Tác dụng của thuốc Furoscix

Thuốc Furoscix thường được dùng theo đường tiêm truyền tĩnh mạch nhằm điều trị cho các trường hợp tắc nghẽn do quá tải chất lỏng ở bệnh nhân suy tim mãn tính. Ngoài ra, Furoscix cũng xử lý hiệu quả một số tình trạng khác như tăng canxi huyết, phù phổi cấp, phù trong xơ gan,... Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ những chỉ định dùng thuốc Furoscix của bác sĩ để sớm khắc phục bệnh.

1. Thuốc Furoscix là thuốc gì?

Furoscix là nhóm thuốc lợi tiểu quai, thường được sử dụng cho các trường hợp bị quá tải dịch ở người lớn mắc bệnh suy tim mãn tính. Hiện nay, thuốc Furoscix được sử dụng qua đường tiêm truyền dưới da theo chỉ định của bác sĩ.

Hoạt chất chính trong thuốc Furoscix là Furosemide hàm lượng 80mg/ 10ml. Ngoài ra, thuốc còn được bổ sung thêm những tá dược khác giúp nâng cao công dụng trị liệu của Furosemide.

2. Tác dụng của thuốc Furoscix

2.1 Công dụng của hoạt chất Furosemide

Thành phần chính Furosemide trong công thức thuốc Furoscix được biết đến với khả năng làm giảm phù nề và tăng đào thải lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể cho những người mắc bệnh thận, gan hoặc suy tim. Nhờ vậy, các triệu chứng như sưng tay/ chân/ bụng và khó thở được cải thiện rõ rệt.

Ngoài ra, hoạt chất Furosemide cũng được sử dụng cho các trường hợp bị cao huyết áp. Thuốc có tác dụng điều hoà mức huyết áp nhằm ngăn chặn tình trạng đau tim, đột quỵ và các vấn đề liên quan đến thận một cách hiệu quả. Hiện nay, Furosemide cũng thường được kê đơn nhằm làm giảm bớt mức canxi trong máu.

2.2 Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Furoscix

Theo chỉ định của bác sĩ, thuốc Furoscix thường được tiêm truyền cho những trường hợp dưới đây:

  • Điều trị tình trạng tắc nghẽn do quá tải chất lỏng ở bệnh nhân mắc suy tim mãn tính loại II và III.
  • Điều trị giảm nhẹ các triệu chứng như đau thắt ngực, thở gấp hoặc bị hạn chế các hoạt động thể chất thông thường ở bệnh nhân mắc suy tim sung huyết cấp độ II.
  • Điều trị tình trạng phù trong xơ gan, bệnh thận và suy tim sung huyết.
  • Hỗ trợ điều trị chứng tiểu ít xảy ra do suy thận cấp/ mãn tính.
  • Hỗ trợ điều trị tình trạng phù phổi cấp.
  • Điều trị hiệu quả hiện tượng tăng canxi huyết.
  • Điều trị tình trạng tăng huyết áp, nhất là do nguyên nhân bắt nguồn từ suy thận hoặc suy tim sung huyết.

Không nên sử dụng thuốc Furoscix cho những trường hợp bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định:

  • Người có tiền sử mẫn cảm hoặc dị ứng với các Sulfamid hay Furosemide.
  • Bệnh nhân bị vô niệu (sản xuất nước tiểu kém), xơ gan hoặc cổ trướng (tích tụ chất lỏng trong bụng).
  • Người bị tiền hôn mê gan hoặc đã bị hôn mê gan.
  • Bệnh nhân bị suy thận do sử dụng những loại thuốc gây độc cho gan / thận.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Furoscix

Furoscix thuốc lợi tiểu quai thường được sử dụng theo đường tiêm bắp hoặc tiêm truyền tĩnh mạch tuỳ theo chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là liều dùng thuốc Furoscix mà bạn có thể tham khảo:

  • Liều tiêm bắp/ tĩnh mạch thông thường: Tiêm 1 liều duy nhất khoảng 20 – 40mg trong giờ đầu tiên. Nếu bệnh nhân không đáp ứng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng liều tiếp theo, mỗi liều tăng thêm 20mg trong mỗi 4 giờ cho tới khi đạt được hiệu quả lợi niệu như mong muốn.
  • Liều điều trị phù phổi cấp: Tiêm tĩnh mạch chậm liều 40mg trong vòng 1 – 2 phút. Nếu sau một giờ không có đáp ứng, bệnh nhân sẽ được tăng liều lên đến 80mg trong vòng 1 – 2 phút. Đối với những trường hợp có cơn tăng huyết áp nhưng chức năng thận bình thường sẽ dùng liều từ 40 – 80mg tiêm tĩnh mạch chậm khoảng 1 – 2 phút.

Người bệnh cần lưu ý rằng thuốc Furoscix không sử dụng kéo dài, tốt nhất nên cố gắng thay thế bằng loại thuốc lợi tiểu đường uống sớm nhất có thể. Trong trường hợp dùng thuốc theo đường truyền tĩnh mạch, thời gian truyền sẽ kéo dài khoảng 5 giờ. Trong suốt thời gian này, bệnh nhân cần hạn chế các hoạt động hay động tác gập người. Sau khoảng một giờ truyền dịch, lượng nước tiểu tăng lên rõ rệt và bệnh nhân có thể cần đi vệ sinh thường xuyên.

Tuyệt đối không dùng quá liều thuốc Furoscix bởi điều này có thể dẫn đến những triệu chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, mất nước, hạ kali huyết, giảm thể tích máu, mất cân bằng điện giải, nhiễm kiềm giảm clor. Khi đó, bệnh nhân cần nhanh chóng báo cho bác sĩ để được bù lại lượng điện giải và nước đã mất đi. Ngoài ra, bác sĩ cũng tiến hành kiểm tra thường xuyên mức carbon dioxide, lượng điện giải trong huyết thanh và huyết áp của bệnh nhân. Đặc biệt, cần đảm bảo dẫn lưu đầy đủ khi đường ra nước tiểu của người bệnh bị tắc nghẽn từ trong bàng quang (chẳng hạn phì đại tuyến tiền liệt).

4. Thuốc Furoscix gây ra những tác dụng phụ gì?

Trong một số trường hợp nhất định, thuốc Furoscix có thể gây ra những phản ứng ngoại ý sau:

  • Phản ứng thường gặp: Bầm tím, sưng phù/ đau tại chỗ tiêm, hạ huyết áp tư thế đứng, giảm thể tích máu khi dùng ở liều cao, giảm natri huyết, giảm kali huyết, giảm canxi huyết, giảm magnesi huyết, giảm clor huyết hoặc nhiễm kiềm.
  • Phản ứng ít gặp: Rối loạn tiêu hoá, buồn nôn, nôn ói, bệnh Gout hoặc tăng Acid uric huyết.
  • Phản ứng hiếm gặp: Viêm thận kẽ, viêm mạch, sốt, giảm bạch cầu, ức chế tủy xương, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, thiếu máu, tăng glucose niệu, tăng glucose huyết, giảm thính lực, ù tai, vàng da ứ mật, viêm tụy hoặc điếc.
  • Phản ứng chưa rõ tần suất: Ban xuất huyết, ban đỏ đa dạng, nổi mày đay, ngứa, viêm da tróc vảy, dị ứng, tổn thương bóng nước, hội chứng Steven-Johnson, bệnh não gan hoặc tình trạng AGEP.

Khi gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp. Một số triệu chứng có nguy cơ tiến triển nặng khi không được xử trí kịp thời, do đó người dùng thuốc cần theo dõi chặt chẽ những phản ứng của cơ thể trong thời gian tiêm truyền Furoscix.

5. Những lưu ý quan trọng cần nắm rõ khi dùng thuốc Furoscix

Trong quá trình sử dụng thuốc Furoscix, bệnh nhân cần thận trọng một số điều sau để đảm bảo an toàn và sớm đạt hiệu quả điều trị:

  • Cần theo dõi chặt chẽ chất điện giải của những bệnh nhân bị Gout, hạ huyết áp, suy thận, suy gan hoặc đái tháo đường.
  • Nên giảm liều thuốc cho người cao tuổi nhằm ngăn nguy cơ gây độc với thính giác.
  • Trong trường hợp ít nước tiểu, cần nhanh chóng bù đủ thể tích máu cho bệnh nhân trước khi sử dụng thuốc.
  • Sau khi tiêm hoặc truyền tĩnh mạch thuốc Furoscix, nguy cơ suy giảm thính lực hoặc ù tai có thể tăng lên, nhất là khi dùng liều cao hoặc truyền quá nhanh.
  • Thận trọng khi sử dụng Furoscix cho bệnh nhi, đặc biệt là trường hợp phải dùng thuốc kéo dài.
  • Dùng thuốc Furoscix cho trẻ sơ sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh còn ống động mạch.
  • Thận trọng khi dùng Furoscix cho bệnh nhi bị vàng da do hoạt chất Furosemide chiếm dụng vị trí của Bilirubin gắn tại Albumin.
  • Tốc độ truyền tĩnh mạch thuốc Furoscix không nên vượt quá 4mg / phút, nên chậm hơn đối với bệnh nhân suy gan, suy thận hoặc mắc hội chứng gan thận.
  • Thận trọng khi dùng Furoscix cho bệnh nhân bị tiểu khó hoặc phì đại tuyến tiền liệt do nguy cơ thúc đẩy bí tiểu cấp.
  • Dùng Furoscix cho bệnh nhân giảm chức năng tuyến cận giáp có thể gây hạ canxi huyết dẫn đến co cứng cơ.
  • Thận trọng khi dùng Furoscix cho phụ nữ có thai hoặc bà mẹ nuôi con bú. Chỉ nên sử dụng Furoscix khi mặt lợi ích lớn hơn hẳn so với rủi ro.
  • Kiểm tra hạn sử dụng của Furoscix trước khi dùng, tránh dùng thuốc đã hết hạn hoặc có dấu hiệu vẩn đục, biến đổi màu sắc.

6. Furoscix tương tác với các loại thuốc nào?

Đôi khi, việc sử dụng các loại thuốc cùng lúc với nhau là không an toàn. Bởi một số loại thuốc có khả năng ảnh hưởng đến nồng độ trong máu của những thuốc khác mà bệnh nhân đang sử dụng. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ hoặc khiến thuốc hoạt động kém hiệu quả hơn. Bệnh nhân cần trao đổi cụ thể với bác sĩ về tất cả những loại thuốc đang sử dụng, đặc biệt là:

  • Axit ethacrynic.
  • Kháng sinh Aminoglycoside.
  • Clo hydrat.
  • Liti.
  • Cisplatin.
  • Phenytoin.
  • Salicylate.
  • Thuốc huyết áp hoặc điều trị bệnh tim.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Furoscix, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Furoscix là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Nguồn tham khảo: drugs.com, accessdata.fda.gov, furoscix.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

63 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan