Bệnh gút cấp: Dấu hiệu và cách giảm đau nhanh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Oanh - Bác sĩ Nội Cơ xương khớp - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh gút cấp tính là gì, nguyên nhân nào khiến bệnh khởi phát? Dấu hiệu bệnh gút cấp là gì và làm thế nào để giảm đau nhanh chóng, hiệu quả? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Bệnh gút cấp tính là gì?

Bệnh gút là tình trạng cơ thể bị rối loạn chuyển hóa axit uric và làm lắng đọng những tinh thể monosodium ở xương, khớp, bao hoạt dịch, thận. Khi đó, người bệnh cảm thấy đau nhức ở các khớp xương ngón tay, chân, cổ tay, khuỷu tay, mắt cá chân.

Bệnh gút cấp là tình trạng các triệu chứng của bệnh khởi phát đột ngột và dữ dội. Bệnh gút cấp cần được nhận biết, điều trị sớm để không tiến triển thành mãn tính và gây biến chứng.

2. Dấu hiệu bệnh gút cấp

Bệnh gút cấp có những dấu hiệu sau:

  • Xuất hiện đột ngột, thường là về đêm, chủ yếu ở khớp của các ngón chân cái, mắt cá chân, cổ chân, khiến người bệnh mất ngủ.
  • Tại các vị trí bị sưng đau do gút thường là căng đỏ bề mặt da, sưng mềm và đặc biệt là gây đau rất dữ dội.
  • Không chỉ ở khớp, bao hoạt dịch quanh khớp cũng bị tổn thương.
  • Người bệnh có thể bị sốt từ nhẹ đến vừa kèm theo các cơn đau ở khớp.
  • Thông thường, các triệu chứng của bệnh gút cấp diễn ra trong vòng 5 - 7 ngày, sau đó giảm dần và khớp hết sưng đau.
  • Cơn đau gút cấp tính có khả năng tái phát cao và với mức độ nghiêm trọng hơn.

3. Nguyên nhân, yếu tố khởi phát bệnh gút cấp

Nguyên nhân gây bệnh gút chủ yếu do rối loạn chuyển hóa axit uric, ngoài ra còn do chế độ ăn uống giàu chất đạm. Thông thường, axit uric trong cơ thể sẽ được thận lọc và đào thải ra bên ngoài thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi nồng độ axit uric quá cao sẽ tạo ra urat ở xương, khớp, bao hoạt dịch, thậm chí là ở nhu mô thận, gây sưng đau nhức. Khi nồng độ axit uric trong máu tăng lên cũng dẫn đến bệnh gút.

Dưới đây là các yếu tố khởi phát bệnh gút cấp:

  • Chế độ ăn uống không cân bằng, tiêu thụ nhiều hải sản, các loại thịt đỏ, rượu bia, nước ngọt, ...
  • Bị béo phì, thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa hay các bệnh lý ở gan, thận.
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh gút.
  • Một số loại thuốc làm tăng nồng độ axit uric trong máu và khởi phát bệnh gút cấp như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển, aspirin (liều thấp).
  • Là nam giới, hoặc người mới vừa bị chấn thương hoặc phẫu thuật.
  • Thời tiết trở lạnh làm thay đổi và ảnh hưởng đến tuần hoàn trong cơ thể, đặc biệt là các khớp, khởi phát bệnh gút cấp.

4. Cách giảm đau nhanh bệnh gút cấp

Như đã đề cập ở trên, cơn đau bệnh gút cấp thường gây đau dữ dội. Vậy làm thế nào giảm đau nhanh khi bệnh khởi phát đột ngột, dưới đây là một số biện pháp mà người bệnh có thể tham khảo:

  • Ngâm nước ấm: Thông thường, vị trí khởi phát bệnh gút cấp là ngón chân cái. Khi xuất hiện cơn đau, chỉ cần ngâm chân vào một chậu nước ấm là có thể giúp làm giảm cơn đau. Có thể ngâm chân vào nước lá lốt hoặc lá tía tô ấm, nước muối ấm để giảm đau hiệu quả hơn. Tốt nhất là nên ngâm chân vào mỗi buổi tối, trước lúc đi ngủ, thời gian ngâm chân khoảng 20 phút để khi ngủ cơn đau không khởi phát đột ngột.
  • Chườm đá: Ngược lại với ngâm chân vào nước ấm, chườm đá cũng là một trong những biện pháp giảm đau bệnh gút cấp nhanh chóng. Cho một ít đá vào một chiếc khăn rồi chườm lên chỗ sưng từ 20 - 30 phút, cơn đau khớp sẽ dịu hơn và người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Nâng cao chỗ khớp bị sưng: Nếu bị sưng đau khớp ở chân do bệnh gút cấp, để giảm đau người bệnh cần nằm trên giường và kê chân lên một cái gối để hỗ trợ máu lưu thông, chỗ sưng được thoáng mát, sẽ làm cơn đau dịu đi.
  • Uống đủ nước: Uống nhiều nước hơn mỗi ngày khi cơn đau bệnh gút cấp khởi phát để giúp tăng cường thanh lọc và đào thải axit uric ra khỏi cơ thể. Ngoài nước lọc, người bệnh có thể uống thêm nước cam, nước chanh, nước ép bưởi, nước ép thơm, ... Đây là những loại nước rất tốt đối với người bị bệnh gout.

5. Điều trị và phòng ngừa bệnh gút cấp

Những biện pháp nêu trên chỉ giúp giảm đau nhanh cơn đau gút. Bệnh gút cấp cần được phát hiện và điều trị sớm để bệnh không tiến triển thành mãn tính và gây các biến chứng khác.

Điều trị bệnh gút cấp bao gồm các loại thuốc sau:

  • Colchicine: Colchicine có tác dụng giảm viêm, sưng đau hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc không được dùng với liều cao, liều dùng được chỉ định là 1mg/ngày, uống thuốc trong vòng 12 giờ sau khi cơn đau gút khởi phát, uống sớm sẽ tốt hơn. Ngoài ra, người bệnh cần dùng đồng thời với thuốc kháng viêm không chứa steroid (nếu không chống chỉ định) để hiệu quả kháng viêm tăng lên.
  • Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs): NSAIDs có thể được chỉ định dùng riêng lẻ trong điều trị bệnh gút cấp hoặc kết hợp với Colchicine nêu trên. Tuy nhiên, NSAIDs có thể gây nhiều tác dụng phụ như suy thận, viêm loét dạ dày, ...
  • Corticoid toàn thân: Trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với Colchicine và NSAIDs nêu trên, Corticoid đường toàn thân có thể được chỉ định để điều trị bệnh gút cấp. Tuy nhiên, chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn.

Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống phù hợp để ngăn không cho bệnh tiến triển, cụ thể như sau:

  • Hạn chế thực phẩm giàu đạm, purin, đồng thời tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, từ 2 - 2,5l nước/ngày.
  • Không uống rượu, bia, thức uống có cồn hoặc chứa chất kích thích, dễ khởi phát bệnh gút cấp.
  • Tập luyện thể dục thể thao để giữ cân nặng ở mức hợp lý, cơ thể không bị thừa cân, béo phì.
  • Lao động vừa phải, không bị quá sức. Nghỉ ngơi hợp lý và tránh để cơ thể thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực.
  • Nếu muốn dùng bất kỳ một loại thuốc nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến bệnh gút cấp.
  • Nếu bị tiểu đường hoặc cao huyết áp, cần điều trị ngay để bệnh không ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh gút.

Dấu hiệu bệnh gút cấp là những cơn đau khởi phát đột ngột xuất hiện vào ban đêm, đau nhức dữ dội. Để giảm đau nhanh chóng, người bệnh có thể ngâm chỗ sưng (thường là ở chân) vào nước ấm hoặc chườm đá. Sau khi nhận biết cơn đau của bệnh gút cấp, người bệnh cần thăm khám và điều trị sớm để bệnh không tiến triển và gây biến chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan