Công dụng thuốc Duphataxime

Thuốc Duphataxime là kháng sinh được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn nặng gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm bao gồm nhiễm khuẩn huyết, áp xe não, viêm màng trong tim, viêm màng não, bệnh lậu... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Duphataxime qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Duphataxime

Thuốc Duphataxime chứa hoạt chất là kháng sinh Cefotaxime 1g bào chế dưới dạng bột pha tiêm.

Hoạt chất Cefotaxime thuộc nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 phổ tác dụng rộng, cơ chế tác dụng là ức chế tổng hợp vách tế bào của vi khuẩn. So với các kháng sinh thuộc nhóm thế hệ 1 và 2, Cefotaxime tác dụng lên vi khuẩn Gram âm mạnh hơn và bền hơn đối với enzyme Beta – lactamase tiết ra bởi vi khuẩn. Tuy nhiên, tác dụng trên các vi khuẩn Gram dương lại yếu hơn so với kháng sinh thế hệ 1. Các vi khuẩn nhạy cảm với thuốc bao gồm E.coli, Enterobacter, salmonella, Serratia, P.mirbilis, các chủng staphylococcus, Haemophylus spp, Haemophylus influenza, Neisseria..

Thuốc Duphataxime được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn nặng, nguy kịch gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm với Cefotaxime như nhiễm khuẩn huyết, áp xe não, viêm màng trong tim, viêm màng não, bệnh lậu, viêm phổi, bệnh thương hàn, nhiễm khuẩn nặng trong ổ bụng, điều trị tập trung, dự phòng nhiễm khuẩn sau mổ tuyến tiền liệt kể cả mổ nội soi, mổ lấy thai.

2. Liều dùng của thuốc Duphataxime

Duphataxime công dụng điều trị nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm thuộc nhóm thuốc kê đơn, liều thuốc sử dụng được chỉ định bởi bác sĩ điều trị dựa vào tình trạng người bệnh.

Duphataxime được dùng bằng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm từ 3 – 5 phút, truyền tĩnh mạch chậm từ 20 - 60 phút. Thời gian điều trị bằng thuốc nên kéo dài thêm 3 – 4 ngày sau khi chắc chắn đã tiêu diệt hết vi khuẩn gây bệnh. Điều trị nhiễm khuẩn gây ra bởi liên cầu tan máu beta nhóm A cần thời gian ít nhất 10 ngày.

Dung dịch pha tiêm có thể sử dụng một trong các dung dịch sau: Dextrose 5%, Natri clorid 0,9%, Dextrose – Natri clorid, Ringer Lactase hoặc một dung dịch tiêm truyền khác có độ pH từ 5 – 7.

Một số khuyến cáo về liều thuốc Duphataxime như sau:

  • Đối với người trưởng thành: Liều thuốc khuyến cáo thường dùng là 2 – 6g/ngày chia làm 2 – 3 lần tiêm. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể tăng liều lên đến 12g/ngày chia làm 3 – 6 lần truyền tĩnh mạch. Trường hợp nhiễm trực khuẩn mủ xanh dùng liều trên 6g/ngày. Điều trị bệnh lậu dùng liều duy nhất 1g. Đối với dự phòng nhiễm khuẩn sau mổ tiêm 1g trước khi phẫu thuật 30 – 90 phút. Đối với mổ đẻ dùng liều tiêm tĩnh mạch 1g ngay sau khi kẹp cuống nhau thai người mẹ, sau đó 6 giờ và 12 giờ dùng tiếp 2 liều tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch;
  • Đối với trẻ em: Dùng liều tiêm 100 – 150mg/kg cân nặng/ngày (trẻ sơ sinh dùng liều 50mg/kg cân nặng/ngày) chia làm 2 – 4 lần tiêm. Trường hợp cần thiết tăng liều thuốc lên 200mg/kg/ngày (trẻ sơ sinh dùng liều 100 – 150mg/kg/ngày);
  • Đối với người bệnh suy thận nặng có độ thanh thải creatinin dưới 10ml/phút: Dùng liều tấn công ban đầu giảm 1⁄2 liều so với người bình thường và giữ nguyên số lần dùng thuốc, liều tối đa là 2g/ngày.

Người bệnh cần lưu ý liều dùng trình bày ở trên chỉ mang tính chất tham khảo, liều dùng cụ thể cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa trên tình trạng bệnh.

3. Tác dụng phụ của thuốc Duphataxime

Thuốc Duphataxime có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sau:

  • Thường gặp: Viêm tắc tĩnh mạch tại vị trí tiêm, tiêu chảy, đau sưng và phản ứng tại vị trí tiêm;
  • Tiêm bắp: Giảm bạch cầu, giảm bạch cầu ưa eosin, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, bội nhiễm do vi khuẩn kháng thuốc như Enterobacter spp., Pseudomonas Aeruginosa;
  • Hiếm gặp: Giảm tiểu cầu, sốc phản vệ, phản ứng mẫn cảm, thiếu máu, tan máu, tăng bilirubin, viêm đại tràng giả mạc, tăng enzyme của gan trong huyết tương.

Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ điều trị nếu gặp phải tác dụng phụ trong thời gian dùng thuốc Duphataxime.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Duphataxime

Chống chỉ định sử dụng thuốc Duphataxime ở người bệnh mẫn cảm với Cephalosporin, kháng sinh thuộc nhóm Beta – lactam.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Duphataxime như sau:

  • Người bệnh cần được kiểm tra kỹ về tiền sử dị ứng thuốc, đặc biệt là các kháng sinh nhóm Penicilin và Cephalosporin hoặc các thuốc khác;
  • Thận trọng khi điều trị bằng Cefotaxime ở người bệnh dị ứng với Penicilin;
  • Trường hợp dùng đồng thời với thuốc có khả năng gây độc cho thận như Aminoglycosid cần theo dõi chức năng thận;
  • Thuốc Duphataxime có thể gây dương tính giả với test Coombs, xét nghiệm về đường niệu và các chất khử mà không dùng phương pháp enzyme;
  • Đối với người lái xe, vận hành máy móc: Duphataxime không ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc;
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về tính an toàn khi sử dụng Cefotaxime ở phụ nữ đang mang thai. Vì vậy khuyến cáo không sử dụng thuốc trên các đối tượng này;
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Có thể sử dụng Cefotaxime ở phụ nữ đang cho con bú, tuy nhiên cần lưu ý nguy cơ tiêu chảy, nổi ban ở trẻ bú mẹ.

5. Tương tác thuốc Duphataxime

Thuốc Duphataxime có thể gây ra một số tương tác thuốc sau:

  • Nguy cơ tổn thương thận tăng lên khi dùng phối hợp Colistin và thuốc Duphataxime;
  • Sử dụng đồng thời Azlocilin và Cefotaxime làm tăng nguy cơ mắc bệnh về não và động kinh cục bộ ở người bệnh suy thận;
  • Sử dụng đồng thời Ureido – Penicilin với Cefotaxime sẽ làm giảm độ thanh thải của Cefotaxime;
  • Độc tính trên thận của Cyclospori tăng lên khi dùng đồng thời với Cefotaxime.

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Duphataxime, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Duphataxime.

16 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan