Cefditoren là thuốc gì?

Cefditoren là thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 3, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim 200mg. Thuốc được điều trị trong nhiều trường hợp nhiễm khuẩn, viêm nhiễm khác nhau.

1. Công dụng của thuốc Cefditoren

Thuốc kháng sinh Cefditoren được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn gram âm, vi khuẩn gram dương nhạy cảm (bao gồm nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn da, tổ chức dưới da):

  • Điều trị viêm họng và viêm amidan do các chủng Streptococcus pyogenes nhạy cảm;
  • Điều trị các đợt cấp của viêm phế quản mạn mức độ nhẹ và vừa gây ra bởi các chủng Haemophilus influenzae, Haemophilus parainfluenzae, Streptococcus pneumoniae và Moraxella catarrhalis;
  • Điều trị cho các trường hợp viêm phổi mắc phải tại cộng đồng gây ra bởi các chủng Haemophilus parainfluenzae, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae và Moraxella catarrhalis;
  • Điều trị nhiễm khuẩn da và tổ chức dưới da gây ra bởi các chủng Streptococcus pyogenes, Staphylococcus aureus.

Thuốc Cefditoren chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn cảm với Cefditoren, các Cephalosporin khác hoặc tá dược của thuốc;
  • Thiếu hụt carnitin, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh dẫn tới thiếu hụt carnitin trên lâm sàng;
  • Quá mẫn cảm với protein sữa;
  • Trẻ em dưới 12 tuổi.

2. Cách dùng và liều dùng Cefditoren

Cách dùng: Uống thuốc cùng bữa ăn để làm tăng hấp thu thuốc vào máu.

Liều dùng cho người lớn:

  • Điều trị viêm họng và viêm amidan: Dùng liều 200mg/lần x 2 lần/ngày trong 10 ngày;
  • Điều trị đợt cấp của viêm phế quản mạn tính: Dùng liều 400mg/lần x 2 lần/ngày trong 10 ngày;
  • Điều trị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng: Dùng liều 400mg/lần x 2 lần/ngày trong 14 ngày;
  • Điều trị nhiễm khuẩn da và tổ chức dưới da: Dùng liều 200mg/lần x 2 lần/ngày trong 10 ngày.

Liều dùng cho trẻ em:

Trẻ trên 12 tuổi dùng liều 200 - 400mg/lần x 2 lần/ngày.

Liều dùng cho các đối tượng khác:

  • Bệnh nhân suy gan: Không cần điều chỉnh liều với người bị suy gan mức độ nhẹ và vừa. Chưa có thông tin về việc dùng thuốc Cefditoren ở bệnh nhân suy gan nặng;
  • Người cao tuổi: Không có khuyến cáo đặc biệt về liều dùng thuốc Cefditoren nếu người bệnh có chức năng thận bình thường;
  • Bệnh nhân suy thận: Tùy theo độ thanh thải creatinin: Cụ thể:
    • ClCr 50 - 80ml/phút: Không cần điều chỉnh liều;
    • ClCr 30 - 49ml/phút: Dùng tối đa 200mg/lần x 2 lần/ngày;
    • ClCr <30ml/phút: Dùng liều 200mg/lần/ngày;
    • Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối: Chưa xác định được liều dùng phù hợp.

Quá liều: Chưa có thông tin về quá liều Cefditoren ở người. Tuy nhiên, các tác dụng phụ khi quá liều có thể gồm: Buồn nôn, nôn ói, đau vùng thượng vị, co giật, tiêu chảy,... Bệnh nhân có thể được thẩm tách máu để loại bỏ Cefditoren khỏi cơ thể nếu chức năng thận bị tổn thương. Nên điều trị triệu chứng quá liều, thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Quên liều: Nếu quên 1 liều Cefditoren, nên uống càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Trường hợp gần với liều kế tiếp thì người bệnh nên bỏ qua liều đã quên, dùng liều kế tiếp như kế hoạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Cefditoren

Khi dùng thuốc Cefditoren, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn:

  • Thường gặp: Tiêu chảy;
  • Ít gặp: Buồn nôn, đau đầu, tăng glucose máu, chán ăn, đau bụng, nôn ói, tiểu máu, giảm hematocrit, bạch cầu niệu,...;
  • Hiếm gặp: Suy thận cấp, đau khớp, dị ứng, hen phế quản, giảm calci máu, tăng nitơ máu, tăng thời gian đông máu, nhiễm nấm, hồng ban cố định nhiễm sắc, tăng glucose huyết, giảm bạch cầu, viêm phổi kẽ, giảm natri máu, tăng kali máu, viêm đại tràng giả mạc, xuất huyết giảm tiểu cầu, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử da nhiễm độc.

4. Thận trọng khi sử dụng Cefditoren

Khi sử dụng Cefditoren, người bệnh cần thận trọng:

  • Điều trị bằng kháng sinh Cefditoren có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh ở đại tràng, làm Clostridium difficile phát triển quá mức, gây tiêu chảy từ mức độ nhẹ tới nguy kịch. Các độc tố do Clostridium difficile tiets ra làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do kháng sinh, phải cắt bỏ đại tràng. Vì vậy, cần theo dõi biểu hiện này trong suốt quá trình điều trị;
  • Theo dõi, phát hiện các biểu hiện quá mẫn khi dùng Cefditoren. Nên thận trọng khi sử dụng thuốc cho người có tiền sử quá mẫn với penicillin, đặc biệt là biểu hiện phản vệ, mày đay;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Cefditoren cho người có tiền sử co giật. Nếu trong trường hợp có kèm theo suy thận thì nguy cơ co giật sẽ tăng cao;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Cefditoren cho những trường hợp bị suy gan, suy thận, cần điều chỉnh liều dùng phù hợp;
  • Đối với bệnh nhân bị thiếu hụt carnitin, không sử dụng thuốc Cefditoren kéo dài do Cefditoren làm tăng đào thải carnitin;
  • Thuốc Cefditoren có thể gây kéo dài thời gian Prothrombin nên cần thận trọng khi dùng thuốc ở những bệnh nhân có rối loạn chảy máu;
  • Viên nén Cefditoren có chứa tá dược natri caseinat, có thể gây phản ứng quá mẫn ở những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với protein sữa;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefditoren ở phụ nữ có thai và cho con bú.

5. Tương tác thuốc Cefditoren

Một số tương tác thuốc Cefditoren cần lưu ý gồm:

  • Probenecid làm tăng nồng độ Cefditoren trong huyết tương, từ đó làm tăng tác dụng hoặc độc tính của Cefditoren;
  • Các antacid, thuốc đối kháng thụ thể H2, thuốc ức chế bơm proton làm giảm hấp thụ Cefditoren, do đó làm giảm tác dụng hoặc độc tính của Cefditoren. Vì vậy, tránh sử dụng Cefditoren đồng thời với các thuốc này;
  • Có thể gây một số sai lệch kết quả khi xét nghiệm;
  • Thức ăn làm tăng hấp thu Cefditoren. Những bữa ăn có nhiều mỡ sẽ làm sinh khả dụng của thuốc tăng lên tối đa.

Thuốc Cefditoren hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác nhau. Khi dùng thuốc, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không được lạm dụng, thay đổi liều dùng, tự ý kết hợp với các thuốc khác,... để tránh những phản ứng phụ nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

75K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan