Nguyên nhân khiến gập ngón tay bị đau

Gập ngón tay bị đau là triệu chứng mà nhiều bệnh nhân hay than phiền. Tình trạng này có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy tại sao khớp ngón tay bị đau và cần xử trí như thế nào? Độc giả hãy theo dõi bài viết sau đây để hiểu được nguyên nhân và các phương pháp điều trị, tránh để các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

1. Nguyên nhân khiến gập ngón tay bị đau

Trước khi tìm hiểu tại sao gập ngón tay bị đau, chúng ta cần nắm sơ lược về cấu trúc giải phẫu của khớp ngón tay. Theo đó, khớp ngón tay là vị trí 2 xương ngón tay tiếp xúc với nhau và cũng là nơi mà xương ngón tay tiếp xúc với xương bàn tay. Ở điều kiện bình thường, chúng ta 14 khớp ngón tay ở mỗi bàn tay, trong đó bao gồm 2 khớp ở ngón cái và 3 khớp ở các ngón còn lại. Cấu trúc của khớp ngón tay tương đối phức tạp, bên cạnh cấu trúc xương còn bao gồm hệ thống dây thần kinh, cơ, gân cơ và dây chằng liên kết chặt chẽ với nhau để ngón tay có thể cử động linh hoạt và chuẩn xác. Vậy tại sao khớp ngón tay bị đau?

1.1. Chấn thương

Chấn thương là nguyên nhân hàng đầu khiến khớp ngón tay bị đau. Các dạng chấn thương ở vị trí này bao gồm:

  • Căng kéo gây giãn hay rách cơ và gân cơ;
  • Bong gân gây giãn hay rách dây chằng;
  • Nứt hoặc gãy xương ngón tay;
  • Trật khớp: Các khớp ngón tay lệch khỏi vị trí giải phẫu.

Bên cạnh đau khớp ngón tay, các triệu chứng do chấn thương gây ra rất đa dạng và phụ thuộc vào cơ chế cũng như mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Đặc biệt, biểu hiện đau khớp ngón tay sẽ tăng lên khi cử động, đặc biệt là khi thực hiện động tác gập ngón.

1.2. Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là dạng bệnh lý tự miễn dẫn đến viêm ở nhiều khớp, trong đó bao gồm các khớp ngón tay. Bệnh lý này thường khởi phát với triệu chứng sưng đau ở các khớp nhỏ như khớp cổ tay hay ngón tay, sau đó tiến triển đến các khớp lớn hơn.

Trong đó, những triệu chứng của viêm khớp dạng thấp ở các khớp ngón tay bao gồm:

  • Đau khớp ngón tay ở 1 hay cả 2 bàn tay;
  • Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng.

1.3. Viêm xương khớp

Khớp ngón tay bị đau có thể là biểu hiện của bệnh lý viêm khớp hay thoái hóa khớp. Bệnh lý này liên quan đến quá trình lão hóa của cơ thể, xảy ra khi lớp sụn khớp bị bào mòn kết hợp với các thay đổi ở xương ngón tay theo thời gian. Lưu ý: Viêm xương khớp ảnh hưởng đến tất cả các khớp trên cơ thể, bao gồm cả các khớp ngón tay. Trong đó chủ yếu là các khớp bàn-ngón tay và khớp liên đốt gần hoặc sưng viêm ở phần nền ngón cái.

Các triệu chứng của viêm khớp ngón tay bao gồm:

  • Sưng khớp;
  • Đau khớp ngón tay;
  • Cứng khớp buổi sáng, gập ngón tay bị đau;
  • Khớp giảm linh hoạt và hạn chế tầm vận động;
  • Các cơ xung quanh bị yếu;
  • Vận động hay gập ngón tay tạo ra tiếng động.

1.4. Một số nguyên nhân khác

  • Thiếu hụt Canxi: Thiếu Canxi nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân dẫn đến loãng xương, bao gồm cả các khớp ngón tay. Khi đó, phần xương ngón tay kém chắc khỏe và hình thành gai xương sẽ gây ra triệu chứng tê, cứng và đau khớp ngón tay;
  • Loạn dưỡng cơ: Đây là một bệnh di truyền khiến các sợi cơ bị tổn thương, hệ quả là phần xương khớp cũng suy yếu theo và dẫn đến tình trạng các khớp ngón tay bị đau. Bệnh lý này tập trung chủ yếu ở giai đoạn trung niên và cao tuổi và ở nữ phổ biến hơn nam;
  • Hội chứng ống cổ tay: Bệnh lý này phổ biến ở người làm những công việc cần thao tác ngón tay liên tục, như nhân viên văn phòng làm việc với bàn phím và chuột máy vi tính trong thời gian dài. Cơ chế gây ra hội chứng này là dây thần kinh bị chèn ép khi đi qua ống cổ tay bị hẹp, từ đó ảnh hưởng đến ngón tay cái và 3 ngón tay giữa với triệu chứng đau, tê, sưng ngón tay, đồng thời khó cầm nắm đồ vật do khớp ngón tay bị cứng;
  • Hội chứng De Quervain: Đặc trưng bởi tình trạng sưng viêm gây đau ở các gân phía ngoài cổ tay khi hoạt động quá mức. Triệu chứng bao gồm đau khớp cổ tay, cẳng tay và đau các khớp ở ngón tay cái.

2. Chẩn đoán đau khớp ngón tay như thế nào?

Khớp ngón tay bị đau có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương. Biểu hiện thường gặp đầu tiên là cảm giác đau từ nhẹ cho đến nghiêm trọng tại các khớp ngón tay bị ảnh hưởng. Cơn đau tăng lên khi vận động như gập hay co duỗi ngón tay hoặc khi cầm nắm đồ vật,... Bên cạnh gập ngón tay bị đau thì một số bệnh nhân còn phát triển thêm các triệu chứng khác như:

  • Cảm giác tê, ngứa kèm theo sưng tấy, nóng đỏ các đầu ngón tay, đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi mới ngủ dậy;
  • Cứng khớp, giảm linh hoạt, khó cử động và cầm nắm đồ vật;
  • Ngón tay gập góc bất thường.

Một số trường hợp đau khớp ngón tay có thể tự khỏi bằng việc nghỉ ngơi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ khi cơn đau kéo dài và không cải thiện theo thời gian. Đặc biệt hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu nghi ngờ có những vấn đề sau:

  • Xương ngón tay bị nứt, gãy hay trật khớp ngón tay;
  • Tê nhức ngón tay lan đến bàn tay, cổ tay hay cả cánh tay;
  • Khớp ngón tay sưng, đỏ hoặc thay đổi màu da;
  • Xuất hiện u cục ở khớp ngón tay;
  • Biến dạng ngón tay.

Bác sĩ có thể thăm khám và chẩn đoán dựa vào nguyên nhân gây đau khớp ngón tay. Khởi đầu bác sĩ thường sẽ tìm kiếm các dấu hiệu của phản ứng viêm, trong khi tình trạng gãy xương hay trật khớp có thể chẩn đoán bằng cách quan sát.

Thêm vào đó, bác sĩ sẽ đề nghị một số cận lâm sàng để chẩn đoán xác định cũng như chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân các nguyên nhân gây đau khớp ngón tay, bao gồm:

  • Chụp phim X quang;
  • Chụp CT Scan;
  • Chụp cộng hưởng từ MRI;
  • Chọc hút dịch khớp làm xét nghiệm: Đây là thủ thuật do bác sĩ thực hiện bằng cách dùng đầu kim đâm vào khoảng không gian giữa một khớp để hút dịch khớp rồi gửi mẫu dịch đến phòng xét nghiệm để phân tích. Chọc hút dịch khớp có thể giúp chẩn đoán được bệnh viêm khớp dạng thấp.

3. Điều trị và phòng ngừa đau khớp ngón tay tại nhà

Điều trị và phòng ngừa đau khớp ngón tay tại nhà như sau:

3.1. Các biện pháp điều trị đau khớp ngón tay tại nhà

Các khớp ngón tay bị đau có thể được điều trị tại nhà bằng những cách sau:

  • Chườm nóng hay chườm lạnh lên các khớp viêm hoặc bị chấn thương;
  • Để ngón tay nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách hạn chế đánh máy, viết hay các hoạt động có sử dụng bàn tay khác;
  • Sử dụng các thuốc giảm đau, như kháng viêm không steroid;
  • Cử động và co giãn các khớp ngón tay một cách nhẹ nhàng;
  • Kiểm soát stress bằng biện pháp thiền hay các bài tập hít thở.

3.2. Phòng ngừa đau khớp ngón tay

Các phương pháp sau đây có thể giúp kiểm soát tình trạng đau khớp ngón tay:

  • Mang bao tay hay các dụng cụ bảo vệ bàn tay khi làm việc;
  • Dành nhiều thời gian cho bàn tay nghỉ ngơi sau thời gian thực hiện các động tác gây áp lực lên các khớp ngón tay;
  • Duy trì cân nặng lý tưởng;
  • Kiểm soát đường huyết, từ bỏ thuốc lá.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về nguyên nhân khiến gập ngón tay bị đau. Nếu các phương pháp điều trị không mang đến hiệu quả thì người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan