Roflumilast là thuốc gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn là bệnh lý hô hấp rất hay gặp. Bên cạnh các thuốc giãn phế quản cắt hơn hoặc corticosteroid dự phòng thì người bệnh có thể sử dụng thuốc Roflumilast. Vậy Roflumilast thuốc có tác dụng gì?

1. Roflumilast thuốc là gì?

Roflumilast là hoạt chất thuộc nhóm điều trị bệnh lý tắc nghẽn đường hô hấp, được bào chế ở dạng viên nén với hàm lượng Roflumilast 250 mcgRoflumilast 500 mcg.

Roflumilast bản chất là một chất ức chế PDE4 hay một chất chống viêm không steroid mục tiêu đối với cả phản ứng viêm toàn thân và tình trạng viêm ở phổi liên quan đến COPD. Thuốc ức chế enzyme PDE4 trong chu trình chuyển hóa adenosine monophosphate (cAMP), được tìm thấy trong các tế bào cấu trúc và tế bào viêm quan trọng đối với cơ chế bệnh sinh của COPD. Roflumilast có tác dụng trên các biến thể ghép nối PDE4A, 4B và 4D với hiệu lực tương đương, riêng ái lực với biến thể nối PDE4C thấp hơn 5-10 lần. Cơ chế tác dụng này cũng giống với Roflumilast N-oxit, một chất chuyển hóa có hoạt tính chính của Roflumilast.

Đặc điểm dược động học:

  • Hấp thu: Sinh khả dụng tuyệt đối của roflumilast sau khi sử dụng liều 500 mcg đạt khoảng 80%. Nồng độ tối đa trong huyết tương đạt sau khoảng 1 giờ uống thuốc khi bụng đói, còn nồng độ tối đa của chất chuyển hóa N-oxit ghi nhận sau khoảng 8 giờ;
  • Phân bố: Roflumilast và chất chuyển hóa có hoạt tính liên kết với protein huyết tương tương ứng là khoảng 99% và 97%;
  • Chuyển hóa: Roflumilast có khả năng chuyển hóa rộng rãi thông qua các phản ứng giai đoạn I (cytochrome P450) và giai đoạn II (liên hợp);
  • Thải trừ: Thời gian bán thải khi dùng đường uống của Roflumilast và chất chuyển hóa lần lượt là 17 và 30 giờ.

2. Chỉ định và chống chỉ định của Roflumilast

Thuốc Roflumilast được sử dụng với mục đích duy trì điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mức độ nặng (FEV1 dự đoán dưới 50% sau xịt thuốc giãn phế quản) với các yếu tố kèm theo như viêm phế quản mãn tính ở bệnh nhân người trưởng thành có tiền sử xảy ra các đợt cấp thường xuyên khi điều trị bằng thuốc giãn phế quản.

Chống chỉ định của thuốc Roflumilast 250 mcg và 500mcg:

  • Dị ứng với hoạt chất Roflumilast hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào có trong thuốc;
  • Suy chức năng gan mức độ trung bình trở lên (phân độ Child-Pugh B hoặc C).

3. Hướng dẫn liều lượng và cách dùng thuốc Roflumilast

Đối với người trưởng thành:

  • Liều khởi đầu là 250 microgram/ngày, tương đương 1 viên Roflumilast 250 mcg uống 1 lần duy nhất trong thời gian 28 ngày;
  • Sau 28 ngày điều trị ở liều 250 mcg, người bệnh COPD phải được điều chỉnh liều thành 1 viên Roflumilast 500mcg, uống 1 lần/ngày.

Đối với các đối tượng khác:

  • Sử dụng liều tương tự người trưởng thành, không cần điều chỉnh liều Roflumilast trên người cao tuổi, suy thận hay suy gan mức độ nhẹ (Child-Pugh A).

4. Roflumilast thuốc tác dụng phụ là gì?

Một số tác dụng phụ thường gặp khi uống thuốc Roflumilast:

  • Sụt cân, tăng cảm giác thèm ăn;
  • Suy giảm giấc ngủ;
  • Đau đầu;
  • Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng.

Một số tác dụng phụ ít gặp của Roflumilast:

  • Xảy ra tình trạng quá mẫn cảm với thuốc;
  • Chóng mặt;
  • Hồi hộp, đánh trống ngực;
  • Rối loạn tiêu hóa, nôn ói, viêm dạ dày hoặc trào ngược dạ dày thực quản;
  • Phát ban ngoài da;
  • Cơ co thắt, đau nhức, đau lưng;
  • Cơ thể suy nhược, mệt mỏi;
  • Xuất hiện ý định tự sát, cảm giác lo lắng, phiền muộn hay hoảng loạn;
  • Nhiễm khuẩn hô hấp (không bao gồm viêm phổi);
  • Táo bón;
  • Tăng men gan;
  • Nổi mề đay;
  • Tăng creatine và phosphokinase máu.

5. Một số lưu ý khi sử dụng Roflumilast

  • Thuốc Roflumilast không có tác dụng giảm các cơn co thắt phế quản cấp tính;
  • Khuyến cáo người bệnh nên kiểm tra trọng lượng cơ thể thường xuyên, khi ghi nhận tình trạng sụt cân không rõ nguyên nhân thì nên ngừng uống Roflumilast và theo dõi trọng lượng cơ thể;
  • Theo khuyến cáo Roflumilast không thích hợp sử dụng cho các trường hợp mắc các bệnh lý miễn dịch nặng (nhiễm HIV, đa xơ cứng, lupus ban đỏ, bệnh não đa ổ tiến triển), bệnh truyền nhiễm cấp tính nặng, ung thư (trừ ung thư biểu mô tế bào đáy) hoặc người đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch (như Methotrexate, Azathioprine, Infliximab hoặc corticosteroid đường uống dùng kéo dài). Những nghiên cứu trên đối tượng mắc các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn như lao, viêm gan vi rút, herpes và herpes zoster còn hạn chế;
  • Bệnh nhân suy tim sung huyết (NYHA độ 3 và 4) chưa được nghiên cứu về việc sử dụng Roflumilast, vì vậy đối tượng này không được khuyến cáo sử dụng sản phẩm này;
  • Roflumilast làm tăng nguy cơ xảy ra một số rối loạn tâm thần như mất ngủ, cảm giác lo lắng, căng thẳng tinh thần và trầm cảm. Do đó, bệnh nhân có tiền sử trầm cảm không được khuyến cáo sử dụng Roflumilast, đặc biệt ở người trầm cảm có ý định hoặc hành vi tự sát. Đồng thời, trong quá trình sử dụng Roflumilast mà xuất hiện các triệu chứng tâm thần mới, ý định hoặc hành vi tự tử thì ngay lập tức ngừng điều trị;
  • Các tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng và đau đầu đa số xuất hiện trong thời gian đầu điều trị bằng Roflumilast và có thể cải thiện khi tiếp tục uống thuốc;
  • Điều trị bằng Roflumilast dẫn đến tăng nguy cơ rối loạn giấc ngủ, đặc biệt ở người bệnh cân nặng dưới 60 kg do hoạt tính ức chế PDE4 cao hơn;
  • Roflumilast thuốc không nên sử dụng ở đối tượng nữ giới trong độ tuổi sinh sản và nếu sử dụng thì cần áp dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả;
  • Lưu ý với phụ nữ có thai: Roflumilast có thể đi qua nhau thai ở chuột nghiên cứu và đa số các nghiên cứu trên động vật đều cho thấy độc tính trên khả năng sinh sản. Do đó, Roflumilast không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai;
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú: Dữ liệu dược động học nghiên cứu trên động vật cho thấy khả năng bài tiết Roflumilast hoặc các chất chuyển hóa của nó vào sữa mẹ. Vì không thể loại trừ rủi ro cho trẻ bú mẹ nên Roflumilast không khuyến cáo sử dụng ở phụ nữ cho con bú.

6. Tương tác thuốc của Roflumilast

Cả Roflumilast và chất chuyển hóa Roflumilast N-oxit đều mang lại tác dụng ức chế phosphodiesterase-4 (PDE4) nội tại. Do đó, sau khi uống tác dụng ức chế PDE4 toàn phần được xem là sự kết hợp của cả RoflumilastRoflumilast N-oxit;

Sử dụng kết hợp Roflumilast với các thuốc ức chế CYP1A2/3A4 hat chất ức chế CYP1A2/2C19/3A4 có thể làm tăng tổng hoạt tính ức chế PDE4 của Roflumilast;

Rifampicin gây cảm ứng enzym cytochrom P450, qua đó làm giảm tổng hoạt tính ức chế PDE4 khoảng 60%. Do đó, sử dụng kết hợp các chất cảm ứng enzym cytochrom P450 mạnh (như Phenobarbital, Carbamazepine, Phenytoin) có thể làm giảm hiệu quả điều trị của Roflumilast;

Roflumilast có thể uống cùng hoặc không với thức ăn. Tuy nhiên, khi dùng Roflumilast cùng các bữa ăn có nhiều chất béo có thể làm giảm và làm chậm Cmax và Tmax, nhưng không ảnh hưởng đến AUC của Roflumilast hoặc chất chuyển hóa có hoạt tính của nó.

Tóm lại, Roflumilast là hoạt chất thuộc nhóm điều trị bệnh lý tắc nghẽn đường hô hấp, được bào chế ở dạng viên nén với hàm lượng Roflumilast 250 mcg và Roflumilast 500 mcg. Thuốc Roflumilast được sử dụng với mục đích duy trì điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mức độ nặng. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan