Công dụng thuốc Paratriam

Thuốc Paratriam được bào chế dưới dạng thuốc bột pha uống, có thành phần chính là Acetylcystein. Thuốc được sử dụng trong làm tiêu chất nhầy ở các bệnh lý hô hấp có đờm, bệnh xơ nang tuyến tụy,...

1. Công dụng của thuốc Paratriam 200mg

Mỗi gói thuốc Paratriam 200mg có thành phần chính là 200mg Acetylcystein cùng các tá dược khác. Acetylcystein là 1 chất điều hòa chất nhầy bằng cách làm tan đờm. Thuốc tác động lên giai đoạn gel của niêm dịch bằng cơ chế cắt đứt cầu nối disulfur của các glycoprotein, tạo sự thuận lợi cho việc dẫn đờm ra ngoài cơ thể (bằng cách ho, dẫn lưu, phương pháp cơ học,...).

Chỉ định sử dụng thuốc Paratriam:

  • Làm tiêu chất nhầy cho bệnh nhân xơ nang tuyến tụy;
  • Làm tiêu chất nhầy ở bệnh lý có đờm nhầy quánh như viêm phế quản (cấp tính và mạn tính), giúp người bệnh dễ khạc đờm ra khỏi phế quản;
  • Làm thuốc giải độc nếu dùng quá liều Paracetamol.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Paratriam:

  • Bệnh nhân quá mẫn với Acetylcystein hoặc tá dược khác của thuốc;
  • Trẻ em dưới 2 tuổi;
  • Người có tiền sử bệnh hen.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Paratriam

Cách dùng: Pha 1 gói bột thuốc trong 1 ly nước, uống sau bữa ăn.

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi: Dùng 1 gói/lần x 3 lần/ngày;
  • Trẻ em 2 - 6 tuổi: Dùng 1 gói/lần x 2 lần/ngày.

Khi sử dụng thuốc Paratriam lâu hơn 4 - 5 ngày, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Quá liều: Cho tới nay, chưa có trường hợp báo cáo về độc tính quá liều khi sử dụng thuốc Acetylcystein. Đã có trường hợp sử dụng với liều 11,6g Acetylcystein trong 3 tháng nhưng vẫn không phát hiện phản ứng phụ nghiêm trọng nào. Liều dùng tới 500mg/kg Acetylcystein vẫn được dung nạp mà không có dấu hiệu nhiễm độc.

Tuy vậy, nếu sử dụng quá liều Acetylcystein, người bệnh có thể bị nhiễm độc Acetylcystein với triệu chứng buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể gặp triệu chứng tương tự như phản vệ nhưng nặng hơn (giảm huyết áp, tan máu, đông máu rải rác nội mạch, suy hô hấp, suy thận, tử vong). Vì vậy, trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, nên đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay để được xử trí nhanh chóng.

Quên liều: Nếu quên dùng 1 liều thuốc Paratriam, bệnh nhân nên uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu đã gần với liều kế tiếp, người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên, dùng liều Paratriam tiếp theo vào đúng thời điểm như đã lên kế hoạch từ trước.

3. Tác dụng phụ của thuốc Paratriam

Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Paratriam gồm:

  • Rối loạn chung: Nhức đầu, sốt, ngứa, mày đay, dị ứng, ngoại ban, phát ban, co thắt phế quản, tụt huyết áp, phù mạch, nhịp tim nhanh, phản ứng phản vệ với sốc mạnh;
  • Rối loạn hô hấp, ngực và trung thất: Khó thở, co thắt phế quản (chủ yếu ở người bệnh có tăng phản ứng toàn thân phế quản ở trường hợp hen phế quản);
  • Rối loạn tiêu hóa: Viêm miệng, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy;
  • Tác dụng phụ khác: Chảy máu liên quan tới uống Acetylcystein, giảm kết tập tiểu cầu,...

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Paratriam, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ và tuân thủ đúng theo sự tư vấn của bác sĩ để tránh những biến chứng nghiêm trọng hơn.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Paratriam

Một số lưu ý bệnh nhân cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Paratriam:

  • Để tránh sử dụng thêm chất có nitrogen, không nên dùng thuốc bột Paratriam ở bệnh nhân suy gan hoặc suy thận;
  • Có trường hợp xảy ra phản ứng da trầm trọng như hội chứng Lyell, hội chứng Stevens-Johnson trong thời gian sử dụng Acetylcystein;
  • Nếu bị nổi mề đay, người bệnh nên ngừng dùng thuốc Acetylcystein và đi khám bác sĩ ngay;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Acetylcystein ở bệnh nhân hen phế quản và người có tiền sử loét dạ dày;
  • Nên giám sát chặt chẽ người bệnh có nguy cơ bùng phát cơn hen. Nếu dùng Acetylcystein cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng, trường hợp xảy ra co thắt phế quản thì phải dùng thuốc phun mù giãn phế quản như salbutamol hoặc ipratropium, đồng thời ngay lập tức dừng thuốc Acetylcystein;
  • Khi điều trị với Acetylcystein, người bệnh có thể xuất hiện nhiều đờm loãng ở phế quản, cần phải hút lấy ra nếu bệnh nhân giảm khả năng ho;
  • Người bị không dung nạp fructose, hấp thu kém glucose - galactose hoặc thiếu sucrase - isomaltase không nên sử dụng thuốc Paratriam;
  • Không sử dụng thuốc Paratriam ở trẻ em dưới 2 tuổi;
  • Chỉ sử dụng thuốc Paratriam ở phụ nữ có thai và cho con bú sau khi cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ, được bác sĩ cho phép.

5. Tương tác thuốc Paratriam

Một số tương tác thuốc của Paratriam gồm:

  • Acetylcystein là 1 chất khử, không phù hợp với các chất oxy hóa;
  • Không được sử dụng đồng thời Acetylcystein (thành phần chính của thuốc Paratriam) với các thuốc ho khác hoặc các thuốc làm giảm bài tiết phế quản khác;
  • Đã có báo cáo về tình trạng làm mất hoạt tính kháng sinh (tetracyclin, aminoglycoside, penicillin) do Acetylcystein trong nghiên cứu, khi trộn trực tiếp các chất. Vì lý do an toàn, nên uống Acetylcystein cách các kháng sinh ít nhất 2 giờ. Lưu ý này không áp dụng đối với thuốc cefixim và loracarbef;
  • Acetylcystein có thể phản ứng với một số kim loại, đặc biệt là niken, sắt, đồng với cao su. Do đó, nên tránh để thuốc Paratriam tiếp xúc với các chất này.

Người bệnh nên sử dụng thuốc Paratriam đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không nên dùng liều nhỏ hơn, lớn hơn hoặc lâu hơn so với chỉ định để tránh gây ra những hệ lụy khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan