Các dạng bào chế của insulin

Bài viết bởi Bác sĩ Huỳnh Xuân Lộc - Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Thuốc chứa insulin được bào chế chủ yếu dưới dạng thuốc tiêm. Tại Mỹ có một dạng thuốc insulin hít qua đường mũi nhưng không phổ biến vì không cho thấy hiệu quả điều trị tốt.

1. Insulin là gì và có vai trò gì?

Giữ mức đường huyết bình thường là cách để giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến đái tháo đường. Đó có thể là biến chứng cấp tính như nhiễm toan ceton nguy hiểm tính mạng hoặc là các ảnh hưởng lâu dài làm tổn thương mắt, thận, các dây thần kinh, gây ra mù lòa, suy thận, viêm loét bàn chân dẫn đến đoạn chi hoặc bất lực ở nam giới.

Insulin là một hormon do cơ thể sản sinh giúp đường (glucose) đi vào các tế bào. Trong bệnh đái tháo đường type 1, cơ thể sản sinh không đủ insulin dẫn đến đường không đi vào để nuôi tế bào được mà tích tụ trong máu gây tác hại. Còn trong bệnh đái tháo đường type 2, các tế bào đáp ứng kém với insulin và về lâu dài, tuyến tụy không sinh ra đủ insulin dẫn đến thiếu hụt và gây tăng đường huyết. Khi cơ thể thiếu hụt insulin, việc kiểm soát đường huyết trong mức bình thường trở nên khó khăn và người bệnh cần phải được bổ sung hormone này bằng các loại thuốc chứa insulin phù hợp.

Insulin
Cơ chế hoạt động và sản xuất insulin của cơ thể con người

2. Các dạng bào chế và các loại insulin

Thuốc chứa insulin được bào chế chủ yếu dưới dạng thuốc tiêm. Tại Mỹ có một dạng thuốc insulin hít qua đường mũi nhưng không phổ biến vì không cho thấy hiệu quả điều trị tốt.

Các thuốc tiêm insulin được phân loại chủ yếu trong qua thời gian khởi phát và thời gian duy trì tác dụng. Bao gồm:

  • Tác dụng nhanh:
    • Insulin lispro (Humalog)
    • Insulin aspart (NovoLog)
    • Insulin glulisine (Apidra)
  • Tác dụng ngắn: insulin regular (Humulin R)
  • Tác dụng trung gian:
    • Insulin NPH (Humulin N)
    • Insulin lispro protamine
  • Tác dụng dài
    • Insulin glargine (Lantus)
    • Insulin detemir (Levemir)
    • Insulin degludec (Tresiba)

Ngoài ra còn có các insulin trộn (như Novomix, Mixtard, Ryzoderg ...) là thuốc phối hợp giữa các loại insulin tác dụng khác nhau để đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết khi đưa vào cơ thể.

Bác sĩ điều trị là người sẽ lựa chọn loại insulin nào phù hợp với người bệnh căn cứ trên tình trạng sức khỏe và mục tiêu kiểm soát đường huyết của người bệnh.

Thuốc Insulin glargine (Lantus) tác dụng dài
Thuốc Insulin glargine (Lantus) tác dụng dài

3. Cách dùng insulin

Bác sĩ điều trị sẽ là người hướng dẫn cho người bệnh về loại insulin cần dùng, thời điểm dùng thuốc và liều lượng dùng trong các lần thế nào. Người bệnh cũng có thể tham khảo dược sĩ tư vấn về cách dùng insulin dựa trên đơn thuốc và chỉ định của bác sĩ. Có người sẽ cần dùng 1 đến 2 mũi tiêm trong ngày, nhưng cũng có người sẽ cần tiêm đến 3 lần hoặc hơn và thông thường là trước mỗi bữa ăn. Việc tiêm insulin nhiều lần trong ngày sẽ giúp kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu.

Để tiêm insulin, người bệnh cần dùng một bút tiêm chứa sẵn thuốc hoặc một bộ kim và bơm tiêm để lấy thuốc từ lọ. Dùng bút tiêm chứa sẵn thuốc sẽ dễ dàng và đảm bảo an toàn hơn cho người bệnh. Bút tiêm dạng này có một núm vặn ở đầu bút giúp người dùng có thể xoay núm chọn liều insulin đến từng đơn vị. Nếu không thể vặn được núm này có nghĩa là insulin trong bút đã hết và cần phải thay bút tiêm mới.

Bất kể dùng kim và bơm tiêm hay một bút tiêm chứa sẵn thuốc, người bệnh cũng cần phải kiểm tra đúng loại thuốc đang dùng và đảm bảo chính xác liều insulin sử dụng đến từng đơn vị. Việc kiểm tra bút hoặc kim tiêm có hoạt động bình thường hay không trước mỗi lần tiêm cũng rất quan trọng nhằm đảm bảo đủ, đúng liều insulin được tiêm vào cơ thể.

Cách tiêm insulin như sau:

  • Chọn một vùng cần tiêm trên cơ thể có thể là bụng dưới, mông, mặt trước đùi hoặc mặt sau tay. Người cũng bệnh cần thay đổi chỗ tiêm để tránh loạn dưỡng mỡ nơi tiêm;
  • Véo nhẹ một nếp da vùng cần tiêm và nhanh chóng đâm kim vào dưới da;
  • Bấm tiêm toàn bộ thuốc và đếm đến 10;
  • Thả nếp da ra và rút kim ra ngoài;
  • Loại bỏ kim và bơm tiêm (nếu có) đã dùng trong các vật chứa phù hợp.

Cần nhớ là người bệnh không được dùng bút tiêm của người khác kể cả khi thay kim mới để đảm bảo vệ sinh và tránh các bệnh truyền nhiễm. Các loại bút tiêm insulin khác nhau có thể sẽ có lưu ý riêng về cách sử dụng và bảo quản, do vậy người bệnh cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của từng loại thuốc hoặc đến gặp dược sĩ tư vấn để đảm bảo sử dụng và lưu giữ bút tiêm đúng cách.

bút tiêm insulin
Vùng da bụng dưới thường được lựa chọn để tiêm insulin

4. Lưu ý khi dùng insulin

Biến chứng nghiêm trọng nhất khi dùng insulin là hạ đường huyết. Người bệnh cần lưu ý các triệu chứng của hạ đường huyết như vã mồ hôi, run tay chân, cảm thấy cồn cào, lo lắng hoặc tệ hơn là đi đứng khó khăn, yếu mệt, mờ mắt. Khi gặp phải các dấu hiệu này phải nhanh chóng ăn hoặc uống đường vào cơ thể thông qua các loại kẹo ngọt, nước trái cây, nước ngọt (không chọn loại ăn kiêng không đường), mật ong hoặc sirô ... Nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc người bệnh bị ngất, bất tỉnh, cần phải đưa người bệnh đến cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất.

Để phòng tránh hạ đường huyết do insulin, người bệnh cũng cần phải lưu ý các điểm sau:

  • Luôn chắc chắn liều insulin tiêm vào cơ thể là chính xác. Liều dùng của insulin được tính theo đơn vị, unit hoặc được viết tắt là UI, IU. Luôn xác nhận với bác sĩ điều trị liều insulin của mình khi cảm thấy không rõ, không chắc, đặc biệt là với các đơn thuốc viết tay. Đã có trường hợp nhìn nhầm chữ UI trong chỉ định thuốc thành số “0” dẫn đến dùng sai gấp 10 lần liều thuốc gây tai hại nghiêm trọng cho người bệnh;
  • Luôn thay đổi và đảo vị trí chỗ tiêm, tránh tiêm cùng một chỗ nhiều lần để tránh kích ứng và tổn thương nơi tiêm. Lưu ý insulin hấp thu khác nhau tại các vùng cơ thể khác nhau, nhanh nhất tại vùng bụng, chậm nhất ở mông hoặc đùi và trung bình tại cánh tay. Do vậy, tuy thay đổi chỗ tiêm nhưng nên giữ một vùng cơ thể cho một thời điểm dùng thuốc trong ngày; ví dụ chọn vùng bụng vào ban ngày cho các bữa ăn do cần kiểm soát nhanh đường huyết sau ăn, và chọn vùng đùi và mông vào buổi tối để insulin hấp thu từ từ về đêm.
  • Kiểm tra và theo dõi đường huyết thường xuyên. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cần kiểm tra đường huyết thế nào với tần suất ra sao cũng như mức đường huyết mục tiêu của mỗi người;

  • Hút thuốc là và các hoạt động thể chất cũng ảnh hưởng đến hấp thu insulin. Hút thuốc lá làm giảm lưu lượng máu trong cơ thể làm giảm hấp thu insulin trong khi hoạt động thể chất như tập thể dục, chơi thể thao lại làm tăng lưu lượng máu, tăng hấp thu insulin và dễ gây ra tác dụng hạ đường huyết quá mức. Do vậy, tốt nhất nên tránh tiêm insulin ngay trước hoặc ngay sau các hoạt động thể lực và thông báo với bác sĩ điều trị về các tình huống này để có hướng xử lý thích hợp.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp Gói khám sàng lọc tiểu đường giúp bệnh nhân sớm phát hiện ra bệnh và nâng cao hiệu quả điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. UptoDate, Patient education: Type 2 diabetes insulin treatment – Beyond the basics
  2. UptoDate, Patient education: Low blood sugar in people with diabetes - The-basics
  3. UptoDate, General principles of insulin therapy in diabetes
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan