Công dụng thuốc Cetalecmin

Thuốc Cetalecmin được bác sĩ kê đơn sử dụng chủ yếu để điều trị các trường hợp bị dị ứng hay quá mẫn, chẳng hạn như dị ứng da, mắt hoặc rối loạn viêm mắt,... Để đảm bảo an toàn và sớm khắc phục bệnh, bạn cần thận trọng và tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị bằng thuốc Cetalecmin đã được khuyến nghị bởi bác sĩ.

1. Thuốc Cetalecmin là thuốc gì?

Cetalecmin là thuốc chống dị ứng, thường được sử dụng trong những trường hợp người bệnh gặp phải các phản ứng quá mẫn. Thuốc Cetalecmin được nghiên cứu phát triển và sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược Minh Hải - Việt Nam dưới dạng viên nén, mỗi hộp gồm 2 vỉ x 15 viên hoặc 3 vỉ x 10 viên.

Trong mỗi viên nén Cetalecmin có chứa 2 thành phần hoạt chất chính, bao gồm Betamethason (0.25mg) và Dexchlorpheniramin maleat (2mg). Ngoài ra, công thức thuốc còn có sự góp mặt của một số tá dược phụ trợ khác.

2. Thuốc Cetalecmin có tác dụng gì?

Cetalecmin thuốc chống dị ứng với sự kết hợp của 2 hoạt chất Betamethason và Dexchlorpheniramin maleat giúp mang lại tác dụng điều trị các trường hợp dị ứng hoặc quá mẫn hiệu quả, cụ thể:

  • Betamethason: Đóng vai trò là một Corticosteroid tổng hợp, có khả năng glucocorticoid cực mạnh. Hoạt chất này được biết đến với tác dụng chống viêm, chống dị ứng và thấp khớp hữu hiệu. Hiện nay, Betamethason thường được sử dụng trong những trường hợp bệnh lý bất lợi về mặt giữ nước. Khi dùng ở liều cao, Betamethason có tác dụng ức chế hệ miễn dịch. Một số bệnh lý có thể điều trị bằng Betamethason như bệnh nội tiết, rối loạn da, rối loạn chất tạo keo, bệnh cơ xương, viêm mũi dị ứng theo mùa,...
  • Dexchlorpheniramin maleat: Khi dùng ở liều thông thường, hoạt chất này có tác dụng an thần nhờ vào khả năng kháng histamin và ức chế adrenalin ở hệ thần kinh trung ương. Đặc tính chung của Dexchlorpheniramin là đối kháng, có tác dụng chủ yếu lên mạch máu, da, niêm mạc ở mũi, kết mạc, ruột hoặc phế quản. Bản thân loại thuốc kháng histamin này còn có khả năng chống ho nhẹ. Nhìn chung, Dexclorpheniramin thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp bị viêm mũi dị ứng theo mùa/ quanh năm hoặc nổi mày đay.

3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Cetalecmin

Hiện nay, thuốc Cetalecmin được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị các tình trạng bệnh lý dưới đây:

  • Điều trị hiệu quả các trường hợp phức tạp ở đường hô hấp, rối loạn viêm mắt, dị ứng mắt và da.
  • Điều trị cho những bệnh lý cần phải phối hợp sử dụng thêm liệu pháp corticosteroid toàn thân.

Tuy nhiên, cần tránh dùng thuốc Cetalecmin cho những bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định:

  • Bệnh nhân bị quá mẫn hoặc phản ứng dị ứng với Betamethason, Dexchlorpheniramin hay bất kỳ tá dược nào có trong thuốc.
  • Chống chỉ định sử dụng thuốc Cetalecmin cho trẻ dưới 6 tuổi, trẻ sinh thiếu tháng hoặc trẻ sơ sinh.
  • Không dùng Cetalecmin đối với bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ức chế MAO.
  • Tránh dùng thuốc Cetalecmin cho người bị nhiễm nấm toàn thân, tăng nhãn áp góc hẹp, loét dạ dày tá tràng, tắc cổ bàng quang hoặc phì đại tuyến tiền liệt.

4. Cần sử dụng thuốc Cetalecmin như thế nào cho hợp lý?

Do được bào chế dưới dạng viên nén nên thuốc Cetalecmin sẽ được sử dụng bằng đường uống. Bệnh nhân có thể uống thuốc cùng với lượng nước lọc vừa đủ, tránh nghiền nát viên thuốc hoặc uống chung với các thức uống khác như nước ngọt, nước có gas, cà phê, rượu,...

Mặt khác, bệnh nhân cũng cần dùng Cetalecmin theo đúng liều lượng được khuyến cáo bởi bác sĩ, cụ thể:

  • Trẻ em trên 12 tuổi và người lớn: Dùng liều khởi đầu từ 1 - 2 viên x 4 lần/ ngày, nên uống sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Không nên uống quá 8 viên/ ngày.
  • Trẻ em từ 6 - 12 tuổi: Uống liều 1/2 viên x 3 lần/ ngày. Có thể bổ sung thêm một liều hằng ngày và uống vào lúc đi ngủ. Tránh cho trẻ uống quá 4 viên/ ngày.

Trong suốt thời gian điều trị bằng Cetalecmin, bệnh nhân cần tránh tự ý điều chỉnh liều hoặc thay đổi liệu trình dùng thuốc khi chưa có sự chấp thuận của bác sĩ.

5. Thuốc Cetalecmin có thể gây ra các tác dụng phụ gì?

Bên cạnh công dụng điều trị các trường hợp dị ứng và quá mẫn hiệu quả, thuốc Cetalecmin có thể mang lại một số tác dụng phụ ngoại ý cho người bệnh trong suốt thời gian sử dụng:

  • Phản ứng thường gặp: Tăng đào thải kali, giữ nước, giữ natri, hội chứng Cushing, kinh nguyệt thay đổi bất thường, giảm khả năng dung nạp với glucose, chậm tăng trưởng đối với trẻ em, có biểu hiện tiềm ẩn của bệnh tiểu đường, chứng gãy xương bệnh lý, loãng xương, yếu cơ, teo cơ, hoại tử vô khuẩn xương đùi, chứng rạn nứt cột sống, khô miệng, an thần hoặc ngủ gà.
  • Phản ứng ít gặp: Thủng/ chảy máu đường tiêu hoá, loét dạ dày tá tràng, viêm tuỵ cấp, kích động, mất ngủ, sảng khoái, đục thuỷ tinh thể hoặc tăng nhãn áp.
  • Phản ứng hiếm gặp: Xuất huyết, mụn trứng cá, chứng rậm lông, vết máu bầm, chóng mặt, chậm liền sẹo hoặc buồn nôn.

Thông thường, những tác dụng phụ ngoài ý muốn trên sẽ biến mất sau khi bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc. Nếu xuất hiện những triệu chứng hiếm gặp khác chưa được đề cập đến, bệnh nhân cần thông báo ngay cho người phụ trách y khoa để có biện pháp xử trí.

6. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Cetalecmin

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng dựa trên khuyến cáo của bác sĩ đối với hầu hết bệnh nhân nhằm đảm bảo an toàn khi điều trị bằng Cetalecmin:

  • Thật sự thận trọng khi sử dụng Cetalecmin cho người mới mắc nhồi máu cơ tim, suy tim sung huyết, tiểu đường, tăng huyết áp, tăng nhãn áp, động kinh, tiểu đường, suy gan, thiểu năng tuyến giáp, loét đường tiêu hoá, loãng xương, suy thận hoặc loạn tâm thần.
  • Nguy cơ chậm lớn nếu dùng thuốc Cetalecmin cho trẻ em. Đối với người cao tuổi có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ ngoài ý.
  • Thận trọng khi dùng Cetalecmin cho người nghi ngờ mắc bệnh lao hoặc bị lao tiến triển. Những người mắc bệnh lao tiềm ẩn cần được theo dõi cẩn thận và áp dụng hoá dự phòng chống lao khi sử dụng thuốc lâu dài.
  • Việc sử dụng corticosteroid toàn thân có thể làm tăng nguy cơ thuỷ đậu và zona nghiêm trọng, vì vậy bệnh nhân chưa có miễn dịch cần tránh tiếp xúc với các bệnh này.
  • Khi dùng kéo dài cần theo dõi thường xuyên sức khỏe người bệnh. Có thể cân nhắc giảm lượng natri và tăng cường bổ sung kali cũng như canxi.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Cetalecmin cho người bị bí tiểu, tăng nhãn áp góc hẹp, tắc nghẽn môn vị tá tràng và tăng sinh tuyến tiền liệt.
  • Tác dụng an thần của hoạt chất Dexclorpheniramin maleat tăng lên khi bệnh nhân sử dụng với rượu và các thuốc an thần khác.
  • Thuốc Cetalecmin có thể gây chóng mặt, ngủ gà và suy giảm tâm thần vận động trong một số trường hợp, do đó bệnh nhân cần thận trọng khi dùng thuốc lúc lái xe hoặc điều khiển máy móc.
  • Thận trọng khi dùng Cetalecmin cho bệnh nhân trên 60 tuổi do đối tượng này thường có tính nhạy cảm cao với tác dụng phụ chống tiết Acetylcholin của thuốc.
  • Cân nhắc giữa lợi ích điều trị và rủi ro trước khi dùng thuốc Cetalecmin cho phụ nữ có thai, người đang trong độ tuổi sinh sản, thai nhi, phụ nữ nuôi con bú và trẻ sơ sinh.
  • Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi dùng, nếu đã quá hạn cần loại bỏ thuốc theo quy định.
  • Không uống thuốc đã có dấu hiệu nấm mốc, đổi màu hoặc biến dạng.
  • Thuốc Cetalecmin có nguy cơ tương tác với các thuốc khác, do đó bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc hiện đang sử dụng, bao gồm cả thuốc bổ, vitamin, thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thảo dược.
  • Bảo quản thuốc Cetalecmin tại nơi khô thoáng, tránh khu vực có độ ẩm cao hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mạnh từ mặt trời.

82 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan