Công dụng thuốc Glotaren 20

Glotaren 20 thuộc danh mục thuốc kê đơn. Để đảm bảo an toàn khi dùng bạn nên biết thuốc Glotaren 20 có tác dụng gì? Cách dùng, liều dùng cũng như cảnh báo an toàn... Cùng tìm hiểu rõ hơn các thông tin về thuốc Glotaren 20 trong bài sau đây.

1. Glotaren 20 là thuốc gì?

Glotaren 20 là viên nén kê đơn trong các trường hợp mắc bệnh tim, tai – mũi – họng. Thuốc được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm GLOMED - VIỆT NAM, số đăng ký VD-22852-15.

Thành phần chính của thuốc Glotaren 20 gồm Trimetazidin hydroclorid hàm lượng 20 mg cùng các tá dược khác gồm:

  • Tinh bột ngô;
  • Povidon;
  • Talc;
  • Opadry II red.

Hộp thuốc Glotaren 20 hình chữ nhật màu trắng, chữ đỏ, mỗi hộp có 2 vỉ x 10 viên/ vỉ dạng viên nén bao phim.

2. Thuốc Glotaren 20 có tác dụng gì?

Thuốc Glotaren 20 có chứa thành phần chính là Trimetazidin hàm lượng 20mg. Trimetazidin là một hoạt chất ức chế quá trình beta oxy hóa các axit béo bằng cách ức chế enzyme 3 – ketoacyl – CoA thiolase chuỗi dài – enzyme làm tăng quá trình oxy hoá đường.

Ở tế bào thiếu máu cục bộ, năng lượng thu được trong quá trình oxy hoá đường sẽ cần tiêu thụ oxy ít hơn so với quá trình beta oxy hóa. Việc thúc đẩy oxy hoá đường sẽ giúp tối ưu hoá các quá trình năng lượng tế bào, duy trì chuyển hoá năng lượng khi thiếu máu.

Ở những trường hợp bị thiếu máu cục bộ, Trimetazidin có trong Glotaren 20 có tác động như một chất chuyển hoá. Nó giúp bảo tồn nồng độ phosphat năng lượng cao trong tế bào cơ tim. Ngoài ra, Trimetazidin trong thuốc Glotaren 20 có tác dụng chống thiếu máu cục bộ nhưng không ảnh hưởng đến huyết động.

Glotaren 20 hấp thu nhanh và đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương trong vòng khoảng 2h và thải trừ qua nước tiểu dưới dạng không biến đổi.

3. Chỉ định dùng thuốc Glotaren 20

Thuốc Glotaren 20 được chỉ định như một liệu pháp giúp bổ sung/ hỗ trợ trị liệu hiện tại ở các đối tượng là người lớn bị đau thắt ngực không được kiểm soát đầy đủ hoặc bệnh nhân không dung nạp với các liệu pháp điều trị đau thắt ngực khác.

4. Liều dùng, cách sử dụng Glotaren 20

Glotaren 20 dùng bằng cách uống cả viên với nước, mỗi lần dùng 1 viên x 3 lần/ ngày vào các bữa ăn chính. Ngoài ra, có một số cảnh báo của nhà sản xuất về liều dùng thuốc Glotaren 20 như:

  • Bệnh nhân suy thận: Liều dùng Glotaren 20 được khuyến cáo là 1 viên/ lần x 2 lần/ ngày sáng/ tối trong bữa ăn. Ngoài ra có thể điều chỉnh liều tuỳ theo mức độ thanh thải creatinin.
  • Bệnh nhân cao tuổi: Nhóm đối tượng này Glotaren 20 liều dùng khuyến cáo là 1 viên/ lần x 2 lần/ ngày chia sáng/ tối. Ngoài ra, khi dùng cũng cần đánh giá tình trạng thận, độ nhạy cảm với trimetazidin trước khi chỉ định.
  • Trẻ em: Dùng Glotaren 20 cho trẻ em dưới 18 tuổi chưa được chỉ định, do đó, không dùng cho nhóm đối tượng này.

5. Chống chỉ định thuốc Glotaren 20

Glotaren 20 không dùng cho nhóm đối tượng sau:

  • Dị ứng hoặc quá mẫn với bất cứ thành phần, tá dược nào có trong Glotaren 20;
  • Bệnh nhân Parkinson;
  • Hội chứng chân không nghỉ;
  • Suy thận cấp độ nặng.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn cần dùng thuốc Glotaren 20 dưới sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

6. Cảnh báo và thận trọng khi dùng Glotaren 20

Trimetazidin trong Glotaren 20 có thể gây ra hoặc làm nặng hơn các triệu chứng Parkinson. Trong các trường hợp nghi ngờ, nên đưa bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được kiểm tra thích hợp.

Khi gặp phải rối loạn vận động như các triệu chứng Parkinson, hội chứng chân bứt rứt, run, dáng đi không vững thì nên dừng thuốc. Mặc dù đây là các biểu hiện ít gặp và có thể phục hồi khi bạn dừng uống thuốc khoảng 4 tháng, nhưng vẫn nên thận trọng.

Nếu các triệu chứng Parkinson tiếp tục xảy ra quá 4 tháng sau khi ngừng thuốc Glotaren 20, cần tham vấn các bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

Ngoài ra, theo cảnh báo của nhà sản xuất, cần thận trọng khi kê đơn Glotaren 20 cho đối tượng có mức độ nhạy cảm cao như suy thận, người cao tuổi.

Phụ nữ có thai và cho con bú, người vận hành máy móc hay lái xe dùng Glotaren 20 cần thận trọng lưu ý như sau:

Không dùng cho phụ nữ có thai ở 3 tháng đầu vì có thể gây độc cho trẻ, quái thai. Nếu có sử dụng Glotaren 20 trước đó, cần thông báo cho bác sĩ để có các biện pháp tầm soát cụ thể.

Chưa có thông tin cần thiết về việc Trimetazidin có bài tiết qua sữa mẹ hay không, tuy nhiên khi dùng cũng phải có sự chỉ định, hướng dẫn từ bác sĩ.

Trimetazidin có trong thuốc Glotaren có thể ảnh hưởng lên khả năng điều khiển tàu xe và vận hành máy móc vì nó gây chóng mặt, lơ mơ.

7. Tương tác của Glotaren 20

Chưa có báo cáo cụ thể về tương tác của Glotaren 20, tuy nhiên khi dùng chung với các thuốc khác cũng cần thận trọng, thông báo cho bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.

8. Tác dụng phụ của thuốc Glotaren 20

Thuốc Glotaren 20 có thể gây ra các tác dụng phụ gồm:

  • Chóng mặt;
  • Đau đầu;
  • Rối loạn giấc ngủ;
  • Hồi hộp/ tim đập nhanh;
  • Hạ huyết áp;
  • Đau bụng;
  • Mẩn ngứa/ mề đay;
  • Suy nhược;
  • Viêm gan;
  • Mất bạch cầu hạt.

Thông báo ngay cho bác sĩ/ dược sĩ khi có các tác dụng phụ liên quan đến rối loạn vận động như triệu chứng parkinson, dáng đi không vững...

Tóm lại, Glotaren 20 là thuốc được kê đơn theo chỉ dẫn của bác sĩ/ dược sĩ trong các trường hợp chỉ định. Thuốc có thể gây tác dụng phụ khác phức tạp, cần theo dõi khi dùng để đảm bảo an toàn. Bảo quản thuốc trong nhiệt độ phòng, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ và vật nuôi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

64 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan