Các thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đường ruột

Các loại thuốc kháng sinh trị nhiễm khuẩn đường ruột thường bao gồm những thuốc thuộc nhóm Penicillin, Quinolon và Sulfamid. Mỗi nhóm thuốc sẽ phù hợp với từng tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột và chủng vi khuẩn khác nhau. Điều quan trọng, bệnh nhân cần đảm bảo tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc để tránh gặp phải các hệ luỵ gây hại tới sức khoẻ.

1. Kháng sinh trị nhiễm khuẩn đường ruột là thuốc gì?

Thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đường ruột là loại thuốc kê đơn của bác sĩ nhằm tiêu diệt sạch những chủng vi khuẩn gây ra bệnh tại đường ruột. Nhờ vậy, bệnh nhân có thể cải thiện nhanh chóng các triệu chứng và ngăn nguy cơ gặp phải biến chứng nghiêm trọng.

Thuốc kháng sinh chữa nhiễm khuẩn đường ruột cần đường dùng theo đúng liều lượng và tần suất mà bác sĩ khuyến cáo. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có hướng dẫn cụ thể. Tốt nhất, chỉ nên dùng kháng sinh khi thực sự cần thiết và tránh lạm dụng vì nó có thể để lại một số hậu quả khôn lường, tổn hại đến sức khoẻ.

Trong trường hợp bị viêm ruột kết màng giả hoặc nhiễm nấm đường ruột, bác sĩ sẽ không kê đơn cho bệnh nhân thuốc kháng sinh. Bởi lẽ, hiệu quả diệt nấm của nhóm thuốc này không cao, thậm chí dễ gây ra các vấn đề sức khoẻ khác. Đặc biệt, những căn bệnh tại đường ruột do các ký sinh trùng như sán hay giun gây ra cũng không thể chữa khỏi nếu dùng kháng sinh. Vì vậy, bác sĩ sẽ không khuyến khích sử dụng kháng sinh cho các trường hợp trên.

2. Các trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột nên và không nên dùng kháng sinh

Hầu hết, mọi bác sĩ đều khuyến cáo mọi người chỉ nên sử dụng kháng sinh trị nhiễm khuẩn đường ruột trong trường hợp đúng bệnh và có chỉ dẫn cụ thể. Nếu dùng sai cách và sai đối tượng sẽ dẫn đến nguy cơ đề kháng kháng sinh.

Dưới đây là một số trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh:

  • Nhiễm khuẩn đường ruột xảy ra do tả.
  • Được bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn đường ruột.
  • Bệnh thương hàn.
  • Tình trạng tiêu chảy cấp tính nhưng không thể tự khỏi, kéo dài hơn 3 ngày hoặc được xác định gây ra bởi chủng Giardia Lamblia.
  • Bệnh lỵ Amip.
  • Tình trạng tiêu chảy có lẫn máu trong phân.
  • Nhiễm trùng đường ruột gây ra biến chứng nhiễm khuẩn huyết với những biểu hiện như mất nước, rét run, sốt cao, cấy máu cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh hoặc bụng chướng.

Tuy nhiên, không nên hoặc hạn chế tối đa dùng thuốc kháng sinh đường ruột cho các trường hợp dưới đây:

  • Loạn vi khuẩn trong đường ruột.
  • Viêm ruột kết màng giả.
  • Nhiễm nấm đường ruột.
  • Nhiễm trùng đường ruột gây ra bởi vi rút.
  • Nhiễm phải các ký sinh trùng đường ruột, chẳng hạn như giun tóc, giun đũa, sán hoặc giun kim,...

3. Bị nhiễm khuẩn đường ruột uống thuốc gì cho mau khỏi?

Bởi tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột phần lớn xảy ra do các chủng vi khuẩn Gram âm, do đó nên chọn các loại thuốc kháng sinh có phổ kháng khuẩn Gram âm tương thích. Để biết được loại kháng sinh đường ruột nào phù hợp với tình trạng của bản thân, bạn có thể tham khảo những thông tin hữu ích dưới đây:

3.1. Thuốc kháng sinh trị nhiễm khuẩn đường ruột nhóm Penicillin

Hiện nay có 2 loại kháng sinh thuộc nhóm Penicillin có khả năng kháng khuẩn Gram âm tốt, bao gồm:

  • Thuốc Amoxicillin: Thường được chỉ định cho các trường hợp nhiễm khuẩn đường mật, nhiễm H.pylori ở người bị loét dạ dày tá tràng. Nhìn chung, loại kháng sinh này được bác sĩ kê đơn phổ biến, tuy nhiên số bệnh nhân bị dị ứng với thuốc tương đối cao. Do đó, những trường hợp bị dị ứng với bất kỳ thuốc kháng sinh nào thuộc nhóm Penicillin cũng không nên dùng Amoxicillin.
  • Nhóm thuốc Cephalosporin thế hệ II & III: Các thuốc kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin II và III thường bao gồm Cefixim, Cefuroxime, Ceftriaxone hoặc Cefaclor,... Những thuốc này có phổ kháng khuẩn Gram âm rất thích hợp cho điều trị nhiễm trùng đường ruột. Tuy nhiên, cũng giống như Amoxicillin, nhóm thuốc Cephalosporin không nên sử dụng cho những bệnh nhân bị dị ứng với các thuốc thuộc nhóm Penicillin.

3.2. Thuốc kháng sinh trị nhiễm khuẩn đường ruột nhóm Quinolon

Những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường ruột cũng có thể điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm Quinolon, chẳng hạn như Axit nalidixic, Ciprofloxacin, Norfloxacin hoặc Ofloxacin. Hiện nay, các thuốc kháng sinh trên được kê đơn sử dụng chủ yếu cho những trường hợp bị nhiễm trùng đường ruột, đường tiết niệu, sinh dục, da và tai mũi họng.

Tuy nhiên, cần lưu ý một số điều sau đây khi điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn bằng thuốc thuộc nhóm Quinolon:

  • Tránh dùng thuốc Ciprofloxacin cho thai phụ và bà mẹ nuôi con bú.
  • Việc sử dụng Ciprofloxacin kéo dài có nguy cơ phát triển các loại vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc.
  • Thuốc Ciprofloxacin có thể làm biến đổi kết quả xét nghiệm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis.
  • Hạn chế tối đa sử dụng thuốc Ciprofloxacin cho trẻ nhỏ và người dưới 18 tuổi bởi một số nghiên cứu đã cho thấy thành phần trong thuốc có thể gây thoái sụn tại các khớp chịu trọng lực.

3.3. Thuốc kháng sinh trị nhiễm khuẩn đường ruột nhóm Sulfamid

Khi đề cập đến các loại thuốc kháng sinh đường ruột, chúng ta không thể bỏ lỡ nhóm thuốc Sulfamid. Những trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột thường được bác sĩ kê đơn dùng nhóm thuốc kháng sinh này. Bên cạnh đó, những người bị nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc sinh dục cũng có thể dùng Sulfamid khi cần thiết.

Một trong những loại thuốc thuộc nhóm Sulfamid thường được sử dụng là Cotrim. Thuốc này được chỉ định chủ yếu để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột (viêm ruột hoặc lỵ trực khuẩn), nhiễm khuẩn tiết niệu, hô hấp, sinh dục hoặc bệnh ngoài da. Trước và trong quá trình dùng thuốc Cotrim, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:

  • Khi dùng Cotrim liều cao kéo dài có thể gây suy dinh dưỡng hoặc mất nước.
  • Cần thận trọng khi dùng Cotrim cho bệnh nhân dễ thiếu hụt Acid folic hoặc suy giảm chức năng thận, điển hình như người cao tuổi.
  • Khi dùng thuốc Cotrim, bệnh nhân bị thiếu men G6PD có nguy cơ cao gặp phải tình trạng thiếu máu tan huyết.

4. Những hệ luỵ dễ xảy ra khi lạm dụng kháng sinh trị nhiễm khuẩn đường ruột

Việc sử dụng thuốc kháng sinh đường ruột bừa bãi và không đúng chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe, cụ thể:

  • Gây loạn khuẩn đường ruột vì kháng sinh đã tiêu diệt sạch những vi khuẩn có lợi, đồng thời làm phát triển quá mức các hại khuẩn. Khi đó, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như sụt cân, tiêu chảy hoặc suy giảm hệ miễn dịch.
  • Tình trạng viêm ruột kết màng giả gây ra bởi chủng vi khuẩn Clostridium difficile.
  • Tiêu chảy nặng do lạm dụng kháng sinh.
  • Dùng kháng sinh đường ruột kéo dài có thể gây ra hiện tượng đề kháng kháng sinh.

Nhìn chung, kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đường ruột chỉ nên áp dụng khi có sự tư vấn và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. Việc lạm dụng quá đà các loại kháng sinh có thể dẫn đến những hệ luỵ sức khoẻ khó lường trước. Vì vậy, trong mọi trường hợp, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

66K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan