Công dụng thuốc Ramprozole

Thuốc Ramprozole được kê đơn dùng để điều trị các vấn đề về đường tiêu hoá như viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm thực quản hồi lưu, chứng ợ nóng,... Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ mọi chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình sử dụng thuốc Ramprozole để sớm cải thiện tình trạng bệnh.

1. Thuốc Ramprozole là thuốc gì?

Thuốc Ramprozole là thuốc gì? Ramprozole thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, được khuyến cáo sử dụng trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Thuốc Ramprozole được bào chế dưới dạng viên bao phim tan trong ruột, có chứa hoạt chất chính là Rabeprazole hàm lượng 20mg cùng các tá dược phụ trợ khác.

Thuốc Ramprozole có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ và hiện được lưu hành rộng rãi ở Việt Nam. Người bệnh cần tuân thủ sử dụng thuốc Ramprozole theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn dùng thuốc ghi trên bao bì sản phẩm.

2.Thuốc Ramprozole công dụng là gì?

2.1. Tác dụng của hoạt chất Rabeprazole

Rabeprazole thuộc nhóm thuốc chống tiết acid, có khả năng ngăn chặn quá trình tiết dịch vị thông qua việc ức chế H+/ K+ATPase dạ dày tại bề mặt tiết của tế bào thành dạ dày. Theo nghiên cứu cho biết, Rabeprazole có đặc tính tương tự như chất ức chế bơm proton dạ dày giúp ngăn chặn giai đoạn cuối cùng của quá trình tiết dịch vị.

Nhìn chung, hoạt chất Rabeprazole trong thuốc Ramprozole có khả năng chống loét hiệu quả đối với đa dạng các loại vết loét, đồng thời giúp cải thiện tốt các vết thương ở niêm mạc dạ dày do những nguyên nhân như thắt môn vị, stress do nhiễm lạnh hoặc dùng thuốc có chứa Cysteamine hay Ethanol.HCl

2.2. Chỉ định – Chống chỉ định sử dụng thuốc Ramprozole

Hiện nay, thuốc Ramprozole được dùng theo đơn của bác sĩ nhằm điều trị cho các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng.
  • Điều trị bệnh loét miệng nối.
  • Điều trị hội chứng Zollinger- Ellison.
  • Điều trị bệnh viêm thực quản hồi lưu.
  • Điều trị chứng ợ chua, ợ nóng hoặc ợ hơi.
  • Điều trị trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Điều trị chứng khó nuốt và ho dai dẳng.
  • Ngăn ngừa tình trạng loét dạ dày và ung thư thực quản.

Tuy nhiên, cần tránh tự ý sử dụng thuốc Ramprozole cho các đối tượng bệnh nhân sau khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Người có tiền sử quá mẫn hoặc dị ứng với dẫn chất benzimidazoles, Rabeprazole sodium hay bất kỳ thành phần tá dược nào có trong thuốc.
  • Chống chỉ định thuốc Ramprozole cho trẻ em do chưa có nghiên cứu cụ thể đảm bảo tính an toàn khi dùng thuốc cho đối tượng này.
  • Chống chỉ định tương đối dùng thuốc Ramprozole cho phụ nữ có thai hoặc người mẹ đang nuôi con bú.

3. Nên dùng thuốc Ramprozole với liều lượng như thế nào?

Thuốc Ramprozole được dùng bằng đường uống theo liều lượng khuyến cáo cụ thể như sau:

  • Điều trị trào ngược dạ dày thực quản gây ăn mòn / loét: Liều khuyến cáo dành cho người lớn là 20mg / lần / ngày, dùng trong vòng 4 – 8 tuần. Nếu người bệnh không cảm thấy đỡ sau 8 tuần điều trị có thể cân nhắc dùng thêm một đợt thuốc Ramprozole khoảng 8 tuần nữa. Liều điều trị duy trì sau khi lành bệnh là 20mg / lần / ngày.
  • Điều trị trào ngược dạ dày thực quản sinh triệu chứng: Liều khuyến cáo dành cho người lớn là 20mg / lần / ngày, dùng trong vòng 4 tuần. Nếu không thuyên giảm bệnh sau 4 tuần điều trị, bạn nên sử dụng thêm một đợt thuốc nữa.
  • Điều trị tình trạng loét tá tràng: Dùng liều khuyến cáo 20mg / lần / ngày sau bữa sáng, điều trị trong vòng 4 tuần. Đa phân bệnh nhân sẽ lành vết loét tá tràng sau khoảng 4 tuần điều trị. Tuy nhiên một vài người có thể cần phải tiếp tục điều trị thêm một đợt thuốc nữa mới lành được vết loét.
  • Tiêu diệt vi khuẩn HP nhằm làm giảm nguy cơ tái phát bệnh loét tá tràng: Kết hợp dùng 3 loại thuốc, bao gồm Rabeprazole 20mg x 2 lần / ngày x 7 ngày, Clarithromycin 500mg x 2 lần / ngày x 7 ngày và Amoxicillin 1000mg x 2 lần / ngày x 7 ngày.
  • Điều trị tăng tiết bệnh lý, bao gồm cả hội chứng Zollinger-Ellison: Liều dùng thuốc Ramprozole cho những người mắc phải tình trạng tăng tiết bệnh lý sẽ phụ thuộc vào từng cá thể. Liều khuyến cáo ban đầu cho người lớn là 60mg / lần / ngày. Có thể cân nhắc điều chỉnh liều cho từng bệnh nhân dựa trên nhu cầu và chỉ định lâm sàng của bác sĩ. Đối với một số người bệnh có thể cần phải chia liều thuốc hoặc dùng đến liều 100mg / lần / ngày và 60mg x 2 lần / ngày.
  • Điều trị cho bệnh nhân cao tuổi, suy thận hoặc suy gan nhẹ - vừa: Không nhất thiết phải điều chỉnh liều thuốc Rabeprazole cho những đối tượng này.

4. Thuốc Ramprozole gây ra các tác dụng phụ gì cho người dùng?

Trong quá trình điều trị các vấn đề về đường tiêu hoá bằng thuốc Ramprozole, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoại ý sau:

  • Phản ứng toàn thân: Sốt, suy nhược, ớn lạnh, dị ứng, khó chịu, cứng cổ, đau ngực dưới xương ức hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
  • Phản ứng trên hệ tim mạch: Điện tâm đồ bất thường, đau thắt ngực, đau nửa đầu, cao huyết áp, hồi hộp, nhịp tim nhanh hoặc nhịp xoang chậm.
  • Phản ứng trên hệ tiêu hoá: Buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu, ói mửa, táo bón, đầy hơi, ợ hơi, khô miệng, xuất huyết trực tràng, viêm dạ dày ruột, đại tiện máu đen, loét miệng, chán ăn, viêm túi mật, viêm lợi, viêm kết tràng, viêm lưỡi, viêm trực tràng, viêm thực quản, viêm tụy hoặc tăng sự thèm ăn.
  • Phản ứng trên hệ nội tiết: Nhược giáp hoặc cường giáp.
  • Phản ứng trên hệ máu và bạch huyết: Mảng bầm trên cơ thể, thiếu máu hoặc bệnh hạch bạch huyết.
  • Các rối loạn chuyển hoá và dinh dưỡng: Tăng cân, phù ngoại biên, giảm cân hoặc mất nước.
  • Phản ứng trên hệ cơ xương: Viêm khớp, đau cơ, bệnh khớp, vọp bẻ chân hoặc viêm túi thanh mạc.
  • Phản ứng trên hệ thần kinh: Lo âu, mất ngủ, suy nhược, chóng mặt, buồn ngủ, căng thẳng, đau thần kinh, tăng trương lực, co giật, hoa mắt, bệnh thần kinh, giảm khả năng tình dục, run hoặc dị cảm.
  • Phản ứng trên hệ hô hấp: Hen, khó thở, viêm thanh quản hoặc chảy máu cam.
  • Phản ứng trên da và các phần phụ: Toát mồ hôi, ngứa, nổi ban, nổi mề đay hoặc chứng rụng lông tóc.
  • Phản ứng trên các giác quan đặc biệt: Giảm thị lực, đục thuỷ tinh thể, khô mắt, tăng nhãn áp, viêm tai giữa, ù tai hoặc thị giác bất thường.
  • Phản ứng trên hệ niệu – dục: Tiểu dắt, viêm bàng quang, khó tiểu, thống kinh, đa niệu hoặc xuất huyết tử cung.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc Ramprozole cũng có thể làm ảnh hưởng đến các giá trị xét nghiệm, bao gồm: Albumin niệu, bất thường tiểu cầu, tăng hồng cầu bất thường, tăng creatinine phosphokinase, tăng lipid máu, tăng cholesterol máu, tăng đường huyết, giảm natri huyết, tăng SGPT, tăng bạch cầu, nước tiểu bất thường hoặc kết quả xét nghiệm chức năng gan bất thường.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi gặp phải những phản ứng bất lợi nhẹ, bệnh nhân chỉ cần ngưng sử dụng thuốc Ramprozole. Trong trường hợp có phản ứng mẫn cảm nặng hoặc dị ứng, người bệnh cần được tiến hành điều trị hỗ trợ bằng các phương pháp như giữ thoáng khí, thở oxygen, dùng corticoid, thuốc kháng histamin hoặc epinephrin.

5. Những lưu ý quan trọng mà người dùng thuốc Ramprozole cần biết

Nhằm đảm bảo hạn chế nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ và nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh, bạn cần lưu ý một số điều sau trong suốt quá trình dùng thuốc Ramprozole:

  • Hạn chế ăn các đồ cay nóng hoặc lạnh dễ gây tổn hại đến dạ dày.
  • Cần thận trọng khi quyết định điều trị bằng thuốc Ramprozole cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan nặng.
  • Trao đổi với bác sĩ trước khi muốn sử dụng thuốc Ramprozole cho thai phụ hoặc người mẹ đang trong quá trình nuôi con bú.
  • Đối với bệnh nhi dưới 1 tuổi chỉ được phép dùng Ramprozole khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Kiểm tra kỹ chất lượng của thuốc và hạn sử dụng. Không nên dùng thuốc Ramprozole nếu đã quá hạn hoặc viên thuốc có dấu hiệu nấm mốc, chảy nước hay thay đổi màu sắc ban đầu.
  • Bảo quản thuốc Ramprozole ở nhiệt độ phòng, nơi thoáng mát, khô ráo và không tiếp xúc trực tiếp với tia sáng cường độ cao.

6. Thuốc Ramprozole tương tác với các thuốc nào?

Trước khi sử dụng thuốc Ramprozole, bạn cần thông báo cho bác sĩ biết tất cả các dược phẩm hiện đang dùng, bao gồm cả thực phẩm chức năng, vitamin, thuốc kháng sinh và thuốc bổ. Thực tế, hoạt chất Rabeprazole trong thuốc có thể xảy ra tương tác với các dược chất và thuốc khác, dẫn đến những phản ứng bất lợi cho người dùng. Dưới đây là một số loại thuốc có nguy cơ xảy ra tương tác khi dùng chung với Rabeprazole:

  • Thuốc Digoxin.
  • Thuốc Rilpivirine.
  • Thuốc Cranberry.
  • Thuốc Ketoconazole.
  • Thuốc Clopidogrel.
  • Thuốc Eslicarbazepine Acetate.

Việc sử dụng những loại thuốc trên đồng thời với Rabeprazole có thể khiến bệnh nhân gặp phải một số tác dụng phụ nhất định. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thay đổi loại thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng sao cho phù hợp nhất với người bệnh.

Ngoài ra, một số chất hoặc thực phẩm như rượu và đồ uống có gas cũng có thể làm thay đổi hoặc khiến tốc độ tác dụng của thuốc chậm lại.

Thuốc Ramprozole được kê đơn dùng để điều trị các vấn đề về đường tiêu hoá như viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm thực quản hồi lưu, chứng ợ nóng,... Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

97 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan