Có cục thịt thừa ở hậu môn hơn 5 năm là dấu hiệu của bệnh gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Cháu là nữ, 13 tuổi. Cháu đã bị một cục thịt lòi ra từ hậu môn 5 năm rồi. Dạo này, cháu khó đi vệ sinh. Mỗi khi đi ngoài phải dùng hết sức, đi xong 1 cục thấy đau rát và đỏ hậu môn, vẫn muốn đi nhưng không đi được. Phân khá to và có màu nâu vàng. Mỗi khi không đi ngoài được, cháu phải thụt mật ong vào hậu môn. Thỉnh thoảng thì cháu thấy đi ngoài ra máu nữa. Cháu hay bị táo bón dù đã ăn nhiều rau. Có hôm, cháu phải rặn đến nỗi chảy máu thành từng giọt. Lúc đầu, cháu không biết nên đã thụt hẳn ngón tay trỏ vào hậu môn và lấy ngón tay kéo cái cục thịt đấy ra. Cháu thường đi ngoài từ 10 - 15 phút. Cháu phải lấy vòi xịt để xịt thẳng vào hậu môn để cho phân ra. Cháu thấy cái cục thịt đó có màu thâm đen. Ngoài ra, cháu thường nhịn đi ngoài đến 15 ngày. Bác sĩ cho cháu hỏi, có cục thịt thừa ở hậu môn hơn 5 năm là dấu hiệu của bệnh gì?

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thu Hương - Trưởng Đơn nguyên Cấp Cứu, điều trị ban ngày - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào cháu,

Với câu hỏi “Có cục thịt thừa ở hậu môn hơn 5 năm là dấu hiệu của bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Theo thông tin cháu mô tả, có khả năng cháu bị sa trực tràng. Sa trực tràng là tình trạng một phần hay toàn bộ thành trực tràng lộn lại và chui ra ngoài qua lỗ hậu môn. Sa trực tràng được chia làm 2 loại chính là sa niêm mạc và sa toàn bộ. Nguyên nhân gây bệnh do táo bón, rặn nhiều nên bị sa búi tĩnh mạch ở trực tràng và có thể có nứt kẽ hậu môn (biểu hiện là đi ngoài có máu). Các dấu hiệu nhận biết sa trực tràng:

  • Tiền sử sa trực tràng.
  • Đi tiêu không thể kiểm soát nhiều mức độ, có thể chỉ có tiết dịch nhầy.
  • Táo bón cũng được mô tả như buốt mót (cảm giác đi tiêu không hết phân) và tắc nghẽn đại tiện.
  • Cảm giác bị sà xuống.
  • Chảy máu trực tràng.
  • Tiêu chảy và thói quen tiêu thất thường.
  • Ban đầu, khối sa có thể nhô ra qua kênh hậu môn chỉ khi đại tiện, rặn và trở lại như cũ ngay sau đó. Những lần tiếp theo, cháu cần phải đẩy khối sa về lại vị trí cũ, điều này có thể tiến triển thành sa mạn tính. Sa mạn tính được định nghĩa là sa tự phát khiến cho việc đi bộ, đứng lâu, ho và hắt hơi trở nên khó khăn vì có thể khiến khối sa nhô ra ngoài. Mô của trực tràng sa mạn tính có thể trải qua các thay đổi bệnh lý như dày, loét và chảy máu.

Vì tình trạng bệnh đã kéo dài khá lâu, cháu nên đến khám chuyên khoa tiêu hóa Nhi, có thể sẽ cần soi trực tràng và được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Nếu cháu còn thắc mắc về cục thịt thừa ở hậu môn, cháu có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn cháu đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc cháu có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan