Công dụng thuốc Pentostatin

Thuốc Pentostatin thuộc nhóm thuốc ức chế Adenosine Deaminase. Thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh ung thư của một loại tế bào bạch cầu nhất định. Thuốc hoạt động bằng cách làm chậm hoặc ngừng sự phát triển của tế bào ung thư trong cơ thể.

1. Thuốc Pentostatin là thuốc gì?

  • Tên thuốc gốc hay tên hoạt chất: Pentostatin.
  • Loại thuốc: Thuốc ức chế Adenosine Deaminase (ADA).
  • Dạng thuốc và hàm lượng.
  • Thuốc bột pha dung dịch tiêm hàm lượng 10 mg.
  • Thuốc bột pha dung dịch tiêm truyền hàm lượng 10 mg.

Pentostatin là một chất tương tự Purine, chống chuyển hóa. Thuốc Pentostatin ức chế hoạt động của enzym adenosine deaminase, can thiệp vào khả năng tạo và sao chép ADN của tế bào. ADN rất quan trọng đối với sự phân chia và tăng trưởng của tế bào. Nguyên nhân là do tế bào ung thư phân chia thường xuyên hơn tế bào khỏe mạnh, nên các loại thuốc nhắm vào các quá trình liên quan đến ADN sẽ gây độc cho tế bào ung thư hơn tế bào khỏe mạnh.

2. Thuốc Pentostatin có tác dụng gì?

Thuốc Pentostatin có tác dụng trong điều trị bệnh bạch cầu tế bào lông chưa và không đáp ứng với Alpha – interferon; bệnh đang diễn tiến kèm theo triệu chứng trên lâm sàng như giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu và các triệu chứng khác liên quan.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Pentostatin

Thuốc Pentostatin được truyền qua đường tĩnh mạch. Liều lượng, thời gian điều trị được xác định bởi kích thước và loại ung thư của từng người cụ thể.

Liều điều trị với người lớn:

  • Liều điều trị khuyến cáo của thuốc Pentostatin để điều trị bệnh bạch cầu tế bào lông là 4 mg/m2 trong một liều dùng cách tuần.
  • Pentostatin có thể được tiêm tĩnh mạch bằng cách pha loãng với thể tích lớn hơn và tiêm trong 20 đến 30 phút.
  • Thời gian điều trị tối ưu chưa được xác định. Trong trường hợp không có độc tính nghiêm trọng và có sự cải thiện hiệu quả điều trị liên tục, bạn nên được điều trị cho đến khi đạt được đáp ứng hoàn toàn. Việc sử dụng hai liều điều trị bổ sung đã được khuyến cáo sau khi đạt được đáp ứng hoàn toàn.
  • Tất cả những người sử dụng thuốc Pentostatin trong thời gian 6 tháng nên được đánh giá về hiệu quả đáp ứng với điều trị. Nếu bạn không đạt được đáp ứng hoàn toàn hoặc một phần, bác sĩ sẽ có chỉ định ngừng điều trị bằng thuốc Pentostatin.

Liều điều trị với trẻ em:

  • Bạch cầu tế bào lông là một bệnh lý gây ảnh hưởng đến người lớn. Tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng thuốc Pentostatin ở trẻ em chưa được thiết lập.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Pentostatin

Dưới đây là một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Pentostatin:

  • Buồn nôn hay nôn mửa nhiều: Khi sử dụng các thuốc điều trị bệnh ung thư, bạn có thể gặp tình trạng buồn nôn hay nôn mửa nhiều.
  • Giảm bạch cầu hoặc giảm bạch cầu trung tính: Thuốc Pentostatin có thể gây nhiễm trùng đe dọa tính mạng, có hoặc không làm giảm số lượng bạch cầu. Bạn cần chú ý theo dõi nhiệt độ của cơ thể, thân nhiệt cao trên 38 độ kèm theo đau họng hoặc cảm lạnh, khó thở, ho, nóng rát khi đi tiểu. Những dấu hiệu trên có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng.
  • Phát ban trên bề mặt da: Thuốc Pentostatin có thể gây ra tình trạng phát ban trên da, diễn biến ngày càng nghiêm trọng nếu tiếp tục sử dụng thuốc.
  • Giảm số lượng hồng cầu hay thiếu máu: Khi số lượng hồng cầu thấp, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu ớt. Trong nhiều trường hợp, người sử dụng thuốc còn có cảm giác khó thở, khó thở hoặc đau ngực. Nếu số lượng hồng cầu quá thấp, bác sĩ có thể cho chỉ định truyền máu.
  • Số lượng tiểu cầu thấp (giảm số lượng tiểu cầu): Những dấu hiệu nhận biết giảm tiểu cầu như xuất hiện vết bầm tím hoặc chảy máu quá mức nào, bao gồm chảy máu mũi, chảy máu nướu răng hoặc máu trong nước tiểu và phân của bạn. Nếu số lượng tiểu cầu trở nên quá thấp, bác sĩ có thể có chỉ định truyền tiểu cầu.

Những tác dụng không mong muốn ít phổ biến:

  • Độc tính với gan: Thuốc Pentostatin có thể gây nhiễm độc gan. Bác sĩ sẽ theo dõi chức năng gan thông qua các chỉ số xét nghiệm máu.
  • Các vấn đề về thận: Thuốc Pentostatin có thể khiến lượng nước tiểu giảm, tiểu ra máu, sưng phù mắt cá chân hoặc chán ăn.
  • Hạ huyết áp: Thuốc Pentostatin có thể gây ra huyết áp thấp. Các triệu chứng của hạ huyết áp có thể gặp bao gồm mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn và nhìn mờ.
  • Phù phổi: Thuốc Pentostatin có thể gây tích tụ chất lỏng dư thừa trong phổi, khiến bạn xuất hiện cảm giác khó thở nhiều hơn. Nếu bạn khó thở, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

5. Tương tác của thuốc Pentostatin

Tương tác của thuốc Pentostatin với các thuốc khác:

  • Allopurinol và thuốc Pentostatin đều có liên quan đến phát ban trên da.
  • Thuốc Pentostatin làm tăng tác dụng của thuốc Vidarabine, một nucleoside purine có hoạt tính kháng virus. Việc sử dụng kết hợp Vidarabine và thuốc Pentostatin có thể làm tăng các phản ứng có hại liên quan đến từng loại thuốc.
  • Việc sử dụng kết hợp thuốc Pentostatin và Fludarabine phosphate không được khuyến cáo vì nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc phổi đe dọa tính mạng.
  • Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng tác dụng ngoại ý. Để tránh các tương tác bất lợi có thể xảy ra, bạn nên liệt kê danh sách những thuốc đang dùng, bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng cho bác sĩ biết.

6. Ảnh hưởng của thuốc Pentostatin đến khả năng sinh sản

  • Việc cho thai nhi tiếp xúc với thuốc Pentostatin có thể gây dị tật bẩm sinh, vì vậy bạn không nên mang thai hoặc làm cha khi đang sử dụng loại thuốc này.
  • Sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn là cần thiết trong quá trình điều trị.
  • Đối với phụ nữ đang nuôi con bú: Cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Pentostatin

Lưu ý chung khi điều trị với thuốc Pentostatin:

  • Người bị mắc bệnh bạch cầu tế bào lông có thể bị suy tủy chủ yếu trong vài đợt điều trị đầu tiên.
  • Người đã bị nhiễm trùng trước khi điều trị bằng thuốc Pentostatin có thể dẫn đến tử vong. Người bị nhiễm trùng chỉ nên sử dụng thuốc khi bác sĩ đã cân nhắc lợi ích của việc điều trị lớn hơn với nguy cơ có thể xảy ra.
  • Những người bị bệnh bạch cầu tế bào lông đang tiến triển, các đợt điều trị ban đầu bằng thuốc Pentostatin có liên quan đến việc làm trầm trọng thêm tình trạng giảm bạch cầu trung tính. Nếu tình trạng giảm bạch cầu nghiêm trọng tiếp tục xảy ra ngoài các chu kỳ ban đầu, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh, bao gồm kiểm tra tủy xương.
  • Nên ngừng điều trị bằng thuốc Pentostatin ở những người bị nhiễm độc hệ thần kinh.
  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Pentostatin, bác sĩ sẽ chỉ định đánh giá chức năng thận bằng xét nghiệm creatinin huyết thanh và/hoặc xét nghiệm độ thanh thải creatinin.
  • Ngoài ra, chọc hút tủy xương và sinh thiết có thể được yêu cầu cách nhau 2 đến 3 tháng để đánh giá đáp ứng với điều trị với thuốc Pentostatin.

Lưu ý với nhóm phụ nữ có thai và cho con bú:

  • Đối với phụ nữ có thai: Phụ nữ trong thời kỳ sinh sản đang sử dụng thuốc Pentostatin không nên mang thai.
  • Đối với phụ nữ cho con bú: Hiện nay, người ta vẫn chưa xác định được liều thuốc Pentostatin có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Vì vậy, không khuyến cáo cho con bú khi mẹ đang sử dụng thuốc này.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc:

  • Thuốc Pentostatin có ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành các loại máy móc. Bạn nên thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc sau khi điều trị với thuốc.

Pentostatin là thuốc kê đơn do vậy trước khi sử dụng hãy chắc chắn rằng bạn đã được tư vấn từ bác sĩ. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Pentostatin.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

166 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan