Công dụng thuốc Cilzec plus

Cilzec Plus là thuốc phối hợp Telmisartan và Hydroclorothiazid để điều trị tăng huyết áp vô căn ở người lớn. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Cilzec Plus sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Cilzec Plus là thuốc gì?

Cilzec Plus chứa thành phần chính TelmisartanHydrochlorothiazide, được sử dụng để điều trị tăng huyết áp. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén không bao.

Thuốc không chỉ định trong điều trị khởi đầu.

2. Cách sử dụng, liều dùng thuốc Cilzec Plus

2.1. Cách dùng thuốc Cilzec Plus

Uống Cilzec Plus 1 lần mỗi ngày, không phụ thuộc bữa ăn vì thức ăn chỉ làm giảm nhẹ sinh khả dụng của thuốc.

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

2.2. Liều dùng của thuốc Cilzec Plus

Đối với người lớn có chức năng gan và thận bình thường:

  • Uống 1-2 viên mỗi ngày.
  • Trước khi tăng liều cần chú ý là tác dụng điều trị tăng huyết áp tối đa thường đạt được sau 4 – 8 tuần điều trị.

Bệnh nhân suy thận:

  • Do có thành phần Hydroclorothiazid, thuốc không được chỉ định ở bệnh nhân suy chức năng thận nặng (độ thanh thải creatinin ≤ 30ml/ phút). Những thuốc lợi tiểu quai được ưa dùng hơn các thuốc nhóm thiazid trên những bệnh nhân này.
  • Kinh nghiệm sử dụng còn chưa nhiều trên bệnh nhân suy thận vừa và nhẹ nhưng cũng không cho thấy có tác dụng phụ nào trên thận và không cần phải điều chỉnh liều. Nên theo dõi định kỳ chức năng thận.

Bệnh nhân suy gan:

  • Ở những bệnh nhân suy gan nhẹ hoặc vừa, liều dùng không được vượt quá 1 viên thuốc (telmisartan 40mg/ hydroclorothiazid 12,5mg) 1 lần/ ngày. Thuốc này không được chỉ định ở những bệnh nhân suy gan nặng. Thiazid nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan.

Bệnh nhân cao tuổi:

  • Không cần điều chỉnh liều.

3. Chống chỉ định của thuốc Cilzec Plus

Thuốc Cilzec Plus chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần của thuốc.
  • Tam cá nguyệt thứ 2 và 3 của thai kỳ, phụ nữ cho con bú.
  • Những rối loạn gây tắc nghẽn đường mật.
  • Suy gan nặng.
  • Bệnh gút, tăng acid uric huyết, chứng vô niệu, bệnh Addison, chứng tăng calci huyết, suy gan và thận nặng.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Cilzec Plus

Thận trọng khi dùng thuốc cho các đối tượng sau:

  • Ảnh hưởng của thuốc trên thai nhi/trẻ sơ sinh: Telmisartan tác động trực tiếp trên hệ thống renin angiotensin có thể gây tổn thương, thậm chí tử vong cho thai nhi. Trẻ sơ sinh có tiền sử phơi nhiễm với thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II trong tử cung nên được giám sát chặt chẽ các triệu chứng hạ huyết áp, thiểu niệu và tăng kali huyết. Thiazide xuyên qua màng nhau thai và có trong máu dây rốn. Do đó gây nguy cơ vàng da, giảm tiểu cầu ở thai nhi và trẻ sơ sinh.
  • Hạ huyết áp ở bệnh nhân giảm thể tích: Cần thận trọng khi bắt đầu điều trị tăng huyết áp ở những bệnh nhân mà hệ renin - angiotensin bị hoạt hóa, như bệnh nhân suy giảm natri hoặc thể tích nội mạch.
  • Suy gan: Cần thận trọng khi dùng thuốc lợi tiểu Thiazid trên bệnh nhân suy gan hoặc bị bệnh gan tiến triển.
  • Phản ứng quá mẫn: Có thể xảy ra phản ứng quá mẫn trên bệnh nhân có hoặc không có tiền sử dị ứng hay hen phế quản.
  • Lupus ban đỏ hệ thống: Thuốc lợi tiểu Thiazid có thể sẽ làm trầm trọng hơn hoặc kích hoạt bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
  • Chất điện giải trong huyết thanh: Vẫn chưa hề có báo cáo về trường hợp phải ngưng dùng thuốc do hạ kali huyết khi điều trị bằng Telmisartan kết hợp Hydrochlorothiazde. Cần theo dõi dấu hiệu lâm sàng cảnh báo tình trạng mất cân bằng nước và điện giải ở bệnh nhân điều trị bằng Thiazid. Tăng ure huyết có thể xảy ra hoặc bệnh gút xuất hiện trên một vài bệnh nhân dùng liệu pháp Thiazid.
  • Ở bệnh nhân tiểu đường, có thể cần phải điều chỉnh liều insulin hoặc thuốc hạ đường huyết đường uống. Tăng đường huyết có thể xảy ra khi dùng thuốc lợi tiểu Thiazid.
  • Tác dụng hạ huyết áp của thuốc có thể tăng lên khi dùng thuốc trên bệnh nhân sau phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm.
  • Nếu bị suy thận tiến triển, cần cân nhắc nên ngưng hoặc tiếp tục dùng thuốc lợi tiểu.
  • Suy chức năng gan: Vì phần lớn Telmisartan thải trừ qua mật, nên độ thanh thải thuốc sẽ giảm ở những bệnh nhân bị tắc nghẽn mật hoặc suy chức năng gan. Cần thận trọng khi dùng thuốc Cilzec Plus ở những bệnh nhân này.
  • Suy chức năng thận: Thuốc có tác dụng ức chế hệ thống renin - agiotensin - aldosterone nên có thể làm thay đổi chức năng thận ở những bệnh nhân nhạy cảm. Thận trọng khi dùng Thiazid trên bệnh nhân bị suy thận nặng. Ở bệnh nhân bị bệnh thận, Thiazid có thể gây tích tụ ure huyết và gây suy giảm chức năng thận.
  • Đồng ức chế hệ thống renin - agiotensin - aldosterone: Vì thuốc có tác dụng ức chế hệ thống renin - agiotensin - aldosterone, nên đã có báo cáo về những trường hợp làm thay đổi chức năng thận (kể cả suy thận cấp). Cần thận trọng và phải theo dõi chặt chẽ chức năng thận khi đồng ức chế hệ thống renin - agiotensin - aldosterone.
  • Sử dụng ở trẻ em: Độ an toàn và hiệu quả trên trẻ em chưa được thiết lập.
  • Ở người già: Nói chung, không có sự khác biệt về độ an toàn và hiệu quả của thuốc trên người già so sánh với người trẻ. Những báo cáo kinh nghiệm lâm sàng cho thấy có sự khác biệt về đáp ứng với thuốc giữa người già và người trẻ, tuy nhiên không nên loại trừ khả năng người lớn tuổi có thể nhạy cảm với thuốc hơn.
  • Chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe và vận hành máy móc. Tuy nhiên, khi lái xe và vận hành máy móc phải lưu ý rằng tình trạng chóng mặt hoặc ngủ lơ mơ có thể thỉnh thoảng xuất hiện khi đang sử dụng thuốc.
  • Do có nguy cơ gây ra tác dụng phụ cho trẻ, phải quyết định ngưng thuốc hoặc ngưng cho con bú tùy theo tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ.

5. Tác dụng phụ của thuốc Cilzec Plus

5.1. Tác dụng phụ của Telmisartan

Phản ứng có hại của thuốc (Adverse Drug Reaction - ADR) thường nhẹ và thoáng qua, hiếm khi phải ngừng sử dụng.

Ít gặp:

  • Toàn thân: Mệt mỏi, đau đầu, hạ huyết áp quá mức, chóng mặt và đặc biệt trên các bệnh nhân mất dịch (như bệnh nhân đang dùng liều cao thuốc lợi tiểu), phù chân tay, phù mạch, tiết nhiều mồ hôi và nhìn mờ.
  • Thần kinh trung ương: Tình trạng kích động, lo lắng và chóng mặt.
  • Tiêu hóa: Khô miệng, buồn nôn, đau bụng, trào ngược acid, khó tiêu, đầy hơi và chán ăn, tiêu chảy.
  • Tiết niệu: Giảm chức năng thận, tăng creatinin và urê huyết, nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Hô hấp: Viêm họng, viêm xoang, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, có các triệu chứng giống cúm (ho, sung huyết hoặc đau tai, sốt, xung huyết mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng).
  • Xương – khớp: Đau lưng, đau và co thắt cơ. Có các triệu chứng giống viêm gân.
  • Chuyển hóa: Tăng kali huyết.

Hiếm gặp:

  • Toàn thân: Phù mạch.
  • Mắt: Rối loạn thị giác.
  • Tim mạch: Nhịp tim nhanh, giảm huyết áp quá mức hoặc ngất (thường gặp ở người bị giảm thể tích máu hoặc giảm muối, điều trị bằng thuốc lợi tiểu, đặc biệt trong tư thế đứng).
  • Tiêu hóa: Chảy máu dạ dày – ruột.
  • Da: Ban da, mày đay, ngứa.
  • Gan: Tăng enzym gan.
  • Máu: Giảm hemoglobin, giảm bạch cầu trung tính.
  • Chuyển hóa: Tăng acid uric huyết, tăng cholesterol huyết.

5.2. Tác dụng phụ của Hydroclorothiazid

Thường gặp:

  • Toàn thân: Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.
  • Tuần hoàn: Hạ huyết áp thế đứng
  • Chuyển hóa: Giảm kali huyết, tăng acid uric huyết, tăng glucose huyết, tăng lipid huyết (ở liều cao).

Ít gặp:

  • Tuần hoàn: Hạ huyết áp tư thế, loạn nhịp tim.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, chán ăn, táo bón, tiêu chảy, co thắt ruột.
  • Da: Mày đay, phát ban, nhiễm cảm ánh sáng.
  • Chuyển hóa: Hạ magnesi huyết, hạ natri huyết, tăng calci huyết, kiềm hóa giảm clor huyết, hạ phosphat huyết.

Hiếm gặp:

  • Toàn thân: Phản ứng phản vệ, sốt.
  • Máu: Giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, thiếu máu bất sản, thiếu máu tan huyết.
  • Thần kinh: Dị cảm, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm.
  • Da: Viêm mạch, ban, xuất huyết, hồng ban đa dạng, viêm da, hoại tử thượng bì nhiễm độc, hội chứng Stevens- Johnson.
  • Gan: Viêm gan, vàng da ứ mật trong gan, viêm tụy.
  • Hô hấp: Khó thở, viêm phổi, phù phổi (phản ứng phản vệ), suy hô hấp.
  • Sinh dục, tiết niệu: Suy thận, viêm thận kẽ, liệt dương.
  • Mắt: Mờ mắt.

Phản ứng tăng acid uric huyết có thể khởi phát cơn bệnh gút tiềm tàng. Có thể xảy ra hạ huyết áp tư thế khi dùng đồng thời với rượu, thuốc gây mê và an thần.

Bài viết đã cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Cilzec Plus. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Cilzec Plus theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan