khi tầm soát căn bệnh này. Tuy nhiên, liệu xét nghiệm này chẩn đoán chính xác ung thư cổ tử cung hay không? Bài viết này sẽ giúp hiểu rõ vai trò của xét nghiệm máu trong sàng lọc ung thư cổ tử cung và các phương pháp chẩn đoán hiệu quả khác.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Xét nghiệm máu là gì?  

Xét nghiệm máu là một phương pháp kiểm tra quan trọng, thường được thực hiện trong các đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc khi bác sĩ cần đánh giá tình trạng bệnh lý. Tùy theo mục đích kiểm tra, bác sĩ có thể chỉ định các loại xét nghiệm máu khác nhau, bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần: Đo lường số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, giúp phát hiện các vấn đề như thiếu máu, nhiễm trùng hoặc rối loạn đông máu..
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Kiểm tra các chỉ số đường huyết (glucose), protein, enzyme gan (AST, ALT), chức năng thận (urê, creatinin), điện giải (natri, kali, clorua)… để đánh giá tình trạng gan, thận, chuyển hóa và nội tiết.
  • Xét nghiệm miễn dịch: Xác định tình trạng miễn dịch và phát hiện một số bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch.
  • Xét nghiệm vi sinh: Kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn, virus hoặc các tác nhân gây nhiễm trùng trong máu. 
Xét nghiệm máu phát hiện ung thư cổ tử cung có chính xác không là câu hỏi được quan tâm.
Xét nghiệm máu phát hiện ung thư cổ tử cung có chính xác không là câu hỏi được quan tâm.

2. Xét nghiệm máu phát hiện ung thư cổ tử cung chính xác không?  

Xét nghiệm máu có thể hỗ trợ phát hiện dấu ấn ung thư nhờ vào sự xuất hiện của các protein đặc biệt do tế bào ung thư tiết ra. Những chất này, gọi là chỉ điểm ung thư (tumor markers) giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ mắc bệnh, theo dõi tiến triển và hiệu quả điều trị.

Một số chỉ điểm ung thư phổ biến gồm:

Tuy nhiên, các chất này không có tính đặc hiệu tuyệt đối, nghĩa là chúng có thể tăng cao ngay cả khi không có ung thư. Vì vậy, bác sĩ chỉ sử dụng xét nghiệm máu như một phương pháp hỗ trợ, không thể khẳng định chắc chắn bệnh ung thư chỉ dựa vào kết quả này.

Riêng với ung thư cổ tử cung, xét nghiệm máu không phải là phương pháp tầm soát chính. Bác sĩ thường chỉ định Pap smear, xét nghiệm HPV DNA hoặc sinh thiết cổ tử cung để phát hiện bệnh chính xác hơn. Xét nghiệm máu có thể giúp theo dõi tiến triển bệnh và đánh giá hiệu quả điều trị nhưng không thể thay thế các phương pháp tầm soát tiêu chuẩn.

3. Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung chuyên sâu

Trước khi thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán ung thư cổ tử cung, bác sĩ thường thu thập bệnh sử và đánh giá tổng quát về sức khỏe sinh sản của bệnh nhân. Các yếu tố quan trọng cần xem xét bao gồm tiền sử bệnh phụ khoa, đời sống tình dục, số lần mang thai và sinh con cũng như chu kỳ kinh nguyệt.  

Người bệnh sẽ được trao đổi với bác sĩ một số thông tin như tiền sử bệnh phụ khoa.
Người bệnh sẽ được trao đổi với bác sĩ một số thông tin như tiền sử bệnh phụ khoa.

Người bệnh cũng có thể được bác sĩ chỉ định khám vùng chậu, âm đạo và cổ tử cung để đánh giá trực tiếp tình trạng sức khỏe của cơ quan sinh dục. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu nhằm xác định chẩn đoán, bao gồm:

3.1 Xét nghiệm Pap

Xét nghiệm phết tế bào tử cung hay còn gọi là xét nghiệm Pap (Pap smear) là một phương pháp xét nghiệm tế bào học phổ biến để tầm soát và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Trong quá trình thực hiện xét nghiệm, bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung để kiểm tra sự biến đổi bất thường của tế bào. Điều này giúp phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm (ung thư tại chỗ), từ đó tăng khả năng điều trị hiệu quả và cải thiện tiên lượng bệnh.

3.2 Xét nghiệm HPV

Xét nghiệm HPV giúp phát hiện các chủng virus HPV nguy cơ cao có thể gây ung thư cổ tử cung. Trong hơn 100 chủng HPV, có khoảng 14 chủng có nguy cơ cao, đặc biệt là HPV 16 và HPV 18, chiếm 70% các ca ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, các chủng HPV 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59 cũng có thể gây bệnh.

Xét nghiệm HPV có thể thực hiện độc lập hoặc kết hợp với xét nghiệm Pap smear để tăng độ chính xác trong việc tầm soát ung thư cổ tử cung sớm.

3.3 Soi cổ tử cung

Phương pháp này sử dụng một thiết bị có độ phóng đại cao và hệ thống chiếu sáng để quan sát chi tiết bề mặt âm đạo, âm hộ và cổ tử cung. Nhờ đó, bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương hoặc dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ quan sát được bề mặt mô, không thể phát hiện bất thường ở cấp độ tế bào. Để kiểm tra tế bào, bác sĩ cần thực hiện thêm xét nghiệm Pap smear hoặc sinh thiết.

3.4 Sinh thiết cổ tử cung

Trong quá trình sinh thiết cổ tử cung, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ cổ tử cung để đưa đi phân tích tại phòng thí nghiệm nhằm phát hiện các bất thường ở tế bào. Phương pháp sinh thiết có thể được thực hiện bằng sinh thiết kim lõi hoặc khoét chóp cổ tử cung, tùy theo tình trạng tổn thương nghi ngờ. Thông thường, xét nghiệm này được thực hiện đồng thời với soi cổ tử cung để hỗ trợ chẩn đoán chính xác hơn.

3.5 Nội soi bàng quang

Trong quá trình nội soi bàng quang, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi – một ống mỏng, có gắn đèn chiếu sáng và camera ở đầu – để đưa vào bàng quang nhằm quan sát trực tiếp bên trong. Thủ thuật này giúp đánh giá xem ung thư cổ tử cung đã lan rộng hoặc xâm lấn vào bàng quang hay chưa.

3.6 Xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh như X-quang, siêu âm, CT scan và MRI giúp bác sĩ quan sát rõ vùng chậu, bụng, hạch bạch huyết, cổ tử cung và các cơ quan xung quanh. Những phương pháp này được dùng để:

  • Xác định mức độ tiến triển của ung thư cổ tử cung.
  • Kiểm tra xem ung thư đã lan rộng hay di căn sang các cơ quan khác chưa.
  • Hỗ trợ lập kế hoạch điều trị phù hợp.

Trong đó:

  • Siêu âm giúp kiểm tra bất thường trong tử cung và vùng chậu.
  • CT scan & MRI cung cấp hình ảnh chi tiết về sự lan rộng của ung thư.
  • X-quang ngực giúp phát hiện nếu ung thư đã di căn đến phổi. 
Các xét nghiệm hình ảnh như X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI) đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, đánh giá ung thư cổ tử cung.
Các xét nghiệm hình ảnh như X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI) đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, đánh giá ung thư cổ tử cung.

Tóm lại, kết quả xét nghiệm máu không phải là cơ sở duy nhất để bác sĩ chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, đây vẫn là một xét nghiệm có thể được sử dụng như một phần của quy trình tầm soát, giúp phát hiện dấu ấn ung thư và hỗ trợ bác sĩ trong việc đánh giá nguy cơ mắc bệnh.

Hy vọng bài viết giúp giải đáp thắc mắc về việc xét nghiệm máu phát hiện ung thư cổ tử cung hay không. Việc đối mặt với chẩn đoán ung thư cổ tử cung hay bất kỳ loại ung thư nào đều không dễ dàng, nhưng hiểu rõ về bệnh sẽ giúp mọi người chủ động hơn trong việc theo dõi sức khỏe và điều trị. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ