Công dụng thuốc Ophazidon

Thuốc Ophazidon được sản xuất và đăng ký bởi Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Nội – Việt Nam, thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, nhóm NSAIDs, thuốc điều trị các bệnh xương khớp và Gout. Cùng tìm hiểu công dụng của thuốc Ophazidon qua bài viết dưới đây.

1. Ophazidon là thuốc gì?

Thuốc Ophazidon có thành phần chính chứa các hoạt chất là Paracetamol hàm lượng 250mg và Cafein hàm lượng 10mg, thuốc được bào chế dưới dạng viên nén, đóng gói dạng hộp có lọ 100 viên hoặc hộp 10 vỉ, 1 vỉ có 20 viên nén.

Hoạt chất Paracetamol có trong Ophazidon có tác dụng làm giảm thân nhiệt trên cơ thể người bệnh bị sốt, nhưng rất hiếm khi có tác dụng giảm thân nhiệt ở người bình thường. Cơ chế giúp hạ sốt là thuốc có tác động lên vùng dưới đồi làm hạ nhiệt, sự tỏa nhiệt tăng do giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên.

2. Chỉ định – Chống chỉ định thuốc Ophazidon

2.1. Chỉ định

Thuốc Ophazidon được chỉ định sử dụng trong giảm đau các triệu chứng đau từ mức nhẹ đến vừa như:

  • Giảm đau trong đau đầu, đau răng, đau bụng kinh, đau nhức cơ bắp, đau nhức do thấp khớp, viêm xoang.
  • Giảm thân nhiệt ở người bị sốt, sốt và đau sau khi nhổ răng hoặc sau khi tiêm vaccine.
  • Tác dụng hạ sốt của thuốc không có ảnh hưởng đến tiến trình của bệnh, tuy nhiên có thể che lấp đi tình trạng bệnh của người bệnh.

2.2. Chống chỉ định

Thuốc Ophazidon chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc Ophazidon gồm Paracetamol, Cafein hoặc các tá dược.
  • Không được dùng Ophazidon trên bệnh nhân bị suy gan nặng, thiếu hụt men Glucose – 6 – phosphate dehydrogenase.
  • Trên đối tượng là phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú không được dùng Ophazidon hơn 10 ngày để giảm đau hoặc lâu hơn 3 ngày để hạ sốt trừ khi có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Ophazidon

3.1. Cách dùng

  • Thuốc Ophazidon dùng bằng đường uống, uống thuốc kèm với một cốc nước đầy, có thể sử dụng kèm với thức ăn hoặc không.
  • Bệnh nhân không được tự ý sử dụng Ophazidon để điều trị giảm đau quá 5 ngày ở trẻ em và 10 ngày đối với người lớn trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Vì khi gặp tình trạng đau kéo dài và nhiều như vậy có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị. Tương tự với tình trạng sốt cao trên 39,5oC, sốt tái phát hoặc sốt kéo dài trừ khi được chỉ định sử dụng, vì sốt có thể là một dấu hiệu của bệnh nặng nhưng khi bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc hạ sốt có thể làm che lấp đi tình trạng bệnh lý đang mắc phải.

3.2. Liều dùng

Để thuận tiện cho việc sử dụng, nên chia liều dùng thuốc Ophazidon thành 2 lần/ ngày, đáp ứng được thời gian đi lại và làm việc, tránh tình trạng quên liều hoặc thời gian sử dụng liều bị kéo dài hoặc ngắn lại:

  • Người lớn: ngày chia làm 2 lần, 1 lần 2 viên vào buổi sáng và buổi tối (không được dùng quá 8 viên/ngày)
  • Trẻ em lớn hơn 2 tuổi: Ngày uống từ 1 – 2 viên chia 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.
  • Đối với trường hợp trẻ nhỏ tuổi hơn dưới 12 tuổi, nên dùng các chế phẩm khác chứa Paracetamol với hàm lượng nhỏ hơn và theo chỉ định của bác sĩ.

3.3. Làm gì khi dùng Ophazidon quá liều?

  • Quá liều chỉ xảy ra khi dùng liều cao liên tiếp trong nhiều ngày hoặc dùng liều độc nhất trên 15mg tương đương với 30 viên.
  • Khi phát hiện bệnh nhân sử dụng thuốc Ophazidon quá liều nên cho uống ngay than hoạt tính với liều 50g ở người lớn và 1g/ kg cân nặng ở trẻ nhỏ, hoặc đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế để rửa ruột, thời gian tốt nhất là trong vòng 4 tiếng sau khi bệnh nhân sử dụng quá liều Ophazidon.

4. Tác dụng không mong muốn thuốc Ophazidon

Khi sử dụng thuốc Ophazidon, bệnh nhân có thể gặp phải những tác dụng phụ như: mày đay, ban đỏ, mất ngủ, bồn chồn, mệt mỏi, kích ứng tiêu hóa (nôn, buồn nôn, kích ứng dạ dày ), giảm tiểu cầu và bạch cầu trung tính, suy thận. Khi người bệnh sử dụng Ophazidon ở liều cao kéo dài có thể gây suy tế bào gan.

5. Tương tác thuốc Ophazidon

Thuốc Ophazidon có chứa 2 hoạt chất, cần chú ý khả năng tương tác có thể xảy ra đối với cả 2 hoạt chất này:

  • Làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của dẫn chất indandione và coumarin khi dùng Paracetamol liều cao và dài ngày. Tuy nhiên tương tác này không quan trọng trên lâm sàng. Nên vẫn ưu tiên sử dụng hơn so với hoạt chất Salicylat.
  • Paracetamol có thể gây độc cho gan khi trong quá trình điều trị người bệnh uống rượu nhiều. Ngoài ra các thuốc chống co giật như Barbiburate, phenytoin, carbamazepine, gây ra cảm ứng men gan, cần có sự giảm liều của Paracetamol khi có sự kết hợp giữa 2 loại thuốc này.
  • Tác dụng hạ sốt có thể mạnh lên khi sử dụng đồng thời Paracetamol với Phenothiazin hay các liệu pháp hạ thân nhiệt khác.
  • Tránh sử dụng thuốc Ophazidon chung với thuốc hoặc thức uống có chứa Cafein như: cà phê, trà.
  • Các loại thuốc kháng sinh như: Ciprofloxacin, lomefloxacin, lomefloxacin, enoxacin, norfloxacin, ofloxacin làm tăng thời gian bán thải của hoạt chất Cafein khi có sự phối hợp với nhau.
  • Không phối hợp chung Cafein với: Phenytoin, terbinafin, fluvoxamine, methoxsalen, ephedrine, cimetidin, phenylpropanolamine, thuốc tránh thai, theophylline.

6. Chú ý khi sử dụng thuốc Ophazidon

  • Cần thận trọng trước khi có chỉ định sử dụng Ophazidon trên bệnh nhân suy thận hoặc suy gan, thiếu máu mạn tính, nghiện rượu.
  • Ở bệnh nhân tăng huyết áp cần thận trọng khi dùng thuốc Ophazidon vì hoạt chất Cafein có thể gây tăng huyết áp.
  • Thuốc Ophazidon không có ảnh hưởng đến khả năng vận hành máy móc và lái xe của người bệnh.

Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Ophazidon, người dùng trước khi sử dụng thuốc nên đọc kỹ hướng dẫn và cần thiết có thể tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan