Tác dụng và cách dùng thuốc Neupogen

Neupogen là một loại globulin miễn dịch, có chức năng phục hồi tủy ở bệnh nhân cấy ghép tủy, bệnh nhân hóa trị gây giảm bạch cầu,... Vậy cơ chế tác dụng, chỉ định, cách dùng và một số lưu ý khi sử dụng thuốc là gì?

1. Neupogen là thuốc gì?

Thuốc Neupogen chứa thành phần hoạt chất chính là Filgrastim - một loại protein tinh chế không glycosyl hóa. Filgrastim sản xuất từ vi khuẩn E.coli có gắn thêm gen sản xuất G-CSF (Non-glycosylated Recombinant Human Methionyl Granulocyte-Colony Stimulating Factor), chứa 175 acid amin. Thuốc kích thích quá trình tạo máu, làm tăng số lượng bạch cầu trung tính và bạch cầu đơn nhân (mức độ ít hơn).

Cơ chế tác dụng chính nhờ vào thành phần glycoprotein G-CSF ở người, glycoprotein này điều hòa sự sản xuất và tăng cường phóng thích các bạch cầu đa nhân trung tính trong máu ngoại vi trong vòng 24 giờ.

Việc gia tăng dòng tế bào bạch cầu đa nhân phụ thuộc vào liều điều trị. Sau khi ngưng thuốc số lượng bạch cầu giảm 50% trong vòng 1-2 ngày và trở về bình thường trong khoảng 1-7 ngày. Bệnh nhân đang thực hiện hóa trị liệu gây độc cho tế bào, khi phối hợp với Neupogen làm thời gian nằm viện ít hơn và ít phải sử dụng kháng sinh hơn.

Có sự tương quan tuyến tính thuận về mức độ hấp thu của thuốc ở liều tiêm tĩnh mạch và tiêm dưới da. Sau khi vào hệ tuần hoàn, thuốc phân bố trung bình trong máu khoảng 150ml/kg ở cả người bình thường và người đang điều trị ung thư. Chưa rõ con đường thải trừ của thuốc sau quá trình hấp thu và chuyển hóa trong cơ thể.

2. Chỉ định của thuốc Neupogen

Thuốc Neupogen được chỉ định sử dụng trong các trường hợp bệnh lý sau:

  • Bệnh nhân ung thư đang hóa trị gây nhiễm độc tế bào, giảm bạch cầu đa nhân trung tính.
  • Phục hồi chức năng tủy bào ở bệnh nhân đã cấy ghép tủy đồng hay dị chủ thể.
  • Điều trị, dự phòng bệnh lý giảm bạch cầu trung tính nặng bẩm sinh có tiền sử nhiễm trùng nặng hoặc ở bệnh nhân suy tủy.
  • Huy động và tăng sinh các tế bào đầu dòng máu ngoại vi.
  • Bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính dai dẳng do nhiễm HIV khi không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Bệnh nhân chuẩn bị ghép tủy cần ức chế tủy.

3. Chống chỉ định của thuốc Neupogen

Thuốc Neupogen không được sử dụng điều trị trong các trường hợp sau đây:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần Filgrastim hay bất cứ thành phần tá dược nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân giảm bạch cầu đa nhân trung tính bẩm sinh có sinh bào bất thường.
  • Bệnh nhân suy gan, suy thận không có chỉ định dùng thuốc Neupogen.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Neupogen

  • Bệnh nhân đang có các tình trạng viêm nhiễm hay tổn thương trên cơ thể nên thận trọng khi dùng thuốc do khả năng xảy ra các phản ứng miễn dịch nặng nề.
  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thức ăn, dị ứng với thuốc, dị ứng hóa chất, chất bảo quản, dị ứng thời tiết hay dị ứng động vật cần thận trọng khi dùng thuốc.
  • Phụ nữ mang thai nếu bắt buộc phải điều trị bằng Neupogen thì nên theo dõi chức năng gan, chức năng thận, chức năng tủy xương thường xuyên. Kiểm tra số lượng các dòng tế bào máu ít nhất 2 lần/ tuần. Ngưng sử dụng thuốc ngay khi có các bất thường ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Ngừng cho con bú trong suốt quá trình dùng thuốc do Neupogen có thể bài tiết qua sữa mẹ và chưa đủ bằng chứng về tính an toàn của thuốc cho trẻ bú mẹ.

5. Liều dùng và cách dùng Neupogen

Cách dùng Neupogen:

  • Neupogen được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm với các hàm lượng khác nhau. Sử dụng thuốc bằng đường tiêm dưới da hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.
  • Pha loãng thuốc trong dùng môi Glucose 5% để truyền tĩnh mạch hoặc truyền dưới da liên tục. Không pha thuốc trong dung dịch nước muối NaCl hay bất kỳ dung môi nào khác.

Liều dùng Neupogen:

Bệnh nhân hóa trị liệu vì bệnh lý ác tính không do tủy

  • Liều ban đầu 0,5 MUI (5mg/kg/ngày); Tiêm truyền dưới da/ truyền tĩnh mạch ít nhất 24 giờ sau hóa trị.
  • Tùy thuộc vào lịch trình và loại thuốc hóa trị mà Neupogen có thể dùng kéo dài từ 14 đến 38 ngày. Không nên ngừng thuốc trước khi bạch cầu trung tính đạt mức theo dự kiến và số lượng bạch cầu chưa hồi phục về mức bình thường.

Bệnh nhân điều trị bằng hóa trị độc tế bào và ghép tủy tự thân

  • Liều ban đầu 1 MUI (10mg/kg/ngày); Truyền dưới da liên tục trong 24 giờ hoặc truyền tĩnh mạch trong 30 phút; Dùng thuốc ít nhất sau 24 giờ làm hóa trị độc tế bào.
  • Khi đạt ngưỡng giảm bạch cầu thấp nhất theo dự kiến, điều chỉnh liều Neupogen theo số lượng bạch cầu đa nhân trung tính.
  • Giảm liều còn 0,5 MUI (5mg/kg/ngày) nếu bạch cầu đa nhân trung tính lớn hơn 10^9/l trong 3 ngày tiếp theo. Ngưng thuốc nếu bạch cầu đa nhân trung tính lớn hơn 10^9/l trong 3 ngày tiếp theo nữa.
  • Liều tối đa có hiệu quả có thể lên đến 7 MUI (70mg/kg/ngày).

Bệnh nhân giảm bạch cầu nặng mãn tính do các bệnh lý bẩm sinh hoặc mắc phải

  • Giảm bạch cầu bẩm sinh: Liều ban đầu 1,2 MUI (12mg/kg/ngày).
  • Giảm bạch cầu mạn tính tự phát hoặc có tính chu kỳ: Liều ban đầu 0,5 MUI (5mg/kg/ngày).
  • Tăng liều dần nếu sau 2 tuần điều trị bệnh nhân không đạt số lượng bạch cầu đa nhân trung tính tối thiểu là 1,5 x 10^9/l. Tăng liều nhanh ở bệnh nhân đang có các nhiễm trùng nặng.
  • Dùng liều quá 14,5 MUI (145mg/kg/ngày) khi chắc chắn bệnh nhân có khả năng dung nạp thuốc.

Tất cả liều dùng đều mang tính chất tham khảo, tùy tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc khác nhau.

6. Tương tác thuốc của Neupogen

Một số tương tác có thể xảy ra khi sử dụng phối hợp Neupogen với các thuốc khác như sau:

  • Bệnh nhân điều trị đồng thời bằng Neupogen5-Fluorouracil trong hóa trị liệu làm tăng mức độ trầm trọng của giảm bạch cầu đa nhân trung tính. Do đó không sử dụng Neupogen trong 24 giờ trước và 24 giờ sau hóa trị liệu.
  • Lithi làm tăng phóng thích bạch cầu trung tính, có thể làm tăng tác dụng của Neupogen khi dùng đồng thời.
  • Ngoài dung dịch Glucose 5%, không pha loãng thuốc với bất kỳ dung môi nào khác do khả năng xảy ra các tương tác bất lợi.
  • Một số tương tác khác của thuốc chưa được chứng minh đầy đủ, do đó trước khi điều trị bằng Neupogen người bệnh nên thông báo với bác sĩ các triệu chứng và các loại thuốc đang sử dụng trong thời gian gần đây.

7. Tác dụng phụ của thuốc Neupogen

Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc Neupogen:

  • Phản ứng phản vệ gây ngứa, nổi ban da, nổi mày đay, nghiêm trọng hơn có thể gây phù ngoại biên, phù mạch, khó thở.
  • Sốt, hội chứng thiếu máu, buồn nôn, nôn.
  • Xuất hiện các cơn đau ở tủy xương, đau thắt lưng, đau vùng xương chậu, xương ức, xương sườn.
  • Tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau họng, táo bón.
  • Rối loạn thể tích của dịch ngoại bào.
  • Các rối loạn hệ mạch máu như tắc tĩnh mạch.
  • Hội chứng rò rỉ mao mạch, tổn thương phổi.
  • Lách to nghiêm trọng có thể dẫn đến vỡ lách.
  • Hội chứng loạn sản tủy hoặc bệnh lý tăng bạch cầu ở bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính mạn.
  • Hội chứng thải mảnh ghép ở bệnh nhân ghép tủy.
  • Cơn quá sản hồng cầu hình liềm ở bệnh nhân tế bệnh bào hình liềm.
  • Khó tiểu mức độ nhẹ đến trung bình.
  • Hạ huyết áp thoáng qua.
  • Tăng nhẹ các trị số cận lâm sàng như lactate dehydrogenase, phosphatase kiềm, acid uric máu, gamma glutamyl transpeptidase.

Như vậy, Neupogen là một phương pháp giúp phục hồi chức năng tủy ở những bệnh nhân hóa trị liệu gây độc tế bào, bệnh nhân cấy ghép tủy xương, bệnh nhân có các bệnh lý bạch cầu mạn tính. Thuốc sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện tại cơ sở y tế được trang bị đầy đủ thiết bị.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan