Công dụng thuốc Trajenta Duo

Thuốc Trajenta Duo thuộc nhóm thuốc hormone, nội tiết tố, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, dùng hỗ trợ kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

1. Công dụng của thuốc Trajenta Duo

Thuốc Trajenta Duo có thành phần dược chất gồm: Linagliptin và metformin. Thuốc được chỉ định để:

  • Điều trị tiểu đường tuýp 2 ở người trưởng thành nên được dùng đồng thời linagliptin và metformin; chưa được kiểm soát đường huyết thích hợp nếu chỉ dùng metformin; đang được kiểm soát đường huyết tốt khi dùng đồng thời linagliptin và metformin riêng lẻ;
  • Điều trị tiểu đường tuýp 2 ở người trưởng thành chưa được kiểm soát đường huyết tốt khi dùng metformin và 1 sulphonylurea ở mức tối đa dung nạp, dùng phối hợp sulphonylurea.

Thuốc Trajenta Duo chống chỉ định:

  • Quá mẫn với thành phần hoạt chất, tá dược của thuốc;
  • Bệnh nhân đái tháo đường nhiễm toan ceton;
  • Người bị tiền hôn mê đái tháo đường;
  • Người bị suy thận trung bình (giai đoạn 3b) và nặng, rối loạn chức năng thận;
  • Các tình trạng cấp tính có thể ảnh hưởng tới chức năng thận: Nhiễm khuẩn nặng, mất nước, sốc, sử dụng thuốc cản quang iod tĩnh mạch;
  • Mắc các bệnh có thể gây thiếu oxy ở mô như suy tim mất bù, nhồi máu cơ tim gần đây, sốc, suy hô hấp;
  • Người bị suy gan;
  • Người nghiện rượu;
  • Người bị ngộ độc rượu cấp tính.
Trajenta Duo
Trajenta Duo được dùng hỗ trợ kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Trajenta Duo

Cách dùng: Uống cùng bữa ăn, tăng liều từ từ để giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

Liều khuyến cáo linagliptin/metformin hydrochloride: 2,5/500mg, 2,5/850mg hoặc 2,5/100mg x 2 lần/ngày.

Nên chọn liều dùng dựa trên chế độ điều trị hiện tại, hiệu quả, độ dung nạp thuốc trên từng bệnh nhân. Liều hằng ngày tối đa được khuyến cáo là: 5mg linagliptin và 2000mg metformin.

Chỉ định liều dùng thuốc Trajenta Duo cụ thể như sau:

  • Bệnh nhân gần đây không điều trị bằng metformin: Liều khởi đầu là 2,5mg linagliptin/500mg metformin hydrochloride x 2 lần/ngày;
  • Bệnh nhân chưa kiểm soát đường huyết tốt với liều dùng tối đa metformin đơn trị liệu: Liều khởi đầu là linagliptin 2,5mg x 2 lần/ngày (tổng liều 5mg/ngày) và liều metformin đang sử dụng;
  • Bệnh nhân chuyển từ phối hợp linagliptin + metformin dạng riêng lẻ: Liều khởi đầu là liều linagliptin và metformin đang sử dụng;
  • Bệnh nhân chưa kiểm soát đường huyết tốt với chế độ điều trị phối hợp 2 thuốc gồm metformin + 1 sulphonylurea ở mức liều tối đa có thể dung nạp: Dùng liều 2,5mg linagliptin x 2 lần/ngày (tổng liều 5mg/ngày) và 1 liều metformin liều bệnh nhân đang sử dụng. Khi phối hợp Trajenta Duo với 1 sulphonylurea, có thể cần dùng liều sulphonylurea thấp hơn (do nguy cơ hạ đường huyết);

Bệnh nhân suy thận: Có thể sử dụng Trajenta Duo cho người bệnh suy thận trung bình, giai đoạn 3a (độ thanh thải creatinin 45 - 59mg/phút hoặc độ lọc cầu thận ước tính 45 - 59 mL/phút/1,73m2) nếu không có các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm toan acid lactic. Dùng liều như sau: Liều tối đa của metformin là 500mg 2 lần/ngày. Cần theo dõi chặt chức năng thận của bệnh nhân. Nếu độ thanh thải creatinin dưới 45 - 59mg/phút hoặc độ lọc cầu thận dưới 45 - 59 mL/phút/1,73m2 thì nên ngừng dùng Trajenta Duo ngay lập tức.

Bệnh nhân suy gan: Thuốc Trajenta Duo chống chỉ định trên bệnh nhân suy gan (do có thành phần metformin).

Người cao tuổi: Do metformin thải trừ qua thận, người cao tuổi thường bị suy giảm chức năng thận nên cần theo dõi chức năng thận thường xuyên ở người cao tuổi dùng thuốc Trajenta Duo.

Trẻ em và thanh thiếu niên: Không sử dụng Trajenta Duo cho trẻ dưới 18 tuổi.

Quên liều: Nếu quên liều Trajenta Duo, cần uống ngay khi nhớ ra. Chú ý không dùng liều gấp đôi ở cùng 1 thời điểm, nên bỏ qua liều đã quên.

Quá liều: Thực hiện các biện pháp điều trị hỗ trợ (loại bỏ thuốc chưa hấp thu khỏi đường tiêu hóa, theo dõi lâm sàng, điều trị lọc thận,...).

3. Tác dụng phụ của thuốc Trajenta Duo

Khi sử dụng thuốc Trajenta Duo, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Viêm mũi họng, phản ứng quá mẫn, ho, giảm cảm giác thèm ăn, tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, viêm tụy, ngứa da,... Khi gặp các tác dụng phụ này, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ.

thuốc Trajenta Duo
Thuốc Trajenta Duo có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người bệnh

4. Thận trọng khi dùng thuốc Trajenta Duo

Một số lưu ý người dùng cần nhớ khi dùng thuốc Trajenta Duo:

  • Không sử dụng Trajenta Duo cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 hoặc người bệnh tiểu đường nhiễm toan ceton;
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi;
  • Kết hợp sử dụng với các thuốc gây hạ đường huyết: Linagliptin/metformin kết hợp với các thuốc kích thích tiết insulin và insulin sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết;
  • Biến chứng nhiễm toan acid lactic có thể xảy ra trong quá trình điều trị với Trajenta Duo (do tích tụ metformin), dễ dẫn đến tử vong. Bác sĩ cần hướng dẫn bệnh nhân để nhận biết triệu chứng nhiễm toan acid lactic;
  • Có nguy cơ viêm tụy khi sử dụng linagliptin (hoạt chất có trong Trajenta Duo). Nếu nghi ngờ viêm tụy, bệnh nhân nên ngưng dùng thuốc và cần được điều trị thích hợp;
  • Có thể xảy ra phản ứng quá mẫn nghiêm trọng ở bệnh nhân sử dụng linagliptin (hoạt chất có trong Trajenta Duo). Các phản ứng gồm: Phù mạch, sốc quá mẫn, bong da. Nếu nghi ngờ xảy ra phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, bệnh nhân nên ngưng dùng thuốc Trajenta Duo, lựa chọn biện pháp điều trị tiểu đường khác;
  • Sử dụng metformin (một hoạt chất trong thuốc Trajenta Duo) có thể gây suy giảm nồng độ vitamin B12 trong cơ thể. Vì vậy, nên kiểm tra các thông số huyết học định kỳ ở bệnh nhân dùng Trajenta Duo;
  • Rượu làm tăng tác dụng của metformin trên chuyển hóa lactate nên bệnh nhân cần hạn chế sử dụng rượu trong khi dùng thuốc Trajenta Duo;
  • Trụy tim mạch do nguyên nhân bất kỳ có liên quan tới nhiễm toan acid lactic, có thể gây tăng ure huyết trước thận. Người bệnh đang điều trị bằng Trajenta Duo nên ngừng thuốc ngay khi xảy ra các biến cố này;
  • Do metformin hydrochloride được thải trừ qua thận nên cần xác định nồng độ creatinin huyết thanh trước khi bắt đầu điều trị. Sau đó, định kỳ kiểm tra 1 lần/năm ở người có chức năng thận bình thường; 2 - 4 lần/năm ở người có nồng độ creatinin giới hạn trên mức bình thường và người lớn tuổi. Thận trọng khi dùng thuốc Trajenta Duo ở người cao tuổi;
  • Bệnh nhân suy tim có nguy cơ cao bị thiếu oxy và suy thận. Người bệnh suy tim mạn tính ổn định có thể sử dụng thuốc Trajenta Duo nhưng cần thường xuyên theo dõi chức năng tim và thận. Không dùng thuốc cho bệnh nhân suy tim cấp và suy tim không ổn định;
  • Sử dụng các thuốc cản quang iod đường tĩnh mạch trong kiểm tra X-quang có thể dẫn tới suy thận. Người bệnh nên ngưng dùng thuốc Trajenta Duo trong thời gian khảo sát theo hướng dẫn của bác sĩ;
  • Ngừng sử dụng metformin hydrochloride 48 giờ trước phẫu thuật có gây mê toàn thân, gây mê ngoài màng cứng hoặc gây mê tủy sống. Có thể sử dụng thuốc sau 48 giờ từ khi phẫu thuật hoặc người bệnh được nuôi ăn trở lại bằng đường miệng, có chức năng thận bình thường.

5. Tương tác thuốc Trajenta Duo

Một số tương tác thuốc Trajenta Duo người bệnh cần chú ý:

  • Phối hợp đa liều linagliptin (10mg x 1 lần/ngày) và metformin (850mg x 2 lần/ngày) trên người khỏe mạnh không gây ảnh hưởng nhiều tới dược động học của linagliptin và metformin;
  • Dùng Trajenta Duo kết hợp với các thuốc hạ đường huyết khác, ethanol: Có thể gây hạ đường huyết;
  • Kết hợp với topiramate: Có thể gây toan chuyển hóa, làm trầm trọng thâm nguy cơ nhiễm toan acid lactic;
  • Thuốc gốc cation như cimetidin có thể tương tác với metformin;
  • Thận trọng khi dùng Trajenta Duo với topiramate hoặc thuốc ức chế carbonic anhydrase (zonisamide, acetazolamide, dichlorphenamide) vì làm giảm bicarbonate huyết thanh, gây toan chuyển hóa tăng clo huyết, tăng nguy cơ nhiễm toan acid lactic;
  • Tránh dùng thuốc Trajenta Duo với rượu và thuốc chứa cồn.

Thuốc Trajenta Duo có chỉ định nghiêm ngặt về liều dùng. Người bệnh nên dùng thuốc đúng theo lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trị liệu, giảm tối đa nguy cơ xảy ra các phản ứng bất lợi. Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan