Vị trí và tác dụng huyệt Huyền Chung

Huyệt Huyền Chung có nhiều tác dụng và được ứng dụng phổ biến trong việc điều trị các bệnh lý khác nhau như liệt chi dưới, đau cổ gáy, bệnh khớp gối.... Thông qua châm cứu tác động lên vị trí huyệt vị, sẽ giúp cải thiện triệu chứng và sức khỏe của người bệnh.

1. Huyệt Huyền Chung là gì?

Huyền chung là huyệt vị thứ 39 thuộc Đởm. Theo ghi chép thời xưa, người ta thường mang thêm một cái vòng có chuông nhỏ như lục lạc ở cổ chân, nhất là ở trẻ nhỏ với chất liệu bằng bạc. Khi di chuyển, chiếc chuông sẽ phát ra các âm thanh leng keng, từ đó mà tên gọi huyền chung huyệt đã được ra đời.

Trong Y Học Cổ Truyền, huyệt Huyền chung còn được gọi với các tên gọi khác là Tủy Hội hay Tuyệt Cốt, trong đó Tuyệt có nghĩa là đoạn cuối cùng và Cốt có nghĩa là xương.

Theo Đông y, huyệt vị này còn có đặc trưng là hội huyệt của Tủy và là huyệt lạc của tam kinh dương tại bàn chân, bao gồm Kinh Bàng Quang, Kinh Đởm và Kinh vị.

huyệt huyền chung
Huyệt Huyền chung còn được gọi với các tên gọi khác là Tủy Hội hay Tuyệt Cốt

2. Vị trí của huyệt Huyền Chung

Xác định huyệt huyền chung trên cơ thể khá dễ dàng. Nó nằm ở phần trên của đỉnh mắt cá chân, lui về phía ngoài 3 tác, ở giữa bờ sau của xương mác, cơ ngắn bên mác và phần gân cơ.Bên dưới huyệt có đặc điểm giải phẫu như sau:

  • Dưới da là khe giữa cơ mác ngắn và bờ trước xương mác.
  • Nhánh của dây thần kinh cơ-da cho phối vận động cơ.
  • Tiết đoạn thần kinh L5 chi phối da vùng huyệt này.

3. Tác dụng của huyệt Huyền Chung

Huyệt Huyền Chung có nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe con người, trong đó nổi bật nhất đó là tác dụng làm thanh thủy nhiệt, khu phong tà, tiết đờm hỏa, bổ tỳ thận phế và thượng tiên vị sơ.

Cụ thể, huyệt vị này có những chủ trị sau:

  • Giúp điều trị các bệnh lý liệt chi dưới và đau nhức phần cổ gáy.
  • Trị bệnh khớp gối cũng như các vùng mô mềm bao bọc xung quanh khớp bị viêm, người bị đau lưng hoặc đau khớp gối.
  • Giúp trị chứng đau họng, bụng bị nóng hoặc chảy máu mũi.
  • Huyệt Huyền Chung còn có công dụng chữa trị chứng đau cẳng chân hoặc đau nhức xương từ sâu bên trong.
huyệt huyền chung
Huyệt Huyền Chung trị bệnh khớp gối

4. Phối hợp huyệt trị bệnh:

  • Theo châm cứu Đại Thành: Kết hợp với Nội Đình để trị ngực bụng đầy trướng; kết hợp với Cứu Tuyệt Cốt và Túc Tam Lý mỗi huyệt 3 tráng để ngừa trúng phong; kết hợp với Công Tôn, Thân Mạch và Túc Tam Lý để trị chân yếu không có lựu.
  • Theo Bách Chứng Phú: kết hợp với Tam Âm Giao và Túc Tam Lý để trị cước khí.
  • Trong sách Giáp Ất Kinh ghi rằng: Huyền Chung là huyệt Lạc của túc Tam Dương kinh, túc là đại lạc của kinh túc Thiếu Dương, túc Dương Minh và túc Thái Dương, do đó nó có tác dụng bổ dương khi phối hợp với huyệt Tam Âm Giao. Tam Âm Giao là huyệt giao hội của 3 kinh Âm, có công dụng nuôi dưỡng âm. Khi gặp chứng âm hư thì bổ huyệt Tam Âm Giao để nuôi dưỡng âm và đối với chứng dương hư thì bổ Tuyệt Cốt để tráng dương. Còn trong âm hư dương vượng thì nên bổ Tam Âm Giao và tả Tuyệt Cốt.
  • Theo Ngọc Long Ca, kết hợp với Phong Trì để trị còi xương.
  • Theo Châm Cứu Tu Anh, kết hợp với Đại Côn và Thái Xung để trị sán khí.
  • Theo Thiên Tinh Bí Quyết, kết hợp với Điều Khẩu và Xung Dương để trị chân đi.
  • Theo Châm Cứu Học Thượng Hải, kết hợp với Hiệp Khê và Phong Trì để trị đau nửa đầu.
  • Theo Châm Cứu Học Giản Biên: Kết hợp với Hoàn Khiêu, Phong Thị, Thận Du, Túc Tam Lý và Uỷ Trung để trị nửa người bị liệt do trúng phong; kết hợp với Hậu KhêThiên Trụ để trị cổ vẹo.

5. Cách châm cứu Huyền Chung

Với tác dụng đáng kể trong điều trị nhiều bệnh, huyệt Huyền Chung thường được các thầy thuốc Y Học Cổ Truyền sử dụng các bài châm cứu tác động vào vị trí huyệt vị nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe cho người bệnh.

Châm cứu là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, là tên gọi của hai hình thức khác nhau, bao gồm châm và cứu, trong đó châm là dùng kim châm tác động trực tiếp lên các huyệt đạo bằng cách đâm xuyên qua da vào bên trong cơ thể và cứu là dùng lá ngải cứu khô đốt lên để hơ nóng huyệt. Thông qua cơ chế đả thông kinh lạc nó sẽ giúp cân bằng âm dương và lưu thông khí huyết, từ đó giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, đồng thời có khả năng khắc phục căn nguyên cũng như ngăn ngừa và chữa trị một số bệnh tật.

Về phương pháp châm cứu, thầy thuốc sẽ thực hiện bằng cách: Sử dụng kim châm cứu châm thẳng vào huyệt với độ sâu từ 1 đến 1,5 thốn, sau đó ôn cứu trong khoảng thời gian 5 – 10 phút và cứu từ 3-5 tráng.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và tình trạng của bệnh nhân, thầy thuốc sẽ điều chỉnh thời gian châm cứu cũng như phối hợp với các huyệt đạo khác một cách chính xác và hợp lý.

Tuy nhiên, để tránh gặp phải các tác dụng không mong muốn, người bệnh không được tự ý châm cứu huyệt Huyền Chung tại nhà. Khi mắc các bệnh lý có liên quan tới huyệt Huyền Chung, bệnh nhân có thể đến Bệnh viện Đa khoa Vinmec để được thăm khám và chữa trị bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Y Học Cổ Truyền dày dặn kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan