Công dụng thuốc Zennadol

Zennadol là thuốc thuộc nhóm chống viêm không Steroid, có khả năng giảm đau và hạ sốt hiệu quả. Thuốc được chỉ định và chống chỉ định trong những trường hợp nhất định, bởi thế người dùng cần tìm hiểu một số thông tin quan trọng trước khi dùng để đảm bảo an toàn đối với sức khỏe.

1. Thuốc Zennadol có tác dụng gì?

Zennadol thuốc có chứa thành phần chính là Paracetamol 400mg, Clorpheniramin maleat 2mg và Cafein 20mg.

Trong bảng thành phần này, Paracetamol (acetaminophen) là hoạt chất giúp giảm đau và hạ sốt, được sử dụng trong các loại thuốc điều trị các triệu chứng như đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau lưng, đau răng, cảm lạnh và sốt...

Chlorpheniramine maleate trong Zennadol chỉ chiếm 1 hàm lượng nhỏ. Đây là thành phần có khả năng chống dị ứng, thuộc nhóm kháng histamin, giúp giảm các triệu chứng dị ứng, sốt cỏ khô và cảm lạnh thông thường. Chlorpheniramine maleate phát huy tốt hiệu quả với các dấu hiệu như phát ban, chảy nước mắt, chảy nước mũi, ngứa mắt, mũi, họng, ho và hắt hơi.

Cuối cùng, Caffeine là hoạt chất có trong nhiều loại thực phẩm, đồng thời cũng là thành phần của nhiều loại thuốc giảm đau, mang đến sự tỉnh táo cho người sử dụng.

2. Chỉ định và chống chỉ định

2.1. Chỉ định

Với những thành phần trên, thuốc Zennadol được chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân đang mắc các bệnh lý cảm cúm, sốt dẫn đến ho, sổ mũi, đau nhức toàn thân và chảy nước mắt.
  • Người cao tuổi thường xuyên đau cơ xương khớp và đau do lao động quá sức.
  • Người đau do bị chấn thương bởi tai nạn, chơi thể thao.

2.2. Chống chỉ định

Không dùng Zennadol cho bệnh nhân mẫn cảm với thành phần của thuốc, mắc các bệnh lý liên quan đến tim, gan, thận, phổi đặc biệt là người suy tế bào gan hay suy thận nặng.

Chống chỉ định cho trẻ dưới 6 tuổi, người đang mang thai hoặc đang trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

3. Liều lượng và cách dùng

Cần sử dụng Zennadol với liều dùng ghi trên bao bì, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ. Bệnh nhân không được tự ý tính toán, áp dụng hoặc thay đổi liều dùng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Về cách dùng, thuốc Zennadol được sử dụng qua đường uống với thời gian sử dụng không quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em.

Không dùng thuốc để tự điều trị sốt cao trên 39,5 độ C, sốt kéo dài trên 3 ngày hoặc sốt tái phát.

Để giảm thiểu nguy cơ quá liều, không nên cho trẻ em dùng quá 5 liều thuốc để giảm đau hoặc hạ sốt trong vòng 24 giờ.

4. Tác dụng phụ

Mặc dù mang đến nhiều công dụng nhưng thuốc Zennadol cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ cho người sử dụng, cụ thể:

  • Đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy kéo dài trong suốt thời gian dùng thuốc.
  • Phát ban, dị ứng, chóng mặt, đau đầu, buồn ngủ và ngủ gà.
  • Sưng phù, khô miệng, chán ăn, xuất huyết tiêu hóa và sốc phản vệ.

Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Zennadol và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

5. Tương tác thuốc Zennadol

  • Thuốc Zennadol có thể tương tác với rượu làm tăng nguy cơ gây độc cho gan. Do đó người bệnh tuyệt đối không sử dụng rượu khi đang uống thuốc.
  • Không dùng chung Zennadol với các loại thuốc chống co giật (gồm phenytoin, barbiturat và carbamazepin) do có thể làm tăng tính độc hại gan.
  • Hạn chế tự dùng Zennadol khi đang dùng thuốc chống co giật hoặc Isoniazid.
  • Probenecid có thể làm giảm đào thải paracetamol và làm tăng thời gian nửa đời trong huyết tương của paracetamol trong thuốc Zennadol.

Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Zennadol thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Zennadol phù hợp.

6. Thận trọng khi dùng Zennadol

Trong quá trình sử dụng thuốc Zennadol, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng Zennadol để tránh gây quá liều. Khi dùng thuốc Zennadol quá liều sẽ dẫn đến tình trạng buồn nôn, nôn, chán ăn, xanh xao và đau bụng. Về lâu dài, bệnh nhân có thể tăng men gan nhanh chóng, dẫn đến hoại tử hoàn toàn và không thể hồi phục. Do đó, bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế để được khắc phục ngay lập tức.
  • Người cao tuổi, người suy dinh dưỡng, bệnh nhân dùng các thuốc có khả năng gây tăng men gan, ... có nguy cơ gặp độc tính cao hơn khi dùng thuốc Zennadol nên cần hết sức thận trọng.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Zennadol, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Zennadol điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

36 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan