Công dụng thuốc Indacaterol

Indacaterol là thuốc thuộc nhóm chất chủ vận thụ thể beta- 2- adrenergic được bào chế nhằm điều trị tình trạng tắc nghẽn đường thở ở bệnh nhân tắc nghẽn phổi mạn tính. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ diễn biến bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.

1. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Indacaterol

Thuốc Indacaterol được chỉ định giúp làm giãn phế quản đối với bệnh nhân tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD) khi rơi vào trạng thái khó thở.

Indacaterol chống chỉ định đối với bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với bất kỳ hoạt chất hoặc thành phần nào trong thuốc.

2. Cách sử dụng thuốc Indacaterol

Thuốc được sử dụng bằng đường hít nhờ vào dụng cụ đính kèm theo. Nên dùng thuốc vào một thời điểm nhất định mỗi ngày.

Người lớn được khuyến cáo sử dụng liều hít là một viên nang 150 mcg 1 lần/ngày thông qua dụng cụ hít. Đối với bệnh nhân mắc COPD nặng, có thể sử dụng liều Indacaterol 300mcg/ngày. Liều lượng chỉ được tăng giảm tùy theo chỉ định của bác sĩ sao cho phù hợp với tình trạng bệnh.

3. Một số lưu ý khi sử dụng Indacaterol

Một số phản ứng có thể gặp sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản Indacaterol gồm:

  • Phản ứng quá mẫn: Sau khi sử dụng thuốc tức thì có một số phản ứng phụ được ghi nhận như khó thở, nổi mề đay, khó nuốt, phát ban trên da, sưng lưỡi, môi và mặt. Nếu xuất hiện những biểu hiện trên thì cần ngưng thuốc ngay và báo cáo với bác sĩ để tiến hành liệu pháp thay thế.
  • Co thắt phế quản nghịch thường: Người bệnh sau khi sử dụng Indacaterol có thể xuất hiện hiện tượng co thắt phế quản nghịch thường và nếu không được xử trí thì có thể đe dọa tính mạng. Nếu xảy ra tình trạng trên thì cần ngưng thuốc ngay lập tức và sử dụng liệu pháp điều trị thay thế khác. Thuốc không được chỉ định trong điều trị COPD cấp tính. Nếu bệnh nhân COPD có diễn biến nặng hơn khi điều trị với Indacaterol thì cần tiến hành đánh giá lại phác đồ điều trị COPD. Việc tăng liều hàng ngày trên 300 microgam là không thích hợp.
  • Hen phế quản: Indacaterol không được sử dụng cho bệnh nhân mắc hen phế quản vì đây là thuốc thuộc nhóm chủ vận beta 2 -adrenergic nên có thể làm tăng nguy có hen kèm theo biến cố bất lợi nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
  • Tác động trên hệ tim mạch: Cần thận trọng khi sử dụng Indacaterol cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, loạn nhịp tim. Ngoài ra, những bệnh nhân rối loạn co giật, nhiễm độc giáp hoặc đáp ứng bất thường với thuốc chủ vận beta 2 -adrenergic cũng cần lưu ý khi sử dụng thuốc này.
  • Hạ kali máu: Một số bệnh nhân sẽ gặp phải phản ứng này khi sử dụng thuốc chủ vận beta 2 -adrenergic và có khả năng gây ra các tác dụng phụ lên tim mạch. Việc giảm kali máu này thường xảy ra thoáng chốc và không cần phải bổ sung. Tình trạng hạ kali máu có thể gia tăng ở những bệnh nhân mắc COPD nặng do thiếu hụt oxy và các liệu pháp điều trị đồng thời.
  • Tăng đường huyết: Khi sử dụng liều cao chất chủ vận beta 2 -adrenergic có thể làm tăng nồng độ glucose trong máu. Do đó khi bắt đầu điều trị cần theo dõi lượng glucose huyết ở những bệnh nhân đái tháo đường.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai: Cho đến nay chưa có những nghiên cứu hiệu quả và tính an toàn về việc sử dụng Indacaterol ở phụ nữ mang thai. Giống như các thuốc thuộc nhóm chất chủ vận beta 2 -adrenergic khác, Indacaterol có thể làm giãn cơ trơn tử cung gây ức chế quá trình chuyển dạ. Do đó, chỉ nên sử dụng Indacaterol cho phụ nữ mang thai nếu lợi ích nhiều hơn các nguy cơ có thể xảy ra.
  • Vận hành máy móc hoặc lái xe: Indacaterol không gây ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến việc vận hành máy móc và khả năng lái xe.

4. Tương tác giữa Indacaterol với các thuốc khác

Khi sử dụng Indacaterol cùng với thuốc chẹn beta-adrenergic có thể gây ra tác dụng đối kháng hoặc làm suy yếu lẫn nhau.

Ngoài ra, việc dùng đồng thời cùng với nhóm thuốc cường giao cảm có thể làm tăng phản ứng bất lợi của Indacaterol.

Các phản ứng tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả hoặc tăng các phản ứng nghiêm trọng đối với cơ thể. Do đó, cần trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc mà mình đang sử dụng để được hướng dẫn cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan