Công dụng thuốc Stunarizin

Thuốc Stunarizin có thành phần chính là Dimenhydrinat hàm lượng 50 mg thuộc nhóm thuốc hướng thần. Stunarizin được sử dụng phổ biến trong điều trị các trường hợp say tàu xe, chứng buồn nôn do nhiều nguyên nhân khác... Tìm hiểu các thông tin cơ bản như thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, tác dụng phụ của thuốc Stunarizin sẽ giúp cho bệnh nhân và người thân nâng cao được hiệu quả khi sử dụng.

1. Thuốc Stunarizin là thuốc gì?

Thuốc Stunarizin được bào chế dưới dạng viên nén, với thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất: Dimenhydrinat hàm lượng 50 mg.
  • Tá dược: Lactose Monohydrat, PVP K30, Tinh bột mì, Ponceau, Sunset yellow, Natri starch glycolat, Bột Talc, Magnesi stearat vừa đủ 1 viên nén.

Hoạt chất Dimenhydrinat trong thuốc Stunarizin là một thuốc kháng histamin H1 thế hệ thứ nhất thuộc dẫn xuất Ethanolamin có tác dụng gây buồn ngủ và kháng Muscarin mạnh. Dimenhydrinat có tác dụng chống nôn và tác dụng an thần mạnh thông qua cạnh tranh với Histamin ở thụ thể H1, đồng thời hoạt chất này còn có cơ chế đối kháng cholinergic.

Dimenhydrinat làm giảm kích thích tiền đình, do tác động đến ốc tai và khi dùng liều cao, tới các ống bán nguyệt của tai trong, từ đó hợp chất này được dùng chủ yếu làm thuốc dự phòng chống nôn khi say tàu xe và chống chóng mặt.

2. Thuốc Stunarizin có tác dụng gì?

Thuốc Stunarizin được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:

  • Dự phòng và điều trị triệu chứng buồn nôn hay nôn, hoa mắt, chóng mặt khi say tàu xe.

Điều trị triệu chứng buồn nôn, nôn, chóng mặt thường gặp trong bệnh Meniere và các rối loạn tiền đình khác (trừ do hóa trị ung thư).

3. Chống chỉ định của thuốc Stunarizin

  • Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Stunarizin.
  • Tiền sử dị ứng với các loại thuốc khác có chứa Dimenhydrinat.
  • Người bị bệnh Glocom góc đóng.
  • Người bị bí tiểu do các bệnh lý tại niệu đạo – tuyến tiền liệt.
  • Trẻ em < 2 tuổi.

4. Liều lượng thuốc Stunarizin

Người lớn hay trẻ vị thành niên ≥ 12 tuổi

  • Say tàu xe: Uống 1 – 2 viên (50 – 100 mg)/lần mỗi 4 – 6 tiếng. Dùng trước khi khởi hành 30 phút. Uống không quá 8 viên (400 mg) trong một ngày.
  • Triệu chứng của bệnh Meniere: Uống 1⁄2 - 1 viên (25 - 50 mg)/lần x 3 lần/ngày.

Trẻ em 6 – 12 tuổi: Say tàu xe: Uống 1/2 – 1 viên (25 – 50 mg)/lần mỗi 6 – 8 tiếng. Dùng trước khi khởi hành 30 phút. Uống không quá 3 viên (150 mg) trong một ngày.

Trẻ em 2 – 6 tuổi: Say tàu xe: Uống 1/4 – 1/2 viên (12,5 – 25 mg)/lần mỗi 8 tiếng. Dùng trước khi khởi hành 30 phút. Uống không quá 3 viên (150 mg) trong một ngày.

5. Lưu ý khi sử dụng Stunarizin

Điều trị bằng thuốc Stunarizin với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Các rối loạn thần kinh trung ương như buồn ngủ, mất ngủ, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mất phối hợp vận động. Các triệu chứng khác như nhìn mờ, khô miệng họng, ù tai.
  • Ít gặp: Các rối loạn tiêu hóa như chán ăn, táo bón hoặc tiêu chảy. Rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu khó, bí tiểu. Các triệu chứng trên tim mạch như đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp.
  • Hiếm gặp: Rối loạn thần kinh trung ương như kích thích nghịch ở trẻ em, kích động, mất ngủ, run, co giật.

Nên ngừng thuốc ngay khi phát hiện những triệu chứng trên sau khi dùng thuốc Stunarizin và nhanh chóng thông báo với bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

6. Lưu ý sử dụng thuốc Stunarizin ở các đối tượng sau

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Stunarizin cho những bệnh nhân lớn tuổi, người bị có tiền sử hoặc đang bị động kinh, táo bón mạn có nguy cơ liệt ruột, tắc bàng quang hay phì đại tuyến tiền liệt.
  • Thuốc Stunarizin có thể che lấp các dấu hiệu nhiễm độc khi dùng quá liều các thuốc khác hoặc gây trở ngại cho việc chẩn đoán viêm ruột thừa.
  • Phụ nữ có thai: Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa có dữ liệu an toàn về việc sử thuốc thuốc Stunarizin trên phụ nữ có thai. Vì thế, chỉ sử dụng thuốc Stunarizin trên phụ nữ có thai trong trường hợp thật sự cần thiết.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Có nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt chất Dimenhydrinat có trong Stunarizin có thể bài tiết qua sữa mẹ và gây tác dụng có hại cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, các thuốc kháng histamin thế hệ 1 như Stunarizin có thể ức chế tiết sữa do tác dụng kháng cholinergic. Vì thế, để đảm bảo tính an toàn cho trẻ bú mẹ, cần ngưng cho con bú khi quyết định sử dụng thuốc Stunarizin.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc có gặp phải những tác dụng phụ như buồn ngủ, mất ngủ, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mất phối hợp vận động... trong lúc làm việc. Vì thế, tránh sử dụng thuốc Stunarizin trước và trong khi làm việc.

7. Tương tác thuốc Stunarizin

Tương tác với các thuốc khác:

  • Stunarizin làm tăng tác dụng của các thuốc ức chế thần kinh trung ương như Barbiturat hoặc rượu.
  • Thuốc Stunarizin làm tăng tác dụng của các thuốc kháng Cholinergic.
  • Thuốc Stunarizin làm các dấu hiệu nhiễm độc khi dùng quá liều các thuốc như kháng sinh nhóm Aminoglycosid (thuốc độc với thính giác).

Trên đây là thông tin khái quát về thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều lượng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Stunarizin. Nhằm mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho bản thân và gia đình, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cuốc thuốc Stunarizin, đồng thời được tham vấn ý kiến và hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

98 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan