Độ tuổi nào dễ mắc bệnh thoái hóa khớp gối nhất?

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình - Bệnh viện ĐKQT Vinmec Đà Nẵng, thoái hóa khớp gối là bệnh lý rất phổ biến hiện nay, thường gặp ở các khớp lớn, phải chịu trọng lực nặng của cơ thể. Hiểu một cách đơn giản, bệnh thoái hóa khớp chính là tình trạng tổn thương sụn khớp kèm phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn khớp không kịp để bù vào lớp sụn đã mất theo thời gian.

Ở người bệnh thoái hóa khớp, sụn khớp sẽ bị phá hủy dẫn đến mất đi độ trơn láng và hở xương dưới sụn, từ đó hình thành các khuyết xương, gai xương dưới khớp. Kèm theo phản ứng viêm sẽ làm hạn chế vận động ở người bệnh thoái hóa khớp.

Bệnh thoái hóa khớp tiến triển âm thầm, lặng lẽ và rất nguy hiểm. Theo thống kê, có đến 80% người bệnh thoái hóa khớp bị giảm khả năng vận động, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày.

Đau là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh thoái hóa khớp gối, người bệnh có thể bị đau sâu vào trong khớp, đau khi đi lại vận động và giảm đi khi nghỉ ngơi. Trong giai đoạn sau của tiến trình thoái hóa khớp gối thì các cơn đau có thể diễn ra suốt ngày đêm, khiến cho người bệnh vô cùng khổ sở.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 80% người bị thoái hóa khớp ở độ tuổi trên 40. Tuy nhiên, ngày nay không chỉ có người cao tuổi mới mắc phải các bệnh thoái hóa khớp mà ngay cả người trẻ cũng có nguy cơ mắc phải, làm ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng lao động.

Nếu không chăm sóc khớp đúng cách, chính chúng ta có thể vô tình là thủ phạm đẩy nhanh tiến trình thoái hóa khớp gối. Do vậy, cần phòng ngừa thoái hóa khớp từ sớm với các biện pháp đơn giản:

  • Tập thể dục đều đặn và đúng cách, tập luyện các môn thể thao như bơi lội, đi bộ, đạp xe đạp, tránh những động tác quá mạnh, đột ngột.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, giàu canxi và khoáng chất, tránh ăn nhiều chất béo, tránh dùng rượu bia và các chất kích thích thần kinh gây co cứng cơ.
  • Kiểm soát cân nặng tốt, tránh thừa cân, béo phì.
  • Giới văn phòng sau 1 – 2 giờ ngồi làm việc cần nghỉ giải lao, thay đổi tư thế sau mỗi 20 phút để tránh cơ và khớp bị mỏi.
  • Xoa bóp khớp gối đều đặn mỗi ngày, vào buổi sáng và chiều, việc massage giúp cơ bắp thư giãn, lưu thông máu.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ, nên chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh lý xương khớp.

Thoái hóa khớp gối là một trong những tác nhân hàng đầu gây tàn phế. Vì vậy khi cảm thấy có dấu hiệu bất thường ở đầu gối, người bệnh cần đi gặp bác sĩ để chẩn đoán và nhận phác đồ điều trị thoái hóa khớp gối trước khi xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan