Dấu hiệu sớm cảnh báo trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ

Trật khớp háng bẩm sinh là một tình trạng bất thường, gây ảnh hưởng đến cấu trúc cũng như chức năng khớp háng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh có thể được nhận biết ngay khi trẻ chào đời bằng các nghiệm pháp thăm khám. Trật khớp háng có thể làm cho khớp háng của trẻ trở nên lỏng lẻo và không ổn định, ảnh hưởng đến khả năng đi lại khi trẻ lớn lên.

1. Dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh theo từng độ tuổi của trẻ

1.1. Dấu hiệu sớm cảnh báo trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ sơ sinh

Trong điều kiện lý tưởng, trật khớp háng bẩm sinh nên được phát hiện sớm bằng tiền sử và khám sức khỏe định kỳ trong giai đoạn sơ sinh. Các câu hỏi cho cha mẹ về các yếu tố nguy cơ liên quan thai kỳ và chu sinh là rất quan trọng. Song song đó, việc sàng lọc lâm sàng là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán với các thao tác kiểm tra khớp háng động, thực hiện khi mới sinh và các lần khám bác sĩ nhi khoa sau đó trong suốt thời sơ sinh. Trong đó, cần thiết nhất là hai nghiệm pháp Ortolani và Barlow nên được thực hiện ở mỗi kỳ thăm khám.

  • Nghiệm pháp Ortolani: Bàn tay của người khám đặt trên đầu gối của trẻ với ngón tay cái ở giữa đùi và các ngón tay còn lại đặt lên trên đùi bên. Khi tạo một áp lực nhẹ và từ từ tăng dần, nếu cấu trúc trong khớp tạo ra một tiếng kêu thì cần nghi ngờ trật khớp.
  • Nghiệm pháp Barlow: Thực hiện bằng cách ấn vào phần hông và dùng ngón tay cái tạo áp lực nhẹ về phía trước. Nếu khớp háng không ổn định, chỏm xương đùi sẽ trượt qua vành sau của đĩa đệm, tạo ra cảm giác lệch hoặc trật khớp dưới xương.

Do đó, dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ có thể phát hiện khi sử dụng nghiệm pháp Ortolani và Barlow.

1.2. Dấu hiệu nghi ngờ trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên

Sau khi trẻ được 2-3 tháng tuổi, nghiệm pháp Ortolani và Barlow ít nhạy cảm hơn nhưng một số dấu hiệu khi thăm khám sức khỏe khác trở nên rõ ràng hơn:

  • Loạn sản khớp háng một bên làm một chân ngắn hơn.
  • Chân của bên khớp háng bị ảnh hưởng có thể quay ra ngoài.
  • Các nếp gấp đùi hoặc mông không đối xứng.
  • Khoảng trống giữa hai chân có thể trông rộng hơn bình thường.

1.3. Dấu hiệu nghi ngờ trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ tuổi đang biết đi

  • Co cứng khớp háng nhẹ do loạn sản hai bên có thể tạo ra chứng phì đại đsống thắt lưng và dáng đi lạch bạch.
  • Trật khớp một bên có thể tạo ra dáng đi khập khiễng và ngắn ở trẻ đang tập đi.

Trong một số trường hợp hiếm, khám và kiểm tra sớm chức năng khớp háng đôi khi cũng không phát hiện ra loạn sản xương đùi tiến triển. Lúc này, vị trí của chỏm xương đùi sẽ từ từ trượt ra và không được phát hiện cho đến khi trẻ có dáng đi khập khiễng hoặc chân ngắn. Vì cơn đau do trật khớp không phổ biến, người khám nên quan sát kỹ, nếu không chẩn đoán có thể bị bỏ sót.

1.4. Dấu hiệu trật khớp háng ở thiếu niên

  • Biểu hiện với chứng đau hông và đau chân có thể là mãn tính và trở nên tồi tệ hơn do chấn thương.
  • Nếu mức độ trật khớp từ trung bình đến nặng, có thể dẫn đến biến dạng và thoái hóa khớp háng sớm nếu không được điều trị.
dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh
Dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh có thể phát hiện khi sử dụng nghiệm pháp Ortolani và Barlow.

2. Dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh trên cận lâm sàng

  • Siêu âm khớp háng

Sự ra đời của kỹ thuật siêu âm khớp háng để nghiên cứu các bệnh lý vùng khớp háng nói chung và trật khớp háng ở trẻ em nói riêng là điểm mới quan trọng nhất để chẩn đoán bệnh lý này trong 30 năm qua.

Dựa trên các kỹ thuật đo đặc như kỹ thuật Graf, kỹ thuật Harcke và kỹ thuật Morin-Terjesen, siêu âm khớp háng cho phép hình dung chính xác tất cả các thành phần trong cấu trúc khớp của trẻ cũng như bất kỳ thay đổi nào của khớp háng từ những ngày đầu tiên sau sinh.

  • X quang khớp háng

Chụp X-quang khớp háng vẫn đóng một vai trò nhất định trong chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ hữu ích cho trẻ từ tháng thứ 3 - 4 khi các cấu trúc xương đạt đến mức độ khoáng hóa đủ và có thể nhìn thấy được bằng X-quang.

Dù vậy, vì những rủi ro liên quan đến việc tiếp xúc với tia X cũng như sự phát triển của các kỹ thuật đánh giá khớp háng trên siêu âm, chụp X quang không còn được áp dụng trong 3–4 tháng đầu đời. Lúc này, chụp X-quang khớp háng chỉ được sử dụng như một xét nghiệm chẩn đoán cấp độ hai để xác nhận nghi ngờ về trật khớp háng ở trẻ em sau khi thăm khám và siêu âm; theo dõi bệnh hay phát hiện biến chứng.

3. Phát hiện sớm chứng trật khớp háng bẩm sinh như thế nào?

  • Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi: Thăm khám sàng lọc trên lâm sàng tất cả trẻ sơ sinh là cách thức để phát hiện trật khớp háng bẩm sinh. Trong đó, những trẻ sơ sinh có các yếu tố nguy cơ đã được xác định hoặc khám nghi vấn nên được tầm soát định kỳ.
  • Đối với trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên: Sử dụng phương pháp đánh giá bằng X quang thường. Trên phim chụp X quang, bác sĩ có thể vẽ và đo các đường định vị đầu xương đùi trong mối quan hệ với ổ khớp và phát hiện trật khớp.

Tóm lại, vì thành công của việc điều trị trật khớp háng bẩm sinh phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm đưa ra chẩn đoán, do đó công tác thăm khám tầm soát nên áp dụng hàng loạt cho các trẻ sơ sinh. Bằng cách phát hiện sớm các dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh, trẻ mắc phải được can thiệp điều trị bảo tồn sớm, khả năng hồi phục cao và giảm thiểu nguy cơ cần phải phẫu thuật cũng như biến chứng viêm khớp, thoái hóa sớm trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

486 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan