Ăn trứng có ảnh hưởng đến các triệu chứng viêm khớp?

Nhiều người thường thắc mắc viêm khớp có ăn được trứng gà không, bởi một số giả thuyết cho rằng nó sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, nếu bị viêm khớp và không gặp vấn đề về dung nạp trứng, nên ăn 2 quả mỗi tuần để kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ tổn thương khớp.

1. Viêm khớp là gì?

Viêm khớp là một tình trạng bệnh lý phổ biến có thể gây viêm, sưng, cứng và đau ở các khớp khác nhau trên cơ thể. Có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau, nhưng viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp là phổ biến nhất.

Thoái hóa khớp (viêm xương khớp) là tình trạng sụn khớp thay đổi theo thời gian, dẫn đến đau và giảm khả năng vận động. Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào khớp khỏe mạnh.

Các nguyên nhân của viêm khớp khác nhau tùy thuộc vào loại. Ví dụ, viêm xương khớp có thể do lão hóa, chấn thương và béo phì; trong khi viêm khớp dạng thấp do các yếu tố di truyền và môi trường.

Để kiểm soát các triệu chứng, CDC khuyên bạn nên duy trì hoạt động, cân nặng hợp lý và thảo luận về các lựa chọn điều trị với bác sĩ. Một số bác sĩ khuyên dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc các loại thuốc kê đơn khác. Nhiều người cũng cảm thấy nhẹ nhõm bằng cách xoa bóp, châm cứu hoặc các liệu pháp chườm lạnh và nóng.

Một số bằng chứng chỉ ra rằng thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp. Thực hiện một chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa và ít thực phẩm gây viêm cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng.

2. Viêm khớp có ăn được trứng gà không?

Trứng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp hay không có thể phụ thuộc vào tình trạng dị ứng hoặc không dung nạp trứng của mỗi người.

2.1. Mối liên hệ giữa trứng và chứng viêm

Trong lòng đỏ trứng có axit arachidonic có thể góp phần gây viêm. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng nào cho thấy loại bỏ trứng khỏi chế độ ăn uống sẽ ngăn ngừa sự phát triển viêm khớp hoặc cải thiện các triệu chứng.Ngược lại, các nhà khoa học đã chứng minh là trứng có chứa các hợp chất chống viêm. Vì vậy, việc ăn 2 quả trứng mỗi tuần ở người bị viêm khớp mang lại lợi ích tốt.

bệnh viêm khớp không nên ăn gì
Bị viêm khớp có ăn được trứng gà không là thắc mắc của nhiều người bệnh

Một nghiên cứu ở 150 người (trong đó có 50 người bị bệnh viêm khớp dạng thấp) cho thấy chế độ ăn phương Tây có nhiều ngũ cốc tinh chế, thịt đỏ và các loại thực phẩm chế biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Trong khi chế độ ăn cân bằng bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trứng, trái cây và rau giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, trứng chứa cholesterol, một loại chất béo có thể thúc đẩy quá trình viêm trong cơ thể. Tuy nhiên, điều này thường chỉ xảy ra ở những người có tình trạng kháng insulin hoặc rối loạn chuyển hóa.

Nhìn chung, các nghiên cứu cụ thể về tác dụng của trứng đối với các triệu chứng viêm khớp hiện vẫn còn hạn chế.

2.2. Lợi ích sức khỏe của trứng đối với những người bị viêm khớp

Trứng giàu chất dinh dưỡng và mang lại một số lợi ích cho người bị viêm khớp như sau:

  • Giàu dinh dưỡng: Trứng có đầy đủ chất dinh dưỡng, bao gồm protein, vitamin D, choline, axit béo omega-3, protein và chất chống oxy hóa. Sự thiếu hụt vitamin D có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp. Nếu có thể, hãy mua trứng từ những con gà được nuôi trên đồng cỏ, vì những quả trứng này có xu hướng chứa nhiều vitamin D hơn.
  • Có thể hỗ trợ quản lý cân nặng: Thường xuyên ăn trứng có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng. Cân nặng hợp lý là một trong những khuyến nghị của CDC để quản lý các triệu chứng viêm khớp.

3. Bệnh viêm khớp không nên ăn gì?


Khi bạn đang sống chung với bệnh xương khớp, cơ thể sẽ ở trong tình trạng viêm nhiễm. Trong khi những thực phẩm có đặc tính chống viêm có thể làm giảm các triệu chứng, một số loại thực phẩm lại góp phần tích cực vào tình trạng viêm này.

Bệnh viêm khớp không nên ăn gì?
Bệnh viêm khớp không nên ăn gì? Bạn có thể hỏi ý kiến các chuyên gia y tế

Tốt nhất là nên tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm làm tăng tình trạng viêm sau:

  • Đường: Đường đã qua chế biến có thể thúc đẩy giải phóng cytokine, chất này hoạt động giống như “sứ giả” gây viêm trong cơ thể.
  • Sữa: Sữa chứa hàm lượng protein casein cao. Loại protein này gây viêm, đau và góp phần kích ứng xung quanh khớp. Một số sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như bơ, chứa một lượng chất béo bão hòa cao. Điều này cũng có thể góp phần gây viêm và đau khớp. Sữa đậu nành và hạnh nhân là một hay thế tốt cho các sản phẩm từ sữa.
  • Chất béo bão hòa: Thực phẩm giàu chất béo bão hòa như là bánh pizza và thịt đỏ có thể gây viêm. Ngoài việc góp phần vào nguy cơ phát triển bệnh béo phì, bệnh tim và các tình trạng khác, các loại thực phẩm này có thể làm cho tình trạng viêm khớp trở nên tồi tệ hơn.
  • Carbohydrate tinh chế: Các loại carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng và khoai tây chiên sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất chất oxy hóa cuối glycation (AGE). Hoạt chất này có thể kích thích phản ứng viêm trong cơ thể.
  • Thịt chế biến sẵn: Thịt chế biến có chứa nitrit và purin. Những hóa chất này làm tăng tình trạng viêm và dẫn đến đau khớp. Các loại thịt như xúc xích, thịt bò, thịt xông khói đều đã qua chế biến thì bạn nên tránh. Thay vào đó, hãy sử dụng những miếng thịt nạc, tươi.

Những người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với trứng có xu hướng bị phản ứng viêm khi ăn chúng, điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp. Tuy nhiên, nếu bị viêm khớp và không gặp vấn đề về dung nạp trứng, bạn nên ăn 2 quả mỗi tuần để kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim, mắt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com, nasabone.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan