Công dụng của cây màng tang

Cây màng tang là một cây mọc hoang ở nhiều vùng núi ở nước ta. Từ lâu cây màng tang đã được sử dụng trong Y Học Cổ Truyền để chữa nhiều bệnh lý khác nhau. Vậy công dụng của cây màng tang là gì?

1. Công dụng của cây màng tang là gì?

Cây màng tang thuộc loại cây nhỡ, vỏ thân màu xanh, có lỗ bì, cây già thì có màu nâu xám, cành nhỏ. Lá màng tang mọc so le, phiến lá có hình mác dài khoảng 10cm, rộng 1,5-2,5cm, lá dày, mặt trên lá màu xanh lục, mặt dưới lá màu xám sau chuyển thành màu đen, mép nguyên, cuống lá mảnh, gân lá rõ.

Hoa màng tang nhỏ, màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở nách lá nhưng khác gốc. Quả màng tang mọng có hình tròn hoặc hình trứng khi chín có màu đen, mùi rất thơm. Cây màng tang ra hoa từ tháng 1-3, và ra quả vào tháng 4-9.

Cây màng tang mọc hoang ở vùng rừng núi cao như: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Lâm Ðồng, Kon Tum, và đã được trồng ở một số nơi để làm bóng mát, có nơi dùng lấy quả để cất tinh dầu.

Dược liệu cây màng tang là phần rễ, cành, lá và cả quả của cây màng tang để làm thuốc chữa bệnh. Phần rễ và lá cây màng tang được thu hái quanh năm. Quả màng tang thường được thu hoạch vào khoảng thời gian chuyển từ hè sang thu.

Phần rễ, lá và cành của cây màng tang sau khi được thu hoạch rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất, sau đó thái thành từng đoạn nhỏ rồi phơi hoặc sấy khô. Quả màng tang sau khi hái về được đem chưng cất để lấy tinh dầu.

cây màng tang
Cây màng tang là một cây mọc hoang ở nhiều vùng núi ở nước ta

Theo nghiên cứu hiện đại, dược liệu cây màng tang có thành phần hóa học như sau:

  • Cây màng tang chứa 0,81% tinh dầu và alkaloid laurote tanin.
  • Vỏ cây màng tang chứa alcaloid N – methyl – laurate tanin.
  • Vỏ rễ màng tang chứa 0,2 – 1,2% tinh dầu, trong đó 8 – 12% citronellol và 10% citral;
  • Quả màng tang chứa 38 – 43% tinh dầu chiết xuất citral;
  • Lá cây màng tang chứa 0,2 – 0,4% tinh dầu, trong đó có 20 – 35% cineol, 6 – 22% andehit và 20 – 25% ancol.
  • Hoa màng tang chứa nhiều tinh dầu và có khoảng 37% hợp chất andehit.

Công dụng của cây màng tang theo nghiên cứu hiện đại:

  • Tinh dầu cây màng tang có tác dụng ức chế và loại bỏ các vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
  • Tác dụng an thần
  • Tác dụng chống loạn nhịp tim, chống thiếu máu cơ tim.
  • Tác dụng chống viêm loét dạ dày do axit chlohydric gây nên.

Theo Y Học Cổ Truyền, dược liệu cây màng tang là vị thuốc có vị cay, đắng, tính ấm, có mùi thơm. Cây màng tang có công dụng tán phong hàn, ôn trung hạ khí, trừ thấp giảm đau.

Rễ cây màng tang được sử dụng trong điều trị đau đầu, đau dạ dày, cảm mạo, trướng bụng, đầy hơi, phong thấp, đau nhức xương khớp, hỗ trợ điều trị kinh nguyệt không đều, sản hậu ứ trệ bụng đau.

Lá cây màng tang được sử dụng trong điều trị da viêm mủ, trị mụn nhọt, viêm vú cấp tính và điều trị rắn cắn. Ngoài ra, lá màng tang còn có tác dụng phòng chống muỗi đốt rất hiệu quả.

Quả màng tang được dùng để điều trị chứng đau dạ dày, ăn không tiêu.

cây màng tang
Cây màng tang có tác dụng an thần

2. Một số bài thuốc từ dược liệu cây màng tang

Một số bài thuốc Đông y từ cây màng tang điều trị bệnh như sau:

  • Bài thuốc điều trị cảm mạo phong hàn: Sử dụng lá màng tang, lá sả, lá bưởi, cây bạc hà (hoặc thay bằng kinh giới, tía tô) mỗi thứ một nắm nấu nước để xông. Hoặc có thể dùng rễ cây màng tang 40g, sắc nước rồi pha thêm chút đường đỏ, uống nóng, dùng liền 3 ngày.
  • Bài thuốc điều trị đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết: Sử dụng 30g rễ cây màng tang rửa sạch, đun nhỏ lửa với 500ml cho tới khi còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày, uống liên tục trong 5 ngày..
  • Bài thuốc chữa nấc do cảm lạnh: Sử dụng quả màng tang, tán bột, mỗi lần uống 4g, uống 3-4 lần trong ngày, chiêu với nước nóng pha thêm ít giấm uống.
  • Bài thuốc chữa rối loạn tiêu hóa do ăn đồ sống, lạnh: Sử dụng quả màng tang 8g, lá chè 4g, lá mơ 12g, sắc uống trong ngày.
  • Bài thuốc điều trị tỳ vị kém, ăn kém, tiêu hóa kém, đầy bụng: Sử dụng quả màng tang 10g, trần bì 5g, thủy xương bồ 5g, gừng 5g, sắc uống ngày 1 lần, uống liền 3-5 ngày.
  • Bài thuốc điều trị viêm xoang mũi dị ứng: Sử dụng lá màng tang 60g, lá ngải cứu 60g, toàn cây viễn chí 100g, tất cả đều dùng tươi, nấu lấy nước tắm toàn thân và gội đầu vào mỗi buổi sáng 1 lần, làm như vậy liên tiếp trong 7 ngày.
  • Bài thuốc điều trị căng cơ do vận động nhiều: Sử dụng 20g lá cây màng tang cùng với bạc hà 4g, ngũ gia bì gai 20g, hương phụ 4g, tiên mao 16g, tất cả đều dùng tươi, giã nhuyễn, sau đó thêm rượu trắng rồi bó vào chỗ đau khoảng 3 giờ.

Cây màng tang là một cây mọc hoang ở nhiều vùng núi ở nước ta. Đây là một loại dược liệu được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan