Các tác dụng phụ của thuốc Prazopro 20mg

Thuốc Prazopro 20mg có chứa thành phần chính là Esomeprazole. Đây là loại thuốc dùng để điều trị bệnh loét dạ dày, tá tràng, trào ngược dạ dày, thực quản, hội chứng Zollinger–Ellison, xuất huyết do viêm loét dạ dày, tá tràng nặng. Ngoài ra, thuốc còn dùng trong phòng và điều trị các trường hợp loét dạ dày, tá tràng do dùng thuốc kháng viêm không steroid và do stress.

1. Tìm hiểu công dụng và tính hiệu quả của thuốc Prazopro 20mg

1.1 Dược lực học của thuốc Prazopro 20mg

Thành phần Esomeprazole có trong thuốc Prazopro là dạng đồng phân S của omeprazole, có thể được dùng tương tự omeprazole trong điều trị loét dạ dày, tá tràng, trào ngược dạ dày, thực quản và hội chứng Zollinger–Ellison.

Esomeprazole gắn với H+/K+-ATPase (bơm proton) có ở tế bào thành của dạ dày sẽ có cơ chế tác động chuyên biệt ức chế hệ thống enzyme này, ngăn cản sự bài tiết acid hydrochloride vào lòng dạ dày. Chính vì vậy, esomeprazole đem lại tác dụng ức chế dạ dày tiết lượng acid cơ bản và cả khi kích thích do bất kỳ tác nhân nào. Thuốc Prazopro đem đến tác dụng mạnh và lâu dài.

Đối với những loại thuốc ức chế bơm proton chỉ có tác dụng ức chế chứ không thể diệt trừ được Helicobacter pylori. Chính vì vậy, chúng ca cần được kết hợp thêm với các kháng sinh như Amoxicillin, Tetracycline và Clarithromycin thì mới có khả năng loại bỏ hiệu quả vi khuẩn này.

1.2 Dược động học của thuốc Prazopro 20mg

Cơ thể có khả năng hấp thu Esomeprazole nhanh, từ 1- 2 giờ sau khi uống sẽ đạt được nồng độ đỉnh. Sinh khả dụng tuyệt đối sẽ tăng lên khi tăng thêm liều dùng. Khi uống 20mg sinh khả dụng đạt khoảng 50% và khi tăng gấp đôi liều dùng là 40mg thì sinh khả dụng tăng lên khoảng 68%.

Thức ăn sẽ làm chậm và giảm khả năng hấp thu Esomeprazole, tuy vậy cũng sẽ không làm thay đổi tác dụng của thuốc đến độ acid trong dạ dày. Nếu uống thuốc vào bữa ăn thì diện tích dưới đường cong (AUC) sau khi uống 1 liều 40mg sẽ giảm 33–53% so với việc sử dụng cùng lượng như vậy vào lúc đói. Chính vì thế nên sử dụng thuốc trước bữa ăn ít nhất 1 giờ.

Có khoảng 97% Esomeprazole gắn với protein huyết tương, thể tích phân bố ở người khoẻ mạnh khi dùng thuốc ở nồng độ ổn định là khoảng 0,22L/kg.

Gan là vị trí mà thuốc sẽ chuyển hoá chủ yếu ở đó, nhờ vào isoenzyme CYP2C19, hệ enzyme cytochrome P450. Chúng sẽ chuyển hoá thành các chất chuyển hóa hydroxy và desmethyl không còn hoạt tính. Phần còn lại sẽ được chuyển hóa thành esomeprazole sulfon nhờ vào isoenzyme CYP3A4.

Khi dùng nhắc lại, do isoenzyme CYP2C19 bị ức chế nên sự chuyển hóa qua gan và độ thanh thải của thuốc giảm. Thuốc không có khuynh hướng tích luỹ nếu chỉ dùng 1 lần mỗi ngày. Trong trường hợp có một số người thiếu CYP2C19 do di truyền (chiếm khoảng 15 –20% người châu Á) sẽ làm chậm chuyển hóa Esomeprazole, dẫn diện tích dưới đường cong tăng cao hơn khoảng 2 lần so với người có đủ enzyme.

Thời gian bán thải sẽ rơi vào khoảng từ 1 đến 1,5 giờ. Khoảng 80% thuốc uống vào được thải trừ dưới dạng chất chuyển hóa không có hoạt tính trong nước tiểu, còn lại là thải qua phân. Ở người suy gan nặng, giá trị AUC ổn định cao hơn 2 đến 3 lần so với người bình thường, chính vì vậy phải giảm liều dùng đối với những người bệnh này.

2. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Prazopro

Thuốc Prazopro có dạng viên nang cứng và cần phải uống bằng cách nuốt với nước, không được nhai hay nghiền nhỏ.

2.1 Liều dùng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi

Đối với điều trị loét dạ dày, tá tràng do nhiễm Helicobacter pylori:

  • Thành phần Esomeprazole có trong thuốc thường được phác đồ điều trị cùng với kháng sinh. Trong trường phác đồ 3, Prazopro sẽ kết hợp cùng với Amoxicillin và Clarithromycin. Còn trong phác đồ 4, Prazopro sẽ kết hợp với Clarithromycin, Metronidazole và Bismuth. Tuỳ tỷ lệ kháng thuốc ở mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ phù hợp.
  • Liều dùng Prazopro sẽ như sau: Mỗi lần 1 viên (20 mg), ngày uống 2 lần và uống trong vòng 7 ngày.

Đối với điều trị loét dạ dày do dùng thuốc kháng viêm không steroid hoặc do stress: Mỗi ngày 1 viên (20 mg), uống trong từ 4 – 8 tuần.

Đối với bệnh loét dạ dày ở những người có nguy cơ cao về biến chứng ở dạ dày, tá tràng nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid: Mỗi ngày uống 1 viên (20 mg).

Đối với điều trị bệnh trào ngược dạ dày, thực quản nặng có viêm thực quản:

  • Mỗi ngày 1 viên (20 mg), uống trong từ 4 – 8 tuần.
  • Trong trường hợp tổn thương chưa lành thì tiếp tục uống thêm 4 - 8 tuần nữa.

Đối với điều trị duy trì sau khi khỏi viêm thực quản: Mỗi ngày uống 1 viên (20 mg)

Đối với điều trị hội chứng Zollinger–Ellison:

  • Tuỳ theo mức độ tăng tiết acid của dịch dạ dày mà liều dùng thay đổi, có thể dùng 1 lần hoặc chia làm 2 lần trong ngày;
  • Thời gian đầu uống ngày 2 lần, mỗi lần 2 viên (40mg), sau đó điều chỉnh liều uống trong trường hợp cần thiết.
  • Đa số khi dùng đến liều từ 4 - 8 viên (80 –160 mg) mỗi ngày thì bệnh đã có thể kiểm soát. Đối với các liều uống nhiều hơn 4 viên mỗi ngày thì bắt buộc phải chia làm 2 lần.

2.2 Liều dùng cho những đối tượng khác

  • Đối với người suy gan nhẹ và trung bình uống như người bình thường. Còn gười suy gan nặng không được dùng quá 1 viên (20mg) mỗi ngày;
  • Đối với người suy thận: Liều lượng sử dụng tương đương với người bị suy gan;
  • Không cần giảm liều đối với người cao tuổi;
  • Không khuyến cáo sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Lưu ý: Những liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo, tính hiệu quả của thuốc sẽ còn tùy thuộc vào thể trạng và mức độ bệnh của người dùng. Để có liều dùng cũng như phác đồ điều trị phù hợp, bệnh nhân hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

3. Những tác dụng phụ của thuốc Prazopro 20mg

Những tác dụng phụ thường gặp

Những tác dụng phụ ít gặp

  • Mệt mỏi, mất ngủ, buồn ngủ;
  • Phát ban, ngứa ngáy;
  • Rối loạn thị giác.

Những tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Sốt cao, đổ mồ hôi, phù ngoại biên, mẫn cảm với ánh sáng, nổi mề đay, phù mạch, co thắt phế quản, sốc phản vệ...;
  • Trở nên kích động, trầm cảm, lú lẫn có hồi phục, ảo giác ở người bệnh nặng;
  • Chứng mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, tiểu cầu;
  • Tăng enzyme gan, viêm gan, suy chức năng gan;
  • Rối loạn vị giác, viêm miệng, viêm thận kẽ;
  • Hạ magnesi huyết, natri huyết, rối loạn chuyển hóa porphyrin;
  • Đau cơ xuơng khớp;
  • Xuất hiện chứng vú to ở nam.
  • Nổi ban bọng nước, hội chứng Stevens–Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, viêm da.
  • Do giảm độ acid trong dạ dày, các thuốc ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở đường tiêu hóa.

Trong trường hợp gặp phải các tác dụng phụ, người dùng hãy tạm ngưng dùng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ.

4. Khả năng tương tác với các loại thuốc khác

  • Đối với các loại thuốc có cơ chế hấp thu phụ thuộc vào độ acid dạ dày thì khi sử dụng thuốc Prazopro sẽ có thể làm tăng hoặc giảm sự hấp thu của các thuốc này. Ví dụ như Ketoconazol và Itraconazol có thể sẽ bị giảm hấp thu khi được điều trị với Esomeprazole.
  • Các loại thuốc chuyển hoá bằng CYP2C19 như Diazepam, Citalopram,.... nồng độ trong huyết tương có thể tăng lên khi dùng chung với Esomeprazole. Chính vì vậy, cần phải giảm liều các loại thuốc này.
  • Khi dùng đồng thời ba loại: Esomeprazole, Amoxicillin, Clarithromycin sẽ làm tăng nồng độ Esomeprazol và 14 hydroxy clarithromycin trong máu.

5. Bảo quản thuốc Prazopro

Thuốc cần được bảo quản ở nơi khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp và với nhiệt độ lý tưởng dưới 30oC. Hãy đảm bảo thuốc được để xa tầm tay của trẻ em.

Thuốc Prazopro 20mg có chứa thành phần chính là Esomeprazole. Đây là loại thuốc dùng để điều trị bệnh loét dạ dày, tá tràng, trào ngược dạ dày, thực quản, hội chứng Zollinger–Ellison, xuất huyết do viêm loét dạ dày, tá tràng nặng. Vì thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn nên người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan