Công dụng thuốc Furostyl 40

Furostyl 40 thuộc nhóm thuốc lợi tiểu. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp điều trị tình trạng tích tụ quá mức lượng chất lỏng do các tình trạng bệnh lý gây nên. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Furostyl 40 sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Furostyl 40 là thuốc gì?

Furostyl 40 chứa thành phần chính Furosemid hàm lượng 40mg và các tá dược khác vừa đủ do nhà sản xuất cung cấp. Thuốc được bào chế ở dạng viên nén, cách thức đóng gói dạng hộp có 3 vỉ, mỗi vỉ có 10 viên hoặc dạng chai 500 viên hoặc 1000 viên.

Tác dụng lợi tiểu của hoạt chất Furosemid theo cơ chế dưới đây:

  • Phong tỏa cơ chế đồng vận chuyển ở nhánh lên của quai henle, tăng thải trừ Na+, Cl-, K+ kéo theo nước nên lợi niệu.
  • Tăng lưu lượng máu qua thận, tăng độ lọc ở cầu thận, giãn mạch thận, phân phối lại máu có lợi cho các vùng sâu ở vỏ thận và kháng ADH tại ống lượn xa.
  • Giúp làm giãn các tĩnh mạch, hạn chế tình trạng ứ máu ở tuần hoàn phổi, giảm áp lực tác động lên thất trái.
  • Tăng đào thải các ion Ca, Mg. Tác dụng này ngược lại với tác dụng của thuốc lợi tiểu Thiazid.

2. Furostyl 40 có công dụng gì?

Thuốc Furostyl 40 có chỉ định dùng trong trường hợp sau:

  • Hỗ trợ điều trị phù do nguyên nhân bệnh lý từ tim, gan, thận hoặc do các cơ quan khác trong cơ thể như phù phổi, phù não và nhiễm độc thai.
  • Hỗ trợ trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.
  • Người bệnh bị tăng Calci huyết.

Ngoài ra, thuốc Furostyl 40 chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Người bệnh dị ứng với hoạt chất Furosemid, các dẫn chất Sulfonamid (như Sulfamid chữa đái tháo đường) hoặc các thành phần tá dược khác có trong thuốc.
  • Người bệnh có tình trạng bệnh lý gây giảm chất điện giải, trạng thái tiền hôn mê do xơ gan, hôn mê gan, suy thận do ngộ độc các chất độc cho gan và thận.
  • Người bệnh đang trong tình trạng vô niệu.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Furostyl 40

3.1. Cách dùng

Thuốc Furostyl 40 được bào chế ở dạng viên nén, nên thuốc được dùng bằng uống. Có thể uống thuốc trước hoặc sau bữa ăn không làm giảm đi tác dụng của thuốc.

3.2. Liều dùng

Điều trị phù:

  • Người lớn: Dùng với liều khởi đầu là 40mg/ ngày. Điều chỉnh liều tùy vào đáp ứng của người bệnh. Trường hợp phù nhẹ có thể dùng với liều 20mg/ ngày hoặc 40mg cách ngày. Một số trường hợp có thể tăng liều lên đến 80mg/ ngày hoặc hơn, chia làm 1 - 2 lần/ ngày.
  • Trẻ em: Dùng với liều 1 - 3mg/ kg/ ngày, liều dùng tối đa là 40mg/ ngày.

Điều trị hỗ trợ trong tăng huyết áp:

  • Dùng với liều 40 - 80mg/ ngày, có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc hạ huyết áp khác.

Điều trị tăng canxi máu:

  • Dùng với liều 120mg/ ngày, có thể uống 1 lần hoặc chia làm 2 - 3 lần trong ngày.
  • Điều chỉnh liều ở người cao tuổi.

Lưu ý: Liều dùng trên chỉ là tài liệu tham khảo cho bác sĩ điều trị, tùy vào tình trạng bệnh cũng như cơ địa đáp ứng của người bệnh để điều chỉnh liều phù hợp, nhằm tăng hiệu quả điều trị cũng như đảm bảo an toàn cho người bệnh khi dùng thuốc. Vì vậy, người bệnh nên tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

4. Tác dụng phụ của Furostyl 40

Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà Furostyl 40 đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp. Tuy nhiên, do mỗi cơ địa đáp ứng điều trị với thuốc của người bệnh là khác nhau, nên có thể gây ra những tác dụng phụ và mức độ khác nhau. Một số tác dụng phụ đã được báo cáo trên các đối tượng dùng thuốc Furostyl 40 như sau:

  • Mất cân bằng nước và điện giải, khô miệng, khát nước, yếu sức, ngủ lịm, chóng mặt, bồn chồn, đau hoặc co rút cơ, mệt mỏi cơ, hạ huyết áp, nước tiểu ít, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chướng bụng, ăn không ngon miệng.
  • Ù tai, chảy máu bất thường hoặc bầm tím da, mất tính giác, phát ban nặng kèm lột da, khó thở hoặc khó nuốt, giảm cân nhanh và quá mức.
  • Thiểu niệu, suy giảm chức năng thận, tăng acid uric máu không triệu chứng.

Lưu ý: Ngoài những tác dụng phụ kể trên, thuốc Furostyl 40 có thể gây ra cho người bệnh những tác dụng không mong muốn khác chưa được ghi nhận. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ có liên quan đến thuốc này thì hãy thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.

5. Tương tác thuốc Furostyl 40

Một số thuốc xảy ra tương tác với Furostyl 40 khi dùng kết hợp như sau:

  • Thuốc giãn cơ không khử cực làm tăng tác dụng giãn cơ.
  • Thuốc chống viêm không steroid làm giảm tác dụng lợi tiểu.
  • Thuốc Corticosteroid làm tăng đào thải kali.
  • Thuốc có chứa dẫn xuất aminoglycosid làm tăng độc tính cho thận và tai.
  • Thuốc có chứa Glycosid tim làm tăng độc tính do hạ kali máu, cần theo dõi kali huyết và điện tim đồ.
  • Các thuốc điều trị đái tháo đường có nguy cơ gây tăng glucose huyết, cần theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh liều thích hợp theo đáp ứng của người bệnh.
  • Thuốc chống đông làm tăng tác dụng chống đông.
  • Các thuốc điều trị hạ huyết áp làm tăng tác dụng hạ huyết áp, khi cần thiết phải phối hợp với thuốc Furostyl 40 cần điều chỉnh liều dùng hàng ngày.
  • Đặc biệt khi phối hợp với các thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin, huyết áp có thể giảm nặng.
  • Thuốc cephalothin, cephaloridin làm tăng độc tính trên thận.
  • Thuốc Cisplatin làm tăng độc tính trên tai.

Ngoài ra, có những tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng phối hợp giữa Furostyl 40 với các thuốc khác hoặc các thực phẩm khác. Liệt kê các thuốc đang sử dụng cho bác sĩ biết để có hướng chẩn đoán phù hợp.

6. Các lưu ý khi dùng thuốc Furostyl 40

Nhằm hạn chế các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra cho người bệnh khi dùng thuốc, cần lưu ý một số điểm như sau:

  • Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng chỉ dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ điều trị đã kê đơn, không tự ý ngưng, bỏ thuốc nửa chừng khi thấy các triệu chứng thuyên giảm.
  • Khi phát hiện các triệu chứng như co cứng cơ, chuột rút, yếu cơ, mệt mỏi, khát nước nhiều, bất an, mạch nhanh phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, đó là các triệu chứng của giảm kali do dùng thuốc lợi tiểu.
  • Khi dùng thuốc Furostyl 40 thường có tác dụng thải natri đồng thời làm giảm nồng độ kali trong máu. Trong khi đó kali đóng vai trò quan trọng trong quá trình co bóp tim và duy trì thể trạng tốt. Vì vậy, khi điều trị với thuốc này, người bệnh nên ăn nhiều chuối, uống nhiều nước cam để bổ sung kali.
  • Thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh đang trong tình trạng bệnh lý xơ gan cổ trướng, hôn mê gan.
  • Không nên dùng cho người cho phụ nữ mang thai và cho con bú: Không dùng thuốc Furostyl 40 cho đối tượng này khi chưa có đầy đủ các bằng chứng không gây hại. Cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cho thai nhi và trẻ bú mẹ khi dùng thuốc Furostyl 40.
  • Thuốc đã quá hạn dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất trên bao bì thì người bệnh không nên dùng thuốc đó, nguy cơ gây ra các tác dụng không mong muốn khá cao khi các thành phần của thuốc đã bị biến chất.

7. Làm gì khi quên liều, quá liều thuốc Furostyl 40?

  • Nếu lỡ quên một liều dùng thuốc Furostyl 40, hãy dùng càng sớm càng tốt. Người bệnh cũng có thể dùng thuốc trễ hơn 1 - 2 giờ so với thời gian được bác sĩ kê đơn. Nếu đã đến gần thời điểm uống liều tiếp theo thì nên bỏ qua liều đã quên trước đó, không uống bù gấp đôi liều đã bỏ lỡ.
  • Trường hợp người bệnh dùng thuốc quá liều và xuất hiện các dấu hiệu nhiễm độc Furosemid như mất nước, giảm thể tích máu, mất cân bằng điện giải, hạ kali máu, nhiễm kiềm, giảm Clo, chóng mặt, tim đập nhanh và hạ huyết áp. Khi phát hiện quá liều nên thông báo ngay cho bác sĩ điều trị, ngưng dùng thuốc ngay sau đó, đưa người bệnh đến ngay bệnh viện để được can thiệp điều trị kịp thời.

Hy vọng những thông tin của bài viết trên đây đã giúp người bệnh trang bị những kiến thức cần thiết về thuốc Furostyl 40 để tăng hiệu quả điều trị cũng như đảm bảo an toàn khi dùng thuốc. Lưu ý, Furostyl 40 là thuốc được kê đơn của bác sĩ, người bệnh chỉ được dùng thuốc khi đã được bác sĩ điều trị thăm khám và có chẩn đoán phù hợp.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

266 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan