Chấn thương thể thao - cơn đau cấp tính chớ nên coi thường

Bạn là người thích vận động thể thao, bạn đã từng gặp phải các chấn thương như: bong gân, căng cơ, chấn thương đầu gối,.. và cho rằng đó chỉ là những cơn đau tạm thời, có thể tự chữa và không đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, các chấn thương do vận động thể thao gây ra nếu không được chữa trị kịp thời sẽ để lại những hệ lụy nặng nề.

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi BS Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Ngọc Minh, Bác sĩ Ngoại khoa Nội soi khớp và Y học thể thao, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City

1. Chấn thương thể thao chớ coi thường

Trong quá trình tập luyện thể thao, phần thân dưới của bạn có nhiều khả năng bị thương nhất (42%). Chấn thương ở các chi trên chiếm 30,3% thương tích, còn lại là chấn thương ở đầu và cổ.

Những chấn thương phổ biến hay xảy ra khi bạn hoạt động thể thao thường được chia làm 4 loại:

  • Tổn thương gân-cơ
  • Tổn thương dây chằng hoặc trật khớp
  • Tổn thương sụn: có thể xảy ra ở nhiều vị trí, nhiều khớp
  • Nặng nhất là các chấn thương gây gãy xương, thường do lực tác động mạnh vào các vị trí điểm yếu của xương.

Ngoài ra, các chấn thương thể thao thường gặp ở các vùng cơ thể ví dụ như:

  • Các chấn thương liên quan đến khớp gối bao gồm: rách dây chằng chéo trước, rách dây chằng bên trong gối, hội chứng bánh chè đùi (thường xảy ra khi chơi bóng rổ, bóng chuyền,..), rách sụn chêm ...
  • Các chấn thương vùng khuỷu tay như viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay gây đau nhức bên ngoài khuỷu tay, đau khi sấp ngửa và xách vật nặng
  • Chấn thương háng, thường xảy ra khi bạn chơi các môn thể thao như bóng đá, tennis,... có thể có biểu hiện cơn đau dữ dội ở vùng háng, đùi, hông lan xuống đầu gối. Bạn cũng sẽ gặp khó khăn khi di chuyển và đi lại khập khiễng, khó có thể chạy nhảy hay vặn mình.
  • Chấn thương vai: Trật khớp vai, viêm hoặc rách gân chóp xoay, đông cứng khớp vai, tổn thương sụn viền là những chấn thương vai thường gặp khi chơi thể thao. Chấn thương này sẽ khiến bạn không thể cử động vai và cánh tay bình thường, có thể gây khớp vai biến dạng...
  • Vùng bàn chân có thể gặp viêm cân gan chân, khi bị chấn thương này bạn sẽ có những cơn đau nhói vào buổi sáng khi rời khỏi giường, hoặc sau khi hoạt động, đi lại hoặc đứng nhiều.

Khi luyện tập thể thao, chấn thương có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và với bất kỳ ai. Một số nguyên nhân có thể khiến bạn bị chấn thương như:

  • Thứ nhất, do tuổi tác
  • Nguyên nhân thứ 2 là yếu tố thừa cân
  • Tình trạng sức khoẻ không ổn định cũng là nguyên nhân sẽ khiến bạn gặp phải các chấn thương
  • Nguyên nhân kế đến là do bạn thực hiện sai kỹ thuật và phương pháp tập luyện
  • Dụng cụ thi đấu không phù hợp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ điều kiện
  • Thêm một nguyên nhân cũng dễ khiến bạn xảy ra chấn thương là do bạn chăm sóc vết thương chưa đúng cách
Những chấn thương thường gặp trong thể thao
Những chấn thương thường gặp trong thể thao

2. Khi xảy ra chấn thương nên làm gì?

Khi xảy ra chấn thương ta nên làm gì là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm tìm kiếm. Theo BS Hồ Ngọc Minh với những chấn thương không quá nghiêm trọng, không gây đau đớn quá nhiều mà bạn vẫn có thể vận động được 1 cách nhẹ nhàng, không có vết thương chảy máu bạn cần được sơ cứu càng sớm càng tốt liên tục trong 72h đầu với phương pháp R.I.C.E. Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến bởi các bác sĩ và vận động viên trên khắp thế giới:

  • R – Rest (Nghỉ ngơi): tránh các động tác gây đau hoặc chịu lực nơi tổn thương. Bạn cần tạm ngừng các hoạt động thể thao, đồng thời giảm tối đa thời gian di chuyển, vận động để xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn.
  • I – Ice (Chườm lạnh): bạn cần chườm vùng đau bằng túi chườm lạnh chuyên dụng hoặc chai nước từ 15 – 30 phút mỗi lần, có thể lặp lại sau mỗi 1 – 2 giờ. Lưu ý: không nên để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với da mà nên bọc trong khăn vải hoặc túi chườm, không chườm quá lâu ở 1 vị trí để tránh gây bỏng lạnh mà nên di chuyển túi đá xung quanh vùng đau.
  • C – Compress (Băng ép): bạn hãy dùng các băng nẹp thông dụng trên thị trường quấn quanh vùng bị thương hoặc tốt nhất nên được thực hiện bởi người có kỹ năng băng bó, sơ cứu.
  • E – Elevate (Nâng cao): bạn nên kê cao phần chi bị thương cũng có tác dụng trong việc giảm sưng, đau và viêm do tăng hồi lưu máu tĩnh mạch. Chẳng hạn, nếu bạn bị bong gân mắt cá chân, hãy nằm trên giường rồi gác chân lên gối, sao cho phần bị thương cao hơn so với toàn bộ cơ thể.

Bên cạnh đó, bạn nên sớm thăm khám bởi bác sĩ chuyên về cơ xương khớp để đánh giá độ năng của chấn thương và có xử trí phù hợp, hoặc có thể tới khám cấp cứu ngay sau khi chấn thương nếu đau đớn quá mức và/hoặc không thể vận động, biến dạng chi hay có vết thương chảy máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

432 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan