Công dụng thuốc Litapyl 160

Litapyl 160 thuộc nhóm thuốc tim mạch, thường dùng trong điều trị tăng Cholesterol máu hoặc tăng lipoprotein máu thứ phát.

1. Litapyl 160 là thuốc gì?

Thuốc Litapyl 160 được sản xuất bởi Công ty cổ phần SPM – Việt Nam và lưu hành trên thị trường với số đăng ký là VD – 29996 – 18. Litapyl 160 là một thuốc kê đơn được xếp vào nhóm thuốc tim mạch, thành phần hoạt chất chính của thuốc là Fenofibrat.

Dạng bào chế: Viên nén, mỗi viên chứa 160mg Fenofibrat và các tá dược khác của nhà sản xuất.

Quy cách đóng gói: Mỗi vỉ 10 viên, hộp 3 vỉ hoặc 10 vỉ và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

2. Thuốc Litapyl 160 chữa bệnh gì?

Dược lực học:

  • Fenofibrat là thuốc làm giảm Cholesterol máu và giảm Triglyceride máu thuộc nhóm Fibrate. Fenofibrat có thể làm giảm 20 – 25% Cholesterol và 40 – 50% Triglyceride máu.
  • Cơ chế làm giảm Cholesterol máu của Fenofibrat là giảm các thành phần gây xơ vữa động mạch tỉ trọng thấp (VLDL-Cholesterol và LDL-Cholesterol). Fenofibrat cải thiện sự phân bố Cholesterol trong máu bằng cách giảm tỉ lệ Cholesterol toàn phần / HDL-Cholesterol, tỉ lệ này thường tăng trong các bệnh tăng lipid máu gây xơ vữa động mạch.

Dược động học:

  • Hấp thu: Nồng độ Fenofibrat đạt đỉnh trong huyết tương sau 4 – 5 giờ uống thuốc. Nồng độ thuốc ổn định trong suốt quá trình điều trị ở bất cứ bệnh nhân nào. Tỉ lệ hấp thu của Fenofibrat tăng lên khi dùng với thức ăn.
  • Phân bố: Fenofibrat liên kết mạch với protein huyết tương, tỉ lệ liên kết là hơn 99%.
  • Chuyển hóa và thải trừ: Fenofibrat dạng không chuyển hóa có thể tìm thấy trong huyết tương cùng với chất chuyển hóa chính là acid Fenofibrat. Fenofibrat được bài tiết chủ yếu qua thận.

3. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Litapyl 160

Thuốc Litapyl 160 thường được chỉ định để hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng và điều trị không dùng thuốc (giảm cân, vận động) như sau:

  • Tăng triglycerid máu nặng có hoặc không có HDL-Cholesterol thấp.
  • Tăng lipid máu hỗn hợp không dụng nạp hoặc chống chỉ định với Statin.
  • Tăng lipid máu hỗn hợp ở bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao phối hợp với Statin khi triglycerid và HDL-Cholesterol không được kiểm soát đủ.

Chống chỉ định:

Tuyệt đối không sử dụng Litapyl 160 trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của Litapyl 160.
  • Suy gan.
  • Suy thận nặng với độ lọc cầu thận < 30mg / phút / 1,73m2.
  • Trẻ em.
  • Bệnh túi mật.
  • Viêm tụy cấp hoặc mãn có loại trừ viêm tụy cấp do tăng triglycerid nặng.
  • Phụ nữ có thai.
  • Phụ nữ cho con bú.
  • Có phản ứng dị ứng với ánh sáng khi điều trị với các fibrates hoặc với ketoprofen (kháng viêm không steroid).

4. Liều lượng và cách dùng thuốc Litapyl 160

Litapyl 160 là thuốc kê đơn, vì vậy người bệnh chỉ được dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ theo liệu trình điều trị. Không nên tự ý thay đổi liều lượng, đường dùng của thuốc Litapyl 160 hoặc ngừng thuốc. Đồng thời, không nên sử dụng chung thuốc Litapyl 160 với người khác hoặc đưa thuốc này cho người khác sử dụng ngay cả khi họ có cùng chẩn đoán.

Liều lượng:

  • Người lớn: 1 viên/ lần/ ngày (tính theo viên 160mg), uống trong bữa ăn chính.
  • Người trên 65 tuổi: Không cần điều chỉnh liều trừ trường hợp suy chức năng thận với độ lọc cầu thận < 60ml/ phút/ 1.73m2.
  • Bệnh nhân suy thận: Không dùng Litapyl 160 nếu suy thận nặng (độ lọc cầu thận < 30ml/ phút /1.73m2). Nếu độ lọc cầu thận từ 30 – 59ml/ phút/1.73m2 thì liều dùng không nên vượt quá dạng tiêu chuẩn 160mg hoặc 67g dạng vi hạt mỗi lần một ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu độ lọc cầu thận liên tục giảm xuống < 30ml/ phút/1.73m2 thì nên ngưng thuốc.
  • Bệnh gan: Việc dùng thuốc Litapyl 160 ở bệnh nhân mắc bệnh gan chưa được nghiên cứu.
  • Trẻ em: Độ an toàn và hiệu quả của thuốc Litapyl 160 ở trẻ dưới 18 tuổi chưa được nghiên cứu, vì thế không khuyến cáo sử dụng.

Cách dùng:

  • Thuốc Litapyl 160 được bào chế dưới dạng viên nén và dùng theo đường uống. Bệnh nhân nên uống nguyên viên thuốc trong bữa ăn chính.
  • Những bệnh nhân đã ăn kiêng trước khi điều trị nên tiếp tục ăn kiêng khi đi điều trị.
  • Nếu sau vài tháng dùng Litapyl 160 mà nồng độ lipid máu chưa giảm về mức phù hợp thì cần cân nhắc các biện pháp điều trị bổ sung hoặc các biện pháp điều trị khác.

Xử trí khi quên liều thuốc Litapyl 160:

  • Thuốc Litapyl 160 được uống một lần trong ngày vào bữa ăn chính. Nếu quên liều, không tăng liều uống vào ngày kế tiếp.

Xử trí khi quá liều thuốc Litapyl 160:

  • Chưa có trường hợp quá liều thuốc được báo cáo. Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc Litapyl 160. Khi nghi ngờ quá liều, cần đưa bệnh nhân đến trung tâm cấp cứu để được xử trí. Điều trị triệu chứng và dùng các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho bệnh nhân, Litapyl 160 không thể loại trừ khỏi cơ thể bằng thẩm phân máu.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Litapyl 160

Ngoài tác dụng điều trị, thuốc Litapyl 160 có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khác trong quá trình sử dụng như:

  • Thường gặp: Rối loạn tiêu hóa, dạ dày, ruột (tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn) và tăng nồng độ transaminase huyết thanh.
  • Ít gặp: Viêm tụy, nghẽn mạch huyết khối, phát ban, ngứa, mày đay và nhạy cảm ánh sáng.
  • Hiếm gặp: Rụng tóc, đau cơ lan tỏa, viêm cơ, co rút, yếu cơ, giảm hồng cầu, giảm bạch cầu, suy yếu sinh lý, tăng creatinin máu và tăng ure máu.
  • Rất hiếm gặp: Viêm gan, khi có các triệu chứng vàng da, ngứa có thể xảy ra viêm gan, ban đỏ da nhạy cảm ánh sáng, mụn nước hoặc u nhỏ trên phần da tiếp xúc với ánh sáng.
  • Chưa rõ tần suất: Tiêu cơ vân và viêm phổi kẽ.

Đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ của Litapyl 160. Nếu gặp phải những tác dụng không mong muốn chưa được liệt kê, hãy liên hệ với bác sĩ để được xử trí.

6. Tương tác thuốc

Việc điều trị cùng lúc hai hoặc nhiều loại thuốc có thể xảy ra tương tác giữa các thuốc dẫn đến hiện tượng cạnh tranh hoặc hiệp đồng. Do đó, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ về tất cả thuốc đang dùng, bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn, các sản phẩm thảo dược, thực phẩm chức năng, ...

Các thuốc có tương với Litapyl 160 đã được nghiên cứu là:

  • Thuốc chống đông máu dùng đường uống: Khi phối hợp với Litapyl có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Ciclosporin: Đã có báo cáo về suy chức năng thận có hồi phục khi phối hợp Litapyl và Ciclosporin. Vì vậy, cần theo dõi chức năng thận ở các bệnh nhân này.
  • Thuốc ức chế HMG-CoA reductase và các fibrate khác: Nguy cơ độc tính cơ nghiêm trọng tăng nếu dùng đồng thời thuốc Litapyl 160 với thuốc ức chế HMG-CoA reductase hoặc các fibrate khác.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Litapyl 160

  • Sử dụng thuốc Litapyl 160 trong thai kỳ: Không có dữ liệu về dùng thuốc Litapyl ở phụ nữ mang thai. Nghiên cứu trên động vật không cho thấy tác dụng gây quái thai nào. Nguy cơ tiềm tàng đối với người chưa được biết rõ. Vì vậy, chỉ dùng Litapyl 160 ở phụ nữ có thai sau khi đã đánh giá cẩn thận lợi ích và rủi ro.
  • Sử dụng thuốc Litapyl 160 trong thời kỳ cho con bú: Không có dữ liệu về sự bài tiết của Litapyl và các chất chuyển hóa trong sữa mẹ. Vì vậy, không được dùng Litapyl 160 cho phụ nữ cho con bú.
  • Sử dụng thuốc Litapyl 160 cho người lái xe và vận hành máy móc: Không có tác động được ghi nhận.
  • Kiểm tra chức năng gan, thận của người bệnh trước khi bắt đầu điều trị.
  • Tăng transaminase máu thường chỉ tạm thời, cần kiểm tra định kỳ men transaminase mỗi 3 tháng trong năm điều trị đầu tiên. Ngừng điều trị nếu men gan tăng trên 3 lần giới hạn bình thường.
  • Biến chứng ứ mật thường dễ xảy ra ở người có bệnh xơ gan ứ mật, sỏi mật.

8. Bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc Litapyl 160 trong bao bì gốc của nhà sản xuất, ở nơi thoáng mát, không ẩm ướt (độ ẩm dưới 80%), tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mạnh, nhiệt độ tốt nhất để bảo quản thuốc là dưới 30 độ C.
  • Để Litapyl 160 tránh xa tầm tay trẻ em cũng như vật nuôi, tránh chúng không biết nhai phải gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.
  • Thuốc Litapyl 160 có hạn sử dụng là 36 tháng kể từ ngày sản xuất, không dùng thuốc Litapyl 160 đã hết hạn hoặc có biểu hiện hư hỏng, thay đổi màu sắc, tính chất, bao bì bị hư hỏng hoặc rách.
  • Không vứt thuốc Litapyl 160 vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi được yêu cầu.

Bài viết đã cung cấp thông tin Litapyl 160 có tác dụng gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc Litapyl 160 theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Lưu ý, Litapyl 160 là thuốc kê đơn, cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý dùng vì có thể gặp phải tác dụng không mong muốn.

345 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan