Công dụng thuốc Silysan

Silysan là một thuốc diệt khuẩn đường tiêm kết hợp giữa Ceftriaxone Sodium và Sulbactam Sodium. Vậy công dụng thuốc Silysan là gì và nên sử dụng như thế nào?

1. Silysan là thuốc gì?

Silysan là sản phẩm kết hợp giữa 2 hoạt chất là Ceftriaxone Sodium và Sulbactam Sodium với hàm lượng tương ứng là 1g và 0.5g. Silysan được sản xuất bởi Prayash Healthcare Pvt., Ltd (Ấn Độ) và được đăng ký lưu hành tại Việt Nam bởi Ambalal Sarabhai Enterprises., Ltd (Ấn Độ) với số đăng ký VN-12835-11.

Silysan bào chế dạng bột pha tiêm, đóng gói mỗi hộp 1 lọ đi kèm 1 ống nước cất 10ml.

2. Công dụng thuốc Silysan

Thành phần Ceftriaxone trong thuốc Silysan là một kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 với phổ tác dụng rộng và chỉ được sử dụng dưới dạng tiêm truyền. Tác dụng diệt khuẩn của Ceftriaxone là do ức chế quá trình tổng hợp thành tế bào vi khuẩn thông qua việc gắn kết với 1 hoặc nhiều protein gắn penicilin (PBP). Tương tự các kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 khác (như Cefotaxime, Ceftazidime...), Ceftriaxone nhìn chung có hoạt tính in vitro với các chủng Staphylococci (tụ cầu) kém hơn các Cephalosporin thế hệ 1 nhưng có phổ nhạy cảm trên vi khuẩn Gram âm lại rộng hơn so với các Cephalosporin thế hệ 1 và 2.

Thành phần còn lại trong thuốc Silysan là Sulbactam, bản chất là một acid sulfon penicillanic, có khả năng ức chế không thuận nghịch men beta-lactamase do vi khuẩn tiết ra. Mặc dù có khả năng kháng khuẩn nhưng khi sử dụng đơn độc thì tác dụng của Sulbactam rất yếu. Sulbactam ức chế tốt cả 2 loại men beta-lactamase qua trung gian plasmid và nhiễm sắc thể. Do Sulbactam có ái lực cao và gắn với một số beta-lactamase (enzyme bất hoạt Ceftriaxone bằng cách thủy phân vòng beta-lactam) nên việc phối hợp Sulbactam với Ceftriaxone trong Silysan sẽ tạo nên tác dụng diệt khuẩn hiệp đồng và mở rộng phổ kháng khuẩn của Ceftriaxone đối với các chủng kháng lại Ceftriaxone dùng đơn độc.

3. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Silysan

Bệnh nhân chỉ dùng thuốc Silysan theo chỉ định điều trị của bác sĩ sau khi chẩn đoán xác định mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm, bao gồm viêm màng trong tim, nhiễm trùng tiêu hóa, viêm màng não (bao gồm cả dự phòng nhiễm não mô cầu), bệnh Lyme, nhiễm khuẩn tiết niệu (gồm cả viêm bể thận), viêm phổi, lậu, thương hàn, giang mai, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn xương khớp và nhiễm khuẩn da.

Bên cạnh đó, Silysan còn được dùng với mục đích dự phòng nhiễm khuẩn trong quá trình phẫu thuật hoặc nội soi can thiệp.

Chống chỉ định của thuốc Silysan:

  • Mẫn cảm với Ceftriaxone, Sulbactam hoặc các kháng sinh nhóm Cephalosporin khác;
  • Tiền sử phản ứng phản vệ với kháng sinh Penicillin;
  • Trẻ sơ sinh tăng bilirubin huyết, đặc biệt khi sinh non, vì Ceftriaxone có thể tăng giải phóng Bilirubin từ albumin huyết thanh;
  • Chống chỉ định dùng đồng thời Silysan với chế phẩm chứa calci ở trẻ em;
  • Tiền sử vàng da ứ mật hoặc rối loạn chức năng gan khi sử dụng Sulbactam.

4. Liều dùng, cách dùng thuốc Silysan

4.1. Cách dùng thuốc Silysan

  • Silysan có thể dùng theo đường tiêm truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp;
  • Thời gian tiêm tĩnh mạch khoảng 2 - 4 phút còn truyền tĩnh mạch thì cần ít nhất 30 phút;
  • Với liều lớn hơn 1g Ceftriaxone thì khuyến cáo chỉ nên truyền tĩnh mạch thay vì tiêm mạch chậm;
  • Liều tiêm bắp lớn hơn 1g Ceftriaxone cần chia nhiều vị trí tiêm khác nhau.

4.2. Liều dùng Silysan cho người trưởng thành

  • Liều thường: 1-2g mỗi ngày (tương đương 1-2 lọ Silysan), có thể tiêm 1 lần hoặc chia làm ư lần;
  • Trường hợp nặng có thể dùng liều 4g Ceftriaxone (tương ứng 4 lọ Silysan).

4.3. Liều dùng thuốc Silysan cho trẻ em

  • Trẻ em cân nặng dưới 50kg: Liều khuyến cáo là 20-50mg/kg/ngày dùng 1 lần duy nhất. Nếu mức độ nhiễm khuẩn nặng có thể dùng liều 80mg/kg/ngày. Lưu ý với liều từ 50mg/kg trở lên thì khuyến cáo chỉ nên tiêm truyền tĩnh mạch;
  • Trẻ em cân nặng từ 50kg trở lên: Liều tương tự người trường thành;
  • Trẻ sơ sinh: Chỉ dùng đường tiêm truyền tĩnh mạch trong thời gian trên 60 phút với liều 20-50mg/kg/ngày;
  • Với trường hợp màng não do vi khuẩn nhạy cảm ở trẻ em hoặc trẻ sơ sinh đến 12 tuổi: Khuyến cáo dùng liều cao 100mg/kg/ngày (tối đa 4g, tương ứng 4 lọ Silysan mỗi ngày), dùng 1 lần duy nhất hoặc chia làm 2 liều bằng nhau cách mỗi 12 giờ, thời gian điều trị 7-21 ngày.

4.4. Liều dùng thuốc Silysan cho một số chỉ định đặc biệt

  • Lậu: Tiêm tĩnh mạch một liều duy nhất 250mg Ceftriaxone;
  • Dự phòng trước phẫu thuật: 1-2g Ceftriaxone tiêm mạch chậm 30-90 phút trước phẫu thuật.

4.5. Liều dùng thuốc Silysan cho một số đối tượng đặc biệt

  • Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều Silysan khi chức năng gan và thận bình thường;
  • Bệnh nhân suy thận: Không cần thiết điều chỉnh liều Silysan. Khi hệ số thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút thì liều Ceftriaxone không vượt quá 2g/24 giờ;
  • Bệnh nhân thẩm tách máu: Liều 2g Ceftriaxone (ứng với 2 lọ Silysan) tiêm vào cuối đợt thẩm tách. Nhìn chung không cần bổ sung liều Silysan trong và sau khi thẩm phân máu vì Ceftriaxone không bị loại bỏ do thẩm phân;
  • Bệnh nhân suy gan: Không cần thiết điều chỉnh liều Silysan.

5. Tác dụng phụ của thuốc Silysan

Tác dụng phụ của thành phần Ceftriaxone bao gồm:

  • Thường gặp: Tiêu chảy, phản ứng da, ngứa, nổi ban;
  • Ít gặp: Sốt, viêm tĩnh mạch, phù, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, nổi mày đay;
  • Hiếm gặp: Đau đầu, chóng mặt, phản vệ, thiếu máu, mất bạch cầu hạt, rối loạn đông máu, viêm đại tràng màng giả, ban đỏ đa dạng, tiểu ra máu, tăng creatinin huyết thanh hoặc tăng nhất thời các enzym gan;
  • Việc điều trị bằng các thuốc kháng sinh (bao gồm Ceftriaxone) thường ảnh hưởng đến hệ khuẩn đường ruột, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển các chỉnh vi nấm hoặc vi khuẩn không nhạy cảm.

Tác dụng phụ của thành phần Sulbactam trong Silysan:

  • Thường gặp: Các phản ứng tại chỗ (như đau vị trí tiêm, viêm tắc tĩnh mạch), tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, phát ban, tăng men gan, thiếu máu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa acid, tăng bilirubin huyết;
  • Ít gặp: Nổi mẩn ngứa, nổi mày đay, hồng ban đa dạng, sốc phản vệ. giảm bạch cầu trung tính, giảm Hemoglobin và Hematocrit gây thiếu máu;
  • Hiếm gặp: Viêm lưỡi.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Silysan

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng Silysan, bệnh nhân cần được khai thác kỹ về tiền sử dị ứng với kháng sinh Cephalosporin, penicillin hoặc Sulbactam và các thành phần khác có trong thuốc.
  • Đã ghi nhận các trường hợp xảy ra phản ứng dị ứng chéo với Ceftriaxone ở người dị ứng với Penicillin.
  • Với bệnh nhân suy giảm đáng kể cả chức năng thận và gan, liều Ceftriaxone không nên vượt quá 2g/ngày (không quá 2 lọ Silysan) nếu không thể theo dõi nồng độ thuốc trong huyết tương.
  • Thận trọng khi thời gian điều trị bằng Silysan kéo dài quá 14 ngày.
  • Phải tìm nguyên nhân thiếu máu trong thời gian điều trị bằng kháng sinh Cephalosporin (bao gồm Ceftriaxone trong Silysan) vì nhóm kháng sinh này có tiềm năng gây thiếu máu tán huyết nặng, thậm chí gây tử vong, qua trung gian miễn dịch.
  • Bệnh nhân dùng Silysan có thể xuất hiện các triệu chứng của sỏi niệu, tắc nghẽn niệu quản và suy thận cấp sau thận, đặc biệt hay gặp ở bệnh nhi.
  • Ngừng thuốc Silysan ngay nếu xảy ra hiện tượng co giật. Bác sĩ cần thực hiện liệu pháp chống co giật nếu có chỉ định lâm sàng.
  • Bệnh nhân bị tiêu chảy trong hoặc sau khi dùng Silysan nên được cân nhắc ngừng điều trị và áp dụng các liệu pháp điều trị đặc hiệu cho viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile.
  • Ở bệnh nhân được điều trị bằng Ceftriaxone (như thuốc Silysan), xét nghiệm Coombs có thể cho kết quả dương tính giả.
  • Kinh nghiệm lâm sàng về việc điều trị bằng thuốc Silysan cho người mang thai còn hạn chế. Do đó chỉ nên dùng thuốc Silysan cho người mang thai khi thật cần thiết.
  • Ceftriaxone bài tiết vào sữa với nồng độ thấp, tuy nhiên vẫn phải thật thận trọng khi dùng Silysan cho bệnh nhân đang cho con bú.

7. Tương tác thuốc của Silysan

  • Cloramphenicol: Khi phối hợp với Ceftriaxone trên in vitro được xác định có tính đối kháng;
  • Khả năng gây độc thận của các Cephalosporin có thể tăng cao khi dùng đồng thời với Gentamicin, Colistin hoặc Furosemid;
  • Probenecid không ảnh hưởng độ thanh thải qua thận của Ceftriaxone, do đó có thể dùng đồng thời với Silysan;
  • Tránh dùng đồng thời Silysan với các muối calci (tiêm truyền) và dung dịch Ringer lactat;
  • Silysan có thể làm tăng tác dụng của các thuốc chống đông máu nhóm đối kháng vitamin K;
  • Hiệu lực của Silysan có thể tăng khi dùng đồng thời với các tác nhân gây tăng Acid Uric niệu;
  • Ceftriaxone có thể giảm tác dụng của vắc xin thương hàn, do đó bệnh nhân nên thận trọng khi tiêm phòng trong thời gian điều trị bằng Silysan.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

63 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan