Carboplatin là thuốc gì? Các tương tác có thể gặp của Carboplatin

Carboplatin là thuốc hóa trị dùng để điều trị một số loại bệnh ung thư. Tuy nhiên Carboplatin cũng mang lại những tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể như thận, gan, thính giác, tim.

1. Carboplatin là thuốc gì?

Carboplatin (hay còn được gọi là Paraplatin) là một hóa chất sử dụng trong việc điều trị một số bệnh ung thư như: ung thư não, ung thư phổi, ung thư buồng trứng, ung thư đầu cổ, ung thư tinh hoàn, ung thư bàng quang, u nguyên bào võng mạc tiến triển và tái phát ở trẻ em

Thuốc được sử dụng để điều trị các loại bệnh ung thư. Đây là thuốc hóa trị có chứa thành phần bạch kim Platinum. Được sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác nhằm ngăn ngừa quá trình lan rộng và phát triển của các tế bào ung thư.

2. Liều lượng và cách dùng của Carboplatin

2.1. Cách dùng của Carboplatin

Carboplatin được sử dụng để truyền tĩnh mạch hoặc tiêm màng bụng. Cách pha:

  • Cần dung dịch 10 mg/m thì cần pha thêm 45ml nước cất, dung dịch natri clorid 0,9% hoặc glucose 5% vào các lọ 50mg, 150mg, 450mg để có được dung dịch 10 mg/ml.
  • Cần dung dịch 0,5 mg/m chỉ cần pha loãng với dung dịch glucose 5% hoặc natri clorid 0,9%.

Trước khi dùng nên kiểm tra thuốc có bị đục màu hay đổi màu sắc hay không, nếu có sự thay đổi thì không nên sử dụng thuốc.

Lưu ý: các dụng cụ hỗ trợ như kim tiêm, ống thông, dụng cụ truyền không được có nhôm nếu không thuốc sẽ bị hỏng. Trong quá trình pha thuốc và thao tác cần thận trọng tránh để thuốc dính trên da tay hay bắn vào mắt, vì Carboplatin có thể gây mù mắt, gây hại da tay.

2.2. Liều lượng của Carboplatin

Liều dùng của carboplatin được kê sẽ phụ thuộc vào sự dung nạp của thuốc, độc tính, đáp ứng lâm sàng và hạn chế tác hại không mong muốn của thuốc. Những liều đầu tiên sẽ phải dựa vào diện tích bề mặt cơ thể, và chức năng thận. Liều chỉ định từ 300 – 450 mg/m^2. Cụ thể sẽ được tính dựa trên công thức sau:

Tổng liều (mg) = AUC đích (mg/ml/phút) x Cl carboplatin (ml/phút).

Trong đó:

AUC đích phổ biến từ 5 – 7 mg/ml/phút. Số liệu này sẽ phụ thuộc vào điều trị trước đó và các thuốc dùng phối hợp.

Tỷ lệ lọc cầu thận được tính theo công thức:

Đối với nam:

Cl carboplatin (ml/phút) = (0,134 x p) + 218 x P (1 – 0,00457 x T) : Cr

Trong đó: P là cân nặng (kg), T là tuổi của bệnh nhân (năm), Cr là nồng độ huyết thanh( lít)

Đối với nữ: Cl carboplatin (ml/phút) = (0,134 x P) + 0,686 (218 x P x (1 – 0,00457 x T) : Cr

Với người bị ung thư buồng trứng:

  • Ung thư buồng trứng tiến triển (trong giai đoạn giai đoạn III và IV): Liều khởi đầu cho người lớn là 300 mg/m2. Các liều dùng sau sẽ tính toán dựa vào mức giảm huyết cầu của liều trước và chức năng của thận. Liều sau sẽ được dùng sau 4 tuần nếu như độc tính trên máu phục hồi chậm
  • Đối với ung thư buồng trứng tái phát, liều khởi đầu là 360 mg/m2.
  • Liều dùng để điều trị các bệnh ung thư khác cũng tương tự như liều dùng cho bệnh nhân bị ung thư buồng trứng

Đối với người bị suy thận: Liều dùng phụ thuộc vào độ thanh thải creatinin: Độ thanh thải creatinin là 41 – 59 ml/phút, liều dùng ban đầu sẽ là 250 mg/m2. Độ thanh thải từ 16 – 40 ml/phút, liều khởi đầu là 200 mg/m2.

3. Quá liều và cách xử trí

Khi sử dụng quá liều, người bệnh sẽ có các biểu hiện như suy tủy, chức năng của gan, thận, thính giác và tiêu hóa bị giảm sút.

Hiện nay chưa có thuốc giải độc đặc hiệu, vì thế khi biết mình sử dụng quá liều, đầu tiên chúng ta cần ngưng sử dụng thuốc và điều trị các triệu chứng. Cụ thể, nếu như người bệnh phản ứng và có biểu hiện như: phù mặt, co thắt phế quản, nhịp tim nhanh, huyết áp hạ thì nên xử lý bằng cách tiêm tĩnh mạch với thuốc kháng histamin hoặc epinephrin, corticosteroid.

Để chống suy tuỷ, người bệnh cần được truyền máu hoặc truyền tiểu cầu, hồng cầu hoặc sử dụng các loại thuốc kích thích dòng tế bào bạch cầu.

4. Các tương tác có thể gặp của thuốc Carboplatin

Khi dùng kết hợp carboplatin với các loại thuốc khác cần phải theo dõi thận trọng, bởi dù là dùng riêng hay kết hợp carboplatin cũng có khả năng gây suy tủy và làm tăng độc tính trên máu. Liều dùng và thời gian sử dụng cần điều chỉnh để hạn chế nhất những độc tính mà thuốc gây ra. Đối với những người bệnh đã sử dụng thuốc chống ung thư trước đó, độc tính trong máu cũng sẽ nặng hơn.

Khi sử dụng với cyclophosphamid sẽ gây ra các tương tác ảnh hưởng đến chứng năng tiêu hóa, thính giác và thị giác

Carboplatin là thuốc gây độc với thận nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, tuy nhiên khi phối hợp carboplatin và aminoglycosid sẽ làm tăng mạnh độc tính trên thận và thính giác. Vì vậy cần phải cẩn trọng khi dùng 2 loại thuốc này với nhau .

Khi dùng kết hợp với các thuốc có ảnh hưởng đến thính giác như aminoglycosid, furosemid, ifosfamid sẽ làm tăng độc tính trên thính giác, nếu sử dụng với hàm lượng quá cao thì có thể dẫn đến mất thính giác.

5. Tác dụng phụ thuốc Carboplatin

Carboplatin thường gây ra các tai biến khá nặng, điển hình là suy tủy xương một trong những tai biến thường gặp ở những bệnh nhân đã sử dụng thuốc chống ung thư trước đó hoặc là xạ trị. Bên cạnh tai biến về suy tủy xương còn có tai biến khác liên quan đến tiêu hóa, mắt, tai và thận. Các tác dụng phụ thường sẽ phụ thuộc vào liều lượng thuốc và các dùng thuốc và cơ địa của người sử dụng thuốc. cụ thể như:

5.1. Tác dụng phụ thường gặp

  • Tiêu hóa: Nôn, buồn nôn, táo bón, đau bụng, loét tiêu hóa.
  • Thần kinh: Mất vị giác, co giật, chuột rút, yếu cơ, độc thần kinh ngoại biên, đau người và suy nhược cơ thể.
  • Máu: Suy xương tủy: giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu.
  • Thận: Tăng thành phần creatinin trong máu
  • Tại: Thính giác bị giảm, ù tai
  • Tim mạch: Gây bệnh mạch não, suy tim, nghẽn mạch
  • Dị ứng: Gây ngứa, mày đay, ban da
  • Rụng tóc: Thường xảy ra khi sử dụng kết hợp với cyclophosphamid.
  • Đau, sưng chỗ tiêm nếu tiêm ra ngoài mạch có thể gây hoại tử.

6. Các trường hợp cần thận trọng khi sử dụng thuốc Carboplatin

Đối với người lớn tuổi (trên 65 tuổi), khi sử dụng carboplatin dễ gây độc thần kinh, gây bệnh thần kinh ngoại biên, suy tủy, suy thận hơn so với người trẻ tuổi.

Đối với trẻ em các tác dụng phụ cũng xảy ra tương tự với người lớn nên cần đặc biệt theo dõi cẩn trọng.

Đối với phụ nữ mang thai: Theo nghiên cứu thuốc Carboplatin có khả năng gây độc cho thai. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo không được dùng Carboplatin cho phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, nếu như trường hợp thai phụ gặp vấn đề nghiêm trọng và cần phải dùng thuốc để điều trị, bác sĩ vẫn sẽ chỉ định cho sử dụng.

Trong quá trình sử dụng Carboplatin, người bệnh cần phải có biện pháp tránh thai.

Thời kỳ cho con bú: Hiện nay chưa có nghiên cứu chứng minh thuốc liệu có thể truyền qua sữa mẹ hay không nhưng vì thuốc có khả năng gây độc cho trẻ, nên bác sĩ sẽ khuyến cáo khi người mẹ dùng thuốc thì phải ngừng cho con bú.

Với những chia sẻ trên hy vọng sẽ giúp quá trình dùng thuốc ở bệnh nhân được hiệu quả, an toàn. Đặc biệt giảm thiểu nguy cơ gặp tác dụng phụ tới sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan