Công dụng thuốc Kukjetrona

Kukjetrona là thuốc thường được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn liên quan đến đường tiết niệu, hệ tuần hoàn và đường máu. Bên cạnh đó, thuốc cũng được sử dụng trong điều trị các bệnh lý liên quan đến da, xương, mô mềm... nguyên nhân do vi khuẩn nhạy cảm gây ra.

1. Sử dụng thuốc Kukjetrona có tác dụng gì?

Thuốc Kukjetrona có chứa thành phần chính là hoạt chất Tobramycin. Hoạt chất này được biết đến với khả năng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng đe dọa tính mạng, đặc biệt là nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Gram âm. Tuy nhiên, khi sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng, Tobramycin thường được dùng để phối hợp với 1 kháng sinh nhóm Beta - lactam.

2. Chỉ định và chống chỉ định

Với tác dụng trên, thuốc Kukjetrona được chỉ định sử dụng trong những trường hợp bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, hệ tuần hoàn và máu (bệnh nhân bị nhiễm trùng máu), xương, da cùng các mô mềm. Ngoài ra, người mắc các bệnh liên quan đến bộ máy tiêu hóa, hệ thần kinh trung ương (viêm màng não) và đường hô hấp dưới, gây bởi các vi khuẩn nhạy cảm cũng có thể sử dụng thuốc.

Trước khi lựa chọn sử dụng thuốc Kukjetrona, người bệnh cần nhớ thuốc chống chỉ định với những trường hợp sau:

  • Người mẫn cảm hoặc dị ứng Tobramycin hoặc các loại thuốc kháng sinh tương tự (Gồm có Gentamicin, Amikacin, Neomycin, Kanamycin, Paromomycin và Streptomycin) không nên dùng thuốc.
  • Chống chỉ định cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú và trẻ em dưới 6 tuổi.

3. Liều dùng và cách dùng

Dưới đây là liều dùng thuốc Kukjetrona theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Tuy nhiên, thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho chỉ định của chuyên gia y tế. Do đó, bệnh nhân cần xin ý kiến của người có chuyên môn trước khi dùng thuốc điều trị.

Ngoài ra, liều sử dụng thuốc Kukjetrona có thể thay đổi để đảm bảo phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ nhiễm trùng của bệnh. Dù vậy, bệnh nhân hãy lưu ý không được tự ý thay đổi liều dùng thuốc khi chưa được sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.

Do thuốc Kukjetrona có thể được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp. Thế nên các người bệnh hãy tham khảo cả 2 cách dùng này như sau:

3.1. Sử dụng thuốc Kukjetrona qua đường tiêm IM

Khi dùng thuốc qua đường tiêm, tùy thuộc vào bệnh nhân là người lớn hay trẻ em mà liều dùng tham khảo ở mức như sau:

  • Người lớn: Trong trường hợp người bệnh có chức năng thận bình thường, liều khuyến cáo của thuốc là 1mg/ kg mỗi 8 giờ. Thời gian điều trị bằng thuốc trung bình là từ 7-10 ngày. Những trường hợp nhiễm trùng nặng có thể tăng liều đến 5mg/ kg/ ngày. Tuy nhiên nên được giảm xuống còn 3mg/ kg/ ngày càng sớm càng tốt.
  • Trẻ em: Sử dụng với liều tham khảo 3-5mg/ kg/ ngày, chia làm các liều bằng nhau mỗi 8-12 giờ.
  • Trẻ sơ sinh: Sử dụng với liều tham khảo 2mg/ kg mỗi 12 giờ khi trẻ cân nặng từ 1,5 đến 2,5 kg.

3.1. Sử dụng thuốc để truyền IV

Sử dụng thuốc để truyền tĩnh mạch chỉ được chỉ định trong trường hợp không thể dùng đường tiêm bắp. Nồng độ Kukjetrona sau khi pha không vượt quá 1mg/ml (0,1%) và thời gian truyền kéo dài từ 1-2 giờ. Liều khi dùng đường IV được khuyến cáo tương tự như đối với đường tiêm IM. Riêng bệnh nhân bị suy thận, nên chỉnh liều Kukjetrona tùy theo mức độ suy thận.

Ngoài ra khi dùng thuốc, cần lưu ý rằng Kukjetrona tương hợp với đa số các dịch truyền đường tĩnh mạch thông dụng hiện nay nhưng lại không tương hợp với dung dịch heparin và có thể xảy ra tương tác hóa học với b-lactam. Kukjetrona cũng tương kỵ với các dịch truyền có chứa alcohol, sargramostim và clindamycin phosphate khi sử dụng để pha loãng trong dung dịch glucose để tiêm. Khi dùng cần đảm bảo không hòa lẫn với các thuốc khác trong cùng một bơm tiêm hay cùng một đường truyền tĩnh mạch.

4. Tác dụng phụ

Trong quá trình dùng thuốc Kukjetrona, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:

  • Tác dụng phụ phổ biến: Chảy máu mũi, sốt, chảy nước mũi, khó thở, nghẹt mũi và giọng nói thay đổi.
  • Tác dụng phụ ít gặp: Đau ngực, ớn lạnh, ù tai, đi ngoài phân đen, viêm họng và đi tiểu khó khăn. Một số trường hợp bị lở loét hoặc xuất hiện các đốm trắng trên môi, miệng, chảy máu bất thường, bầm tím không rõ nguyên nhân, mệt mỏi và yếu cơ.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Ho, tim đập nhanh, khàn tiếng và đỏ da. Đôi khi người bệnh có cảm giác đau hoặc sưng các khớp, đau miệng hoặc cổ họng, sưng bí mặt, mắt, môi, tay, chân và khó nuốt.

Về cơ bản, không phải ai cũng gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc Kukjetrona để điều trị bệnh. Tuy nhiên, nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện những tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ điều trị để có hướng khắc phục kịp thời.

5. Tương tác thuốc

Kukjetrona có thể tương tác với những loại thuốc như: Advair Diskus, Albuterol, Azithromycin, Atrovent, Benadryl, Creon, Dexamethasone, Flonase, Lasix, Vitamin D3, Zofran, Xopenex, Zyrtec và Keppra...

Ngoài ra, Kukjetrona cũng có khả năng tương thích với một số loại thuốc khác làm giảm hiệu quả trị bệnh hoặc dễ gây ra các tác dụng phụ. Do đó, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên thông báo với bác sĩ về những loại thuốc hiện đang sử dụng (bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, vitamin hoặc thảo dược...). Trong trường hợp tương tác thuốc, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách điều chỉnh phù hợp.

6. Thận trọng khi dùng Kukjetrona

  • Người bệnh cần thận trọng khi dùng thuốc nếu đang mắc một trong các vấn đề liên quan đến thính giác, hô hấp (tức ngực, ho, thở khò khè), mắc các bệnh về thần kinh như Parkinson và bệnh thận.
  • Ngoài ra, do Kukjetrona có thể gây tổn thương thính giác cho thai nhi nếu thai phụ dùng thuốc trên trong thai kỳ. Bởi vậy thuốc chống chỉ định tuyệt đối cho đối tượng phụ nữ đang mang thai.
  • Với đối tượng đang cho con bú, nên thận trọng khi dùng thuốc do có thể gây phát ban do nấm hoặc đi ngoài ra máu ở trẻ em.
  • Nếu lỡ dùng thuốc Kukjetrona quá liều, người bệnh sẽ gặp một số vấn đề như chóng mặt, buồn ngủ, thở không đều và da xanh tái... Người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế khi xuất hiện những dấu hiệu trên để được hỗ trợ kịp thời.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Kukjetrona, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Kukjetrona là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

30 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan