Công dụng thuốc Agiparofen

Thuốc Agiparofen thường được sử dụng để điều trị giảm đau, kháng viêm và hạ sốt cho các tình trạng như đau lưng, đau bụng kinh hoặc cảm cúm,... Để sớm đạt được hiệu quả điều trị, bệnh nhân cần dùng thuốc Agiparofen theo đúng chỉ định của bác sĩ.

1. Thuốc Agiparofen là thuốc gì?

Agiparofen thuộc nhóm thuốc giảm đau, giúp cải thiện cơn đau mức độ nhẹ đến vừa cho các chứng đau lưng, đau đầu, đau răng, đau bụng kinh hoặc đau xương khớp. Thuốc Agiparofen là một sản phẩm của Công ty cổ phần dược phẩm Agimexpharm, được bào chế dưới dạng viên nén 2 lớp, trong đó một lớp màu trắng và lớp còn lại màu cam.

Mỗi hộp thuốc Agiparofen bao gồm 5 vỉ x 10 viên nén, có chứa 2 thành phần hoạt chất chính giúp kháng viêm và giảm đau:

  • Paracetamol: Hàm lượng 325mg.
  • Ibuprofen: Hàm lượng 200mg.

2. Thuốc Agiparofen có tác dụng gì?

Thuốc Agiparofen là sự kết hợp của ParacetamolIbuprofen, giúp tạo nên một công thức giảm đau và kháng viêm hiệu quả. Không những vậy, việc sử dụng Agiparofen ở liều điều trị thấp còn giúp giảm nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý hơn so với việc điều trị bằng 2 hoạt chất riêng rẽ.

Thông thường, thuốc Agiparofen sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng để giảm đau và viêm cho các trường hợp sau:

  • Viêm khớp, viêm bao khớp, đau lưng, thấp khớp, đau cơ và chấn thương do thể thao.
  • Giảm sốt, đau họng hoặc cảm cúm.
  • Giảm cơn đau và tình trạng viêm trong sản khoa, nha khoa hoặc chỉnh hình.
  • Giảm cơn đau răng, đau đầu, đau do bệnh ung thư và thống kinh ở nữ giới.

3. Chống chỉ định sử dụng thuốc Agiparofen

Mặc dù Agiparofen có khả năng giảm đau và chống viêm rất hữu hiệu, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phù hợp để sử dụng loại thuốc này. Dưới đây là những đối tượng bệnh nhân cần tránh điều trị bằng Agiparofen khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với Ibuprofen, Paracetamol hay bất kỳ thành phần tá dược nào có trong thuốc Agiparofen.
  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với các thuốc NSAIDs, chẳng hạn như nổi mày đay, co thắt phế quản, hen phế quản, phát ban đỏ,...
  • Không dùng thuốc Agiparofen cho người có tiền sử xuất huyết tiêu hoá có liên quan đến các thuốc NSAIDs.
  • Chống chỉ định Agiparofen cho người đang dùng đồng thời các thuốc chứa NSAIDs (bao gồm cả thuốc ức chế chọn lọc COX2) hoặc các thuốc có chứa Paracetamol.
  • Bệnh nhân bị loét dạ dày – tá tràng tiến triển.
  • Bệnh nhân bị hen, thường xuyên bị co thắt phế quản hoặc mắc chứng rối loạn chảy máu.
  • Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống đông máu Coumarin.
  • Người bị suy tim sung huyết, suy gan, suy thận, rối loạn chức năng thận hoặc bị giảm khối lượng tuần hoàn do dùng thuốc lợi niệu.
  • Phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu / cuối.
  • Không sử dụng Agiparofen cho trẻ em dưới 12 tuổi.

4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Agiparofen

4.1. Liều dùng thuốc Agiparofen theo khuyến cáo

Dưới đây là liều dùng thuốc Agiparofen thông thường cho người lớn theo khuyến nghị chung của bác sĩ:

Điều trị giảm đau và kháng viêm:

  • Liều cho trường hợp cấp tính: Sử dụng từ 1- 2 viên / lần, ngày dùng 3 – 4 lần.
  • Liều duy trì: Dùng 1 viên / lần x 3 lần / ngày.
  • Liều thuốc Agiparofen tối đa theo khuyến cáo là 12 viên / ngày.

Điều trị cảm sốt:

  • Liều thông thường: Dùng từ 1 – 2 viên / lần x 3 lần / ngày.
  • Liều dùng thuốc Agiparofen tối đa theo khuyến cáo là 6 viên / ngày.

Điều trị đau bụng kinh:

  • Liều thông thường: Dùng 1 viên / lần x 3 – 4 lần / ngày. Bệnh nhân cần dùng thuốc ngay khi có cơn đau. Trong trường hợp cần thiết có thể tăng liều lên 2 viên / lần, tuy nhiên không được phép vượt quá 6 viên / ngày.
  • Khoảng cách giữa các liều thuốc điều trị cơn đau bụng kinh cần tối thiểu 4 giờ.
  • Trong trường hợp không có chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần tránh tự ý dùng Agiparofen để điều trị giảm đau kéo dài hơn 10 ngày hoặc điều trị giảm sốt vượt quá 3 ngày.

4.2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Agiparofen hiệu quả

Thuốc Agiparofen được bào chế dưới dạng viên nén, do đó người bệnh cần dùng thuốc bằng đường uống. Thời điểm phù hợp nhất để uống Agiparofen là sau bữa ăn nhằm tránh những tác động của thuốc tới dạ dày.

Trước và trong suốt quá trình điều trị giảm đau bằng thuốc Agiparofen, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt theo liều lượng mà bác sĩ khuyến cáo. Tuyệt đối không tự ý sử dụng, thay đổi liều hoặc ngưng thuốc giữa chừng khi chưa được chấp thuận bởi thầy thuốc.

5. Cần làm gì khi uống quá liều thuốc Agiparofen?

Khi uống quá liều Agiparofen, bệnh nhân có thể gặp phải một trong hai trường hợp sau:

  • Triệu chứng quá liều Paracetamol trong thuốc Agiparofen: Tổn thương gan, suy gan (nếu uống trên 10g). Sau khoảng 24 giờ kể từ khi uống quá liều Paracetamol, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng ban đầu như buồn nôn, ói mửa, xanh xao, đau bụng và chán ăn. Trong vòng 12 – 48 giờ tiếp theo, triệu chứng tổn thương gan sẽ xuất hiện rõ rệt. Đối với bệnh nhân bị nhiễm độc Paracetamol nặng có thể làm tiến triển tình trạng suy gan thành bệnh não – hôn mê – tử vong. Đôi khi, người bệnh cũng có thể gặp phải các triệu chứng quá liều khác như hoại tử ống thận, suy thận cấp và loạn nhịp tim.
  • Triệu chứng quá liều Ibuprofen trong thuốc Agiparofen: Buồn nôn, đau bụng, ói mửa, thờ ơ, đau đầu, ngủ gà, co cứng cơ, ức chế hệ thần kinh trung ương, hạ huyết áp, co giật, thở nhanh, nhịp nhanh hoặc rung nhĩ. Một số trường hợp cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác như nhiễm toan chuyển hoá, suy thận cấp, hôn mê, ngừng thở, tăng kali huyết, suy hô hấp hoặc ức chế hô hấp.

Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng quá liều nào sau khi sử dụng thuốc Agiparofen, bệnh nhân cần ngưng điều trị và thông báo sớm nhất có thể cho bác sĩ. Thông thường, các biện pháp điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ sẽ được áp dụng cho những bệnh nhân uống quá liều Agiparofen. Để tăng đào thải cũng như bất hoạt thuốc, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện các biện pháp như gây nôn, rửa dạ dày, uống than hoạt tính, thuốc tẩy muối hoặc lợi tiểu.

Có thể sử dụng N-Acetylcystein đường uống / tiêm tĩnh mạch để làm thuốc giải độc đặc hiệu cho trường hợp quá liều Paracetamol. Tốt nhất, bệnh nhân cần dùng ngay N-Acetylcystein trong vòng dưới 36 giờ kể từ khi uống quá liều Paracetamol.

6. Thuốc Agiparofen có thể gây ra các tác dụng phụ gì?

Khi sử dụng đúng liều và thời gian khuyến nghị, thuốc Agiparofen hiếm khi gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn cho bệnh nhân. Trong một số trường hợp nhất định, việc điều trị giảm đau, kháng viêm và hạ sốt bằng thuốc Agiparofen có thể khiến bệnh nhân gặp phải một số phản ứng phụ sau:

  • Phản ứng phụ hay gặp: Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, buồn nôn, khó chịu ở bụng, khó tiêu, mẩn ngứa, phát ban da.
  • Phản ứng phụ ít gặp: Nổi mày đay, quá mẫn, ngứa, nhức đầu, chóng mặt, xuất huyết đường tiêu hoá, loét dạ dày tá tràng, thông đường tiêu hoá, loét miệng, nôn ra máu, bệnh Crohn viêm dạ dày, đợt cấp viêm đại tràng, đầy hơi, viêm tuỵ, táo bón, kéo dài thời gian chảy máu.
  • Phản ứng phụ rất hiếm gặp: Uể oải, mệt mỏi, thiếu máu, giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu, sưng mặt / họng / lưỡi, hạ huyết áp, tim đập nhanh, phù mạch, sốc nặng, sốc phản vệ, ảo giác, trầm cảm, nhầm lẫn, viêm màng não vô khuẩn, buồn ngủ, viêm dây thần kinh thị giác, ù tai, chóng mặt, giảm thính lực, phù, suy tim, tăng huyết áp, hen suyễn, khó thở, đợt cấp của hen suyễn, co thắt phế quản, viêm gan, chức năng gan bất thường, vàng da, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hồng ban đa dạng, ban xuất huyết, da tróc vảy, nhạy cảm ánh sáng, hội chứng thận hư, suy thận cấp / mãn tính, viêm thận kẽ.

Nếu nhận thấy có bất kỳ triệu chứng nào lạ thường trong quá trình điều trị bằng thuốc Agiparofen, bệnh nhân cần ngừng dùng thuốc và đến ngay trung tâm y tế để có phương hướng xử trí cụ thể.

7. Thuốc Agiparofen có thể tương tác với thuốc nào?

Theo khuyến cáo của chuyên gia, bệnh nhân cần tránh sử dụng thuốc Agiparofen cùng lúc với các thuốc khác sau:

  • Thuốc có chứa Paracetamol, Ibuprofen hoặc các loại thuốc thuộc nhóm chống viêm không Steroid.
  • Thuốc chống co giật.
  • Rượu.
  • Thuốc chống đông Coumarin / dẫn chất Indandion.
  • Thuốc Metoclopramid hoặc Domperidon.
  • Thuốc Isoniazid.
  • Thuốc Cholestyramine.
  • Thuốc Chloramphenicol.
  • Kháng sinh nhóm Quinolon.
  • Thuốc Methotrexat.
  • Thuốc Digoxin.
  • Thuốc lợi tiểu/ Furosemid.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Agiparofen. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Agiparofen theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan