Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý khớp mãn tính có thể gặp ở cả nam và nữ giới. Vậy làm thế nào để nhận biết các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ. Dưới đây là những triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ để nhận biết và có phương pháp điều trị hiệu quả.

1. Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn gây ảnh hưởng đến các khớp. Trong các bệnh tự miễn dịch thì hệ thống miễn dịch có thể tấn công vào các mô khỏe mạnh trong cơ thể mà không rõ nguyên nhân.

Khi bị viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công niêm mạc khớp, khiến cho khớp bị viêm và sưng đau. Tuy nhiên, viêm khớp dạng thấp có tính hệ thống, có nghĩa là nó không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn có thể gây ảnh hưởng đến các vùng khác của cơ thể ngoài khớp.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gặp ở cả nam giới và phụ nữ, trong đó số phụ nữ mắc bệnh này nhiều hơn nam giới.

2. Bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ khởi phát ở độ tuổi nào?

Viêm khớp dạng thấp thường được cho là một tình trạng liên quan đến tuổi già, nhưng thực tế thì không phải vậy.

Theo Tổ chức Viêm khớp thì thời gian khởi phát trung bình của viêm khớp dạng thấp là từ 30 - 60 tuổi và trẻ em cũng có thể mắc phải bệnh lý này.

Phụ nữ thường có xu hướng được chẩn đoán sớm hơn một chút so với nam giới, có khả năng là do nội tiết tố thay đổi vào giữa những năm 30 – 40 tuổi.

Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng mãn tính có thể tiến triển theo thời gian với các giai đoạn của bệnh gia tăng, được gọi là các đợt bùng phát và các giai đoạn thuyên giảm. Các triệu chứng của bệnh thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng của họ.

3. Vai trò của hormone nội tiết tố trong viêm khớp dạng thấp

Phụ nữ không chỉ bị viêm khớp dạng thấp nhiều hơn nam giới mà các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ còn có xu hướng gặp ở độ tuổi trẻ hơn và nghiêm trọng hơn.

Sự thuyên giảm trong giai đoạn đầu của bệnh, khi các triệu chứng không xảy ra, cũng có xu hướng ít phổ biến hơn ở phụ nữ. Các hormone sinh sản estrogenprogesterone dường như có tác dụng bảo vệ chống lại các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp.

Mức độ của các kích thích tố khác nhau trong cơ thể sẽ thay đổi trong suốt cuộc đời của người phụ nữ. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến các mức này bao gồm: mang thai, hậu sản, cho con bú, mãn kinh, lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, thuốc nội tiết tố, các biện pháp tránh thai, dùng hormone sau thời kỳ mãn kinh...

Một nghiên cứu trên nhóm nhỏ phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp ở tuổi trung niên phát hiện ra rằng họ có ít triệu chứng khớp hơn trong thời kỳ hậu rụng trứng và trong chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai. Đây là lúc mà mức độ hormon estrogen và progesterone cao hơn.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, ảnh hưởng của hormone giới tính, cùng với các yếu tố môi trường và di truyền, thừa cân – béo phì là nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn nhiều lần so với đàn ông.

4. Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ

Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp thường được biểu hiện như sau:

4.1. Triệu chứng ngoài khớp

Các triệu chứng ngoài khớp ban đầu của viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ thường bao gồm: Mệt mỏi, sốt nhẹ, ăn không ngon miệng, giảm cân ngoài ý muốn. Những dấu hiệu này có thể xuất hiện trước các triệu chứng đau khớp liên quan đến viêm khớp dạng thấp.

Khi bệnh tiến triển thì các triệu chứng này có thể đi kèm với các triệu chứng liên quan đến khớp trong đợt bùng phát.

4.2. Triệu chứng khớp

Cứng khớp vào buổi sáng là một dấu hiệu rõ ràng của viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ. Cứng khớp thường kéo dài từ 1 - 2 giờ và đôi khi lâu hơn. Nó cũng có thể xảy ra sau thời gian nghỉ ngơi hoặc ngủ trưa, xem tivi.

Khi bệnh hoạt động, các khớp bị ảnh hưởng bị đỏ, sưng, đau và cảm thấy ấm khi chạm vào.

Ngoài ra, có đến 20-30% những người bị viêm khớp dạng thấp phát triển các nốt thấp khớp, các khối mô cứng phát triển dưới da tại các điểm áp lực của xương. Các nốt dạng thấp thường được tìm thấy ở khuỷu tay, nhưng cũng có thể tìm thấy ở các vùng khác của cơ thể như: ngón tay, cột sống hoặc gót chân. Chúng thường không đau và có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành cụm.

Bệnh viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn đầu thường các khớp ở bàn tay, cổ tay và bàn chân có xu hướng bị ảnh hưởng đầu tiên. Theo thời gian, các khớp ở đầu gối, vai, hông và khuỷu tay có thể bị ảnh hưởng.

Điều khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp với các loại viêm khớp khác là các triệu chứng viêm khớp dạng thấp tấn công đối xứng. Điều này có nghĩa là nếu cổ tay trái của bạn bị viêm thì cổ tay phải của bạn cũng có khả năng bị viêm.

5. Biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ

Viêm mãn tính do viêm khớp dạng thấp trong thời gian dài có thể gây tổn thương xương, sụn, gân và dây chằng.

Ở giai đoạn tiến triển, bệnh có thể dẫn đến xói mòn xương trên diện rộng và biến dạng khớp với biểu hiện là các ngón tay và ngón chân bị xoắn ở những góc độ không tự nhiên. Biến dạng cũng có thể ảnh hưởng đến cổ tay, khuỷu tay, đầu gối và mắt cá chân.

Trong những trường hợp viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng, tình trạng viêm dai dẳng có thể ảnh hưởng đến các vùng khác của cơ thể như: mắt, phổi, tim và mạch máu.

Viêm khớp dạng thấp diễn ra trong thời gian dài có thể gây ra:

  • Khô mắt và miệng nghiêm trọng (hội chứng Sjögren).
  • Viêm màng phổi dạng thấp (viêm màng phổi).
  • Viêm màng ngoài tim.
  • Giảm số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh (thiếu máu).
  • Viêm mạch máu (viêm mạch).

Bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ không phải là một bệnh hiếm gặp và tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng về sức khỏe và trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Vì thế, nếu chị em đang gặp các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ thì hãy tới các cơ sở y tế có chuyên khoa về xương khớp để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị bệnh hiệu quả, phù hợp nhất.

Bài viết đã cung cấp thông tin về các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ, giúp người bệnh kịp thời nhận biết và tiến hành thăm khám, điều trị hiệu quả để tránh các biến chứng của bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

78 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan