Công dụng thuốc Deltazime

Thuốc Deltazime được bào chế dưới dạng bột pha tiêm và dung dịch pha tiêm dùng tiêm bắp. Thuốc có thành phần chính là ceftazidime, được sử dụng trong điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn nặng chủ yếu gây ra bởi vi khuẩn gram âm.

1. Deltazime là thuốc gì?

Thuốc Deltazime 1g/3ml dạng hộp 1 lọ 1g và 1 ống dung môi pha tiêm 3ml. Cụ thể: 1 lọ bột có chứa 1,164g Ceftazidime pentahydrate (tương đương 1g Ceftazidime) cùng tá dược; 1 ống dung dịch có chứa 3ml nước cất pha tiêm.

Ceftazidime là kháng sinh nhóm beta-lactam (cephalosporin) thế hệ thứ 3. Ceftazidime là dẫn chất của acid cephalosporic với đặc tính là kháng sinh phổ rộng, kháng beta-lactamase rộng, có hoạt tính kháng khuẩn cao. Chúng có khả năng phá hủy thành tế bào vi khuẩn bằng cách ức chế tổng hợp mucoprotein ở thành tế bào.

Kết quả là Ceftazidime có tác dụng trên các vi khuẩn gram âm và gram dương phổ rộng, tế bào ưa khí và tế bào kỵ khí, chuỗi vi khuẩn kháng kháng sinh betalactam (bán tổng hợp cephalosporin và penicillin), kháng sinh aminoglycoside. Ceftazidime cũng có tính bền vững cao đối với sự thủy phân do lactamase, gây ra bởi vi khuẩn gram dương và vi khuẩn gram âm nên nó có tác dụng chống lại chuỗi vi khuẩn kháng lại cephalotyn và ampicillin.

Chỉ định sử dụng thuốc Deltazime:

  • Điều trị các nhiễm khuẩn nặng được xác định hoặc nghi ngờ khó điều trị, gây ra bởi vi khuẩn gram âm hoặc vi khuẩn hỗn hợp trong đó có mặt các vi khuẩn gram âm đã kháng hầu hết những loại kháng sinh thông thường. Đặc biệt là các nhiễm khuẩn trên ở bệnh nhân có thể trạng yếu, suy giảm miễn dịch;
  • Dự phòng trong phẫu thuật, làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng sau phẫu thuật.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Deltazime với người bệnh có tiền sử mẫn cảm với kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin và phụ nữ có thai, người mẹ đang cho con bú.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Deltazime

Cách dùng: Tiêm bắp sâu hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Người bệnh thường được tiêm vào góc phần tư trên của mông hoặc tiêm vào phần bên của bắp đùi.

Liều dùng: Tùy thuộc mức độ trầm trọng, độ nhạy cảm, loại nhiễm trùng, tuổi tác, cân nặng, chức năng thận của bệnh nhân, dùng dưới sự giám sát của bác sĩ. Cụ thể về liều tiêm bắp:

  • Người lớn: Dùng liều 1 - 3g/ngày, chia làm 2 - 3 lần. Trong điều trị viêm phổi đi kèm viêm phế quản mãn tính dùng liều 1 - 3g/ngày, chia làm 1 - 3 lần;
  • Trẻ em: Dùng liều 30 - 100mg/kg/ngày, chia làm 2 - 3 lần. Khi cần dùng liều cao hơn thì có thể dùng thuốc theo đường tiêm tĩnh mạch;
  • Bệnh nhân suy gan: Không cần thay đổi liều dùng thuốc;
  • Bệnh nhân suy thận: Điều chỉnh liều dùng dựa theo độ thanh thải creatinin.

Quá liều: Sử dụng Ceftazidime quá liều có thể dẫn đến các di chứng trên thần kinh trung ương bao gồm bệnh lý ở não bộ, co giật và hôn mê. Việc thẩm phân máu hoặc thẩm phân phúc mạc có thể làm giảm nồng độ của Ceftazidime trong máu.

3. Tác dụng phụ của thuốc Deltazime

Khi sử dụng thuốc Deltazime, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Phản ứng tại vị trí tiêm: Viêm tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch huyết khối do tiêm truyền tĩnh mạch, đau, viêm sau khi tiêm bắp;
  • Phản ứng mẫn cảm: Sốt, ngứa, phát ban, phù mạch và phản ứng quá mẫn (co thắt phế quản, hạ huyết áp), ban đỏ nhiều dạng, hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Stevens - Johnson;
  • Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, nhiễm nấm Candida miệng, viêm ruột kết, viêm ruột kết mạc giả do Clostridium Difficile;
  • Sinh dục - tiết niệu: Nhiễm nấm Candida, viêm âm đạo, vàng da;
  • Thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, khó chịu, dị cảm, di chứng thần kinh (bệnh lý não, hôn mê, máy cơ, giật rung cơ, loạn giữ tư thế) gặp ở bệnh nhân suy thận mà không điều chỉnh liều dùng Ceftazidime;
  • Kết quả xét nghiệm lâm sàng: Tăng bạch cầu ưa eosin, dương tính Coombs test, thiếu máu tán huyết, tăng tiểu cầu, tăng một hoặc nhiều loại men gan (AST, ALP, LDH, GGT, alkaline phosphatase), tăng thoáng qua nồng độ ure máu, BUN, creatinin huyết thanh, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu hạt, tăng tế bào lympho.

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc Deltazime để có biện pháp can thiệp xử trí thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Deltazime

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Deltazime gồm:

  • Trước khi tiến hành điều trị với Deltazime, người bệnh cần được kiểm tra cẩn thận về tiền sử quá mẫn với Ceftazidime, các cephalosporin, penicillin hoặc các thuốc khác. Nên thận trọng khi dùng Deltazime cho những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với các penicillin. Nếu xảy ra dị ứng, nên ngừng dùng thuốc, chuẩn bị các biện pháp cấp cứu thích hợp như thuốc kháng histamin, adrenalin, corticosteroid,...;
  • Người sử dụng thuốc Deltazime cần thận trọng với nguy cơ viêm ruột kết mạc giả, nên lưu ý tới triệu chứng tiêu chảy vì đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng này. Sử dụng kháng sinh Ceftazidime có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột, làm tăng trưởng quá mức Clostridium gây viêm ruột kết do kháng sinh. Sau khi xác định được viêm ruột kết giả mạc, nên tiến hành các biện pháp điều trị thích hợp. Với trường hợp nhẹ chỉ cần ngừng dùng thuốc. Với trường hợp bệnh nghiêm trọng, nên cung cấp dịch, protein, chất điện giải và tiến hành thử vi khuẩn. Trường hợp bệnh không thuyên giảm khi ngừng dùng thuốc, có thể uống Vancomycin;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Deltazime liều cao và các thuốc gây độc cho thận như các aminoglycosid hoặc các thuốc lợi tiểu như furosemid có thể gây ảnh hưởng tới chức năng thận;
  • Ceftazidime được thải trừ qua thận nên cần thận trọng khi dùng thuốc Deltazime ở bệnh nhân suy thận để tránh các biến chứng của việc gia tăng nồng độ kháng sinh trong máu như co giật hoặc di chứng thần kinh;
  • Sử dụng Deltazime kéo dài có thể làm tăng trưởng quá mức các vi sinh vật không nhạy cảm với thuốc như Candida và Enterococci. Nếu xảy ra hiện tượng này, nên áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp, thậm chí ngưng dùng thuốc nếu cần thiết. Nên tiến hành đánh giá lại tình trạng của bệnh nhân;
  • Một số chủng vi khuẩn Enterobacter spp và Serratia spp ban đầu nhạy cảm với thuốc Deltazime nhưng dần cần kháng thuốc trong quá trình điều trị. Khi điều trị các bệnh nhiễm khuẩn gây ra bởi các vi khuẩn này, cần định kỳ kiểm tra tính nhạy cảm của vi khuẩn;
  • Các nghiên cứu về sinh sản cho thấy chưa có bằng chứng ghi nhận Ceftazidime có thể gây giảm khả năng sinh sản hoặc gây độc cho thai nhi. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến nghị chỉ nên sử dụng thuốc này ở phụ nữ mang thai nếu thực sự cần thiết, được giám sát chặt chẽ bởi chuyên gia;
  • Ceftazidime được bài tiết trong sữa nên cần thận trọng khi dùng thuốc Deltazime ở phụ nữ đang cho con bú;
  • Thuốc Deltazime có thể gây đau đầu, dị cảm, chóng mặt, khó chịu nên cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Deltazime

Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc hoặc làm gia tăng tác dụng phụ bất lợi. Một số tương tác thuốc của Deltazime gồm:

  • Sử dụng đồng thời Ceftazidime (thành phần chính của thuốc Deltazime) liều cao và các thuốc gây độc cho thận có thể gây suy giảm chức năng thận;
  • Cloramphenicol có tác dụng đối kháng với Ceftazidime và các Cephalosporin khác. Sự liên quan trên lâm sàng của hiện tượng này chưa được xác định rõ nên cần thận trọng khi phối hợp 2 thuốc trên;
  • Sử dụng thuốc Deltazime có thể gây ảnh hưởng tới kết quả của một số xét nghiệm cận lâm sàng. Cụ thể, thuốc có thể gây kết quả dương tính giả trong thử nghiệm glucose nước tiểu bằng Clinitest dung dịch Fehling hoặc dung dịch Benedict. Tốt nhất nên thử glucose bằng phản ứng enzyme glucose oxidase.

Trong quá trình dùng thuốc Deltazime, người bệnh nên phối hợp với mọi chỉ định của bác sĩ điều trị. Việc này có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo hiệu quả trị bệnh tốt nhất và hạn chế đáng kể nguy cơ phát sinh các tác dụng phụ khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

50 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan