Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể giảm các biến chứng bệnh gây ra. Bài viết dưới đây cung cấp một số thông tin về các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hiện nay.

1. Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng lệch ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi và gây chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống. Thông thường, đốt sống L4 - L5 và L5 - S1 là các vị trí dễ bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nhất, bởi 2 vị trí đĩa đệm này nằm vùng bản lề của cột sống.

Triệu chứng đau do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thông thường là hậu quả của một thời gian dài diễn biến bệnh, nhưng cũng có thể xảy ra đột ngột.

Lão hóa là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể do chấn thương, va chạm hoặc tai nạn. Một số nguyên nhân khác có thể làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển bệnh bao gồm:

  • Lao động nặng nhọc: Người lao động thường xuyên phải cúi, gập người, mang vác các hàng hóa nặng hoặc nhân viên văn phòng ngồi lâu một số, ít vận động trong thời gian dài thường có nguy cơ làm tăng áp lực lên cột sống và đĩa đệm, từ đó gây thoát vị.
  • Tăng cân: Tăng cân quá mức so với chiều cao, béo phì, phụ nữ có thai thường khiến đĩa đệm bị quá tải về thể trọng cũng như gây khó khăn cho quá trình điều trị.
  • Hút thuốc lá: Do chứa chất nicotin - chất làm hạn chế tuần hoàn máu lưu thông đến đĩa đệm cột sống, thuốc lá khiến tốc độ thoái hóa đĩa đệm tăng lên, đồng thời cản trở phục hồi các tổn thương ở cột sống thắt lưng.
  • Giới tính: Nam giới thường có nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cao gấp 2 lần so với nữ giới.
  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn nếu trong gia đình có người thân đã từng mắc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

2. Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng như thế nào?

2.1. Một số phương pháp điều trị không dùng thuốc

  • Nghỉ ngơi

Việc nghỉ ngơi có thể làm tình trạng giảm sưng tấy và giúp các tổn thương trên cột sống có thời gian để hồi phục lại. Khi phát hiện, người bệnh nên nghỉ ngơi tại giường 1 - 2 ngày, tránh làm việc và thể dục gắng sức, vận động các tư thế như cúi người, nâng mang vác đồ vật nặng. Tuy nhiên, không nên nằm một chỗ quá lâu tránh khớp và cơ bị co cứng.

  • Massage

Phương pháp này giúp giảm đau, tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ tăng cường sức khỏe hiệu quả. Tuy nhiên, trước khi massage, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn lựa chọn các kiểu massage phù hợp với tình trạng bệnh.

  • Liệu pháp nhiệt

Có thể luân phiên thực hiện chườm nóng và chườm lạnh để giảm đau do thoát vị đĩa đệm. Tuân thủ nguyên tắc chung là chườm lạnh trong 24 giờ đầu tiên sau khi bị chấn thương và sau đó chườm nóng. Một số trường hợp có thể luân phiên sử dụng cả chườm nóng và chườm lạnh sẽ có hiệu quả.

  • Liệu pháp xung điện

Việc dùng các xung điện nhằm mục đích nhắm vào cơ bắp hoặc dây thần kinh làm cho các cơ co lại. Phương pháp này được thực hiện lặp lại nhiều lần nhằm giúp người bệnh giảm đau, cải thiện lưu lượng máu lưu thông, sửa chữa các tổn thương, tăng cường sức mạnh cho các cơ bắp.

  • Vật lý trị liệu

Một số bài tập có thể giúp cải thiện các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm. Các kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh các bài tập phù hợp với tình trạng bệnh và thể lực. Bài tập vật lý trị liệu có thể là các bài tập kéo căng để giữ cho cơ linh hoạt, các bài tập thể dục nhịp điệu giúp giảm đau vùng vai gáy và thắt lưng, đồng thời giúp tăng sản xuất chất endorphin, chất dẫn truyền thần kinh hoạt động tương tự như một loại thuốc giảm đau tự nhiên và giúp cải thiện tâm trạng của người bệnh.

2.2. Điều trị bằng thuốc

Mục đích dùng thuốc cho bệnh nhân để giúp giảm các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm và đỡ khó chịu hơn.

  • Thuốc giảm đau không kê đơn

Trường hợp các cơn đau của người bệnh có mức độ từ nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể chỉ định cho dùng các thuốc giảm đau thông thường như Acetaminophen (Tylenol và một số loại khác), Ibuprofen (Advil, Motrin IB và một số loại khác) hoặc Naproxen sodium (Aleve).

  • Thuốc giãn cơ

Trường hợp bị co thắt cơ có thể được chỉ định dùng các thuốc có tác dụng giãn cơ. Tuy nhiên, khi dùng các loại này người bệnh cần chú ý đến các tác dụng phụ có thể xảy ra như buồn ngủ, choáng váng, mệt mỏi...

  • Thuốc giảm đau Opioid

Nếu các loại thuốc nêu trên không giúp người bệnh giảm cơn đau do thoát vị đĩa đệm, bác sĩ có thể cân nhắc đến việc sử dụng các thuốc Opioid trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thuốc sẽ gây các tác dụng không mong muốn như gây nghiện, buồn ngủ, buồn nôn, lú lẫn, táo bón...

  • Tiêm thuốc Steroid

Sau khi đã dùng kết hợp các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc nhưng không giúp cải thiện các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm, bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc Steroid vào vị trí quanh dây thần kinh cột sống. Đây còn được gọi là phương pháp tiêm ngoài màng cứng và áp dụng cho tình trạng bệnh từ mức độ trung bình đến nặng. Thuốc này có thể giúp người bệnh giảm sưng, giảm đau do thoát vị đĩa đệm, đi lại dễ dàng hơn.

2.3. Dùng các bài thuốc dân gian

  • Dùng hạt đu đủ

Lấy một quả đu đủ xanh và cắt bỏ phần đầu, gọt hết vỏ bên ngoài và rửa sạch rồi để ráo nước thật khô. Sau đó cho một lượng rượu trắng vừa đủ vào bên trong phần ruột của quả đu đủ. Chưng cách thủy trong thời gian khoảng 20 phút. Lấy phần nước rượu hạt đu đủ ra và xoa bóp vào vùng bị thoát vị đĩa đệm sẽ giúp giảm đau.

  • Dùng cây chuối hột

Dùng chuối hột đã phơi khô và ngâm với rượu trắng khoảng sau 10 ngày là có thể dùng được. Dùng rượu đó để xoa bóp vùng lưng dưới hoặc chân, gót chân, khớp gối hoặc những vị trí khác bị đau nhức. Phương pháp này nên được dùng hàng ngày để đem lại hiệu quả.

  • Dùng cây mật gấu

Mật gấu được sử dụng nhiều trong các bài thuốc đông y để giúp giảm đau hiệu quả. Xay lá mật gấu để chắt lấy nước, sau đó hòa cùng một lượng bia vừa đủ để uống sau khi ăn. Hiệu quả của phương pháp này được thấy rõ rệt sau khoảng 10 ngày thực hiện.

  • Dùng cây xương rồng

Tinh chất nhựa trong cây xương rồng có tác dụng hỗ trợ kháng viêm, giảm đau, thư giãn gân cốt nên được sử dụng hỗ trợ giảm đau cho người bệnh thoát vị đĩa đệm. Lấy khoảng 2 nhánh xương rồng nhỏ, đem đập dập rồi đem trộn với 1 thìa muối hạt to. Dùng lửa hơ nóng hỗn hợp đó. Sau đó dùng một miếng vải đủ rộng, đổ hỗn hợp đó lên, quấn chặt lại và đắp vào vị trí cần giảm đau. Thực hiện đều đặn mỗi ngày sẽ giúp giảm được cơn đau lưng, đau cổ.

  • Dùng cây chìa vôi

Chìa vôi là dược liệu có tính mát với công dụng đả thông kinh lạc, thanh nhiệt, giải độc, kháng khuẩn và được sử dụng phổ biến trong điều trị thoát vị đĩa đệm. Chuẩn bị khoảng 20g cây chìa vôi, 20g cây tầm gửi, 20g cỏ ngươi, 30g cỏ xước, 20g dền gai. Đem hỗn hợp trên cho vào nồi nấu sôi khoảng 10 phút rồi lấy nước uống hàng ngày thay thế nước lọc.

  • Dùng cây ngải cứu

Chuẩn bị khoảng 400g lá ngải cứu cùng 3 thìa mật ong. Rửa sạch lá ngải cứu để ráo nước rồi giã nát. Trộn lá ngải cứu cùng mật ong sau đó lọc lấy nước cốt để uống. Mỗi ngày uống đều đặn 2 lần và dùng liên tục trong thời gian khoảng 2 tuần sẽ có hiệu quả rõ rệt.

  • Dùng lá lốt

Lấy một ít lá lốt tươi đem ngâm với nước muối khoảng 5 phút. Rửa sạch rồi cho lá lốt vào cối giã nhuyễn, sau đó đắp trực tiếp lên vị trí thoát vị trong thời gian khoảng 15 - 20 phút rồi lấy ra. Có thể kết hợp với massage tại vùng đau khoảng 5 - 7 phút để tăng hiệu quả giảm đau.

Lưu ý: Cách chữa thoát vị đĩa đệm bằng các bài thuốc dân gian chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm đau trong trường hợp nhẹ khi mới phát hiện bệnh. Quá trình dùng các bài thuốc không đúng có thể rất dễ ngộ độc, viêm loét dạ dày, suy gan thận, do đó bạn nên hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.

2.4. Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Phẫu thuật có thể được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị nội khoa 5 - 8 tuần nhưng không cải thiện.
  • Gây chèn ép cấp tính.
  • Thoát vị đĩa đệm gây rách bao xơ, thoát vị di trú.
  • Đau nhiều mặc dù đã dùng các thuốc giảm đau.
  • Thoát vị đĩa đệm gây bại liệt hoặc gây hội chứng đuôi ngựa: Do chèn ép rễ dây thần kinh dẫn đến giảm trương lực cơ gây yếu hoặc liệt các nhóm cơ do rễ thần kinh chi phối hoặc do khối thoát vị lớn vào trong ống sống gây liệt mềm đột ngột 2 chi dưới kèm theo rối loạn cơ tròn và rối loạn cảm giác tầng sinh môn hình yên ngựa.

Các phương pháp phẫu thuật:

  • Phẫu thuật mổ mở hoặc qua ống banh, lấy bỏ nhân thoát vị chèn ép thần kinh. Có thể dùng kính hiển vi hỗ trợ trong quá trình mổ.
  • Phẫu thuật nội soi cột sống, lấy bỏ nhân thoát vị.
  • Thay đĩa đệm nhân tạo, các đĩa đệm này thường được làm bằng chất liệu polyme hoặc kim loại hoặc kết hợp cả hai.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Người bệnh cần nhận biết các triệu chứng của bệnh để phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng có thể xảy ra do thoát vị đĩa đệm. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào có thể liên hệ với Vinmec để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

118 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan