Thuốc Bystolic: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Bystolic chứa hoạt chất Nebivolol có tác dụng điều trị bệnh cao huyết áp. Để đạt hiệu quả điều trị, người bệnh cần uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ, tốt nhất là uống thuốc vào một giờ nhất định trong ngày.

1.Thuốc Bystolic chữa bệnh gì?

Thuốc Bystolic chứa hoạt chất Nebivolol giúp điều trị bệnh cao huyết áp. Việc kiểm soát huyết áp tốt sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng của cao huyết áp như đột quỵ, đau tim và tổn thương thận.

Bystolic thuốc gì? Nebivolol là thuốc điều trị huyết áp thuộc nhóm chẹn beta. Cơ chế hoạt động của nhóm thuốc là ngăn chặn hoạt động của một số chất dẫn truyền thần kinh như epinephrine trên tim và mạch máu, qua đó làm giảm nhịp tim, huyết áp và áp lực cho tim.

Thuốc Bystolic thường được sử dụng như sau:

  • Thuốc thường được dùng một lần mỗi ngày, có thể uống cùng thức ăn hoặc không tùy theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Liều dùng thuốc được bác sĩ kê đơn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và sự đáp ứng trong điều trị.
Cao huyết áp đang trẻ hóa, có người 30 tuổi đã mắc bệnh
Thuốc Bystolic giúp điều trị bệnh cao huyết áp

  • Để đạt hiệu quả điều trị, người bệnh cần sử dụng thuốc đều đặn, tốt nhất là dùng thuốc vào một thời điểm nhất định trong ngày.
  • Có thể sau một vài tuần điều trị bằng thuốc Bystolic người bệnh mới cảm nhận được hiệu quả của thuốc. Hãy tiếp tục dùng thuốc ngay cả khi bạn thấy tình trạng sức khỏe đã ổn định. Ngoài ra, bạn hãy báo cho bác sĩ nếu bạn dùng thuốc mà chỉ số huyết áp không thuyên giảm hoặc thậm chí tăng lên.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về thuốc Bystolic, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.

2.Tác dụng phụ của thuốc Bystolic

Khi sử dụng thuốc Bystolic, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi, buồn nôn, tim đập chậm, khó ngủ. Để giảm nguy cơ chóng mặt, choáng váng, người bệnh hãy đứng dậy từ từ khi đang ngồi hoặc đang nằm. Thuốc Bystolic có thể làm giảm lưu lượng máu đến bàn tay và bàn chân, khiến tay chân cảm thấy lạnh. Hút thuốc lá có thể làm trầm trọng thêm tác dụng phụ này. Do đó, trong quá trình điều trị bằng thuốc Bystolic, hãy giữ ấm cơ thể và tránh sử dụng thuốc lá.

Ung thư thực quản do hút thuốc lá
Nếu hút thuốc lá trong khi đang sử dụng thuốc Bystolic có thể làm trầm trọng thêm tác dụng phụ của thuốc

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc Bystolic có thể xảy ra như:

  • Ngón tay, ngón chân trở nên tím xanh
  • Ngất xỉu
  • Tim đập rất chậm
  • Khó thở, sưng mắt cá chân, mệt mỏi bất thường, tăng cân đột ngột
  • Các triệu chứng thay đổi tinh thần như nhầm lẫn, trầm cảm,...
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc với các triệu chứng như phát ban; ngứa, sưng (đặc biệt ở mặt, lưỡi, cổ họng), chóng mặt nghiêm trọng, khó thở.

Nếu sau khi sử dụng thuốc Bystolic bệnh nhân có các triệu chứng như trên, hãy đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Lưu ý trên đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ có thể xảy ra. Nếu bạn nhận thấy khi sử dụng thuốc, cơ thể có các tác dụng phụ khác không được liệt kê ở trên, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được tư vấn.

3. Các thận trọng khi sử dụng thuốc Bystolic

Khí phế thũng
Nếu bạn có tiền sử bị khí phế thũng cần hỏi bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Bystolic

Trước khi sử dụng thuốc Bystolic, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu:

  • Bạn dị ứng với Nebivolol hoặc có các dị ứng thuốc, thức ăn nào khác.
  • Bạn có tiền sử bệnh lý, đặc biệt là: các bệnh về nhịp tim (như nhịp tim chậm, block nhĩ thất), các bệnh về tuần hoàn máu (như bệnh Raynaud, bệnh mạch máu ngoại vi), các bệnh hô hấp (như hen suyễn, viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng); bệnh thận; bệnh gan; suy tim; rối loạn tâm thần (như bệnh trầm cảm); bệnh nhược cơ; cường giáp,...

Tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh thích hợp như đổi thuốc hoặc thay đổi liều dùng,...

Thuốc Bystolic có thể làm người bệnh bị chóng mặt. Do đó, chú ý không lái tàu xe hoặc vận hành máy móc cho đến khi triệu chứng chóng mặt hết hoàn toàn. Sử dụng rượu có thể khiến tình trạng chóng mặt trở nên nặng hơn. Cần hạn chế sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian điều trị bằng thuốc Bystolic.

Thuốc Bystolic có thể khiến người bệnh tiểu đường khó kiểm soát lượng đường trong máu. Do đó, nếu điều trị bằng Bystolic, người bệnh tiểu đường cần kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên. Báo cho bác sĩ nếu chỉ số đường huyết của bạn cao bất thường hoặc có các triệu chứng của đường huyết tăng cao như thường xuyên khát, đi tiểu nhiều. Bác sĩ có thể cần điều chỉnh thuốc điều trị tiểu đường, chế độ ăn uống, vận động của người bệnh.

lượng đường trong máu
Bệnh nhân tiểu đường nếu dùng thuốc Bystolic có thể khó kiểm soát lượng đường trong máu

Thuốc Bystolic có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Trẻ sinh ra từ những bà mẹ sử dụng thuốc có thể bị nhẹ cân và một số vấn đề như huyết áp thấp, nhịp tim chậm, đường trong máu thấp,... Do đó, chỉ dùng thuốc trong thai kỳ nếu thật cần thiết và phải có chỉ định của bác sĩ.

Các dữ liệu nghiên cứu hiện tại vẫn chưa khẳng định thuốc có vào sữa mẹ hay không. Vì thế, người bệnh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú.

4.Các tương tác thuốc

Các tương tác giữa các thuốc dùng đồng thời có thể làm thay đổi tác động của thuốc hoặc làm tăng nguy xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, hãy báo cho bác sĩ tất cả các thuốc bạn đang sử dụng bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thuốc có nguồn gốc thảo dược, thực phẩm chức năng. Không được tự ý sử dụng, ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chấp thuận của bác sĩ.

Các thuốc có thể tương tác với thuốc Bystolic như: Fingolimod, các thuốc nhóm NSAIDs (Ibuprofen, Naproxen),...

5.Các lưu ý khác khi sử dụng thuốc

5.1. Xử lý khi dùng thuốc quá liều

Nếu người bệnh sử dụng thuốc quá liều và có các triệu chứng như nhịp tim chậm bất thường, khó thở, ngất xỉu,... hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Khó thở
Dùng thuốc quá liều có thể dẫn đến khó thở

5.2. Chú ý khi dùng thuốc

Cùng với việc dùng thuốc, để kiểm soát tốt huyết áp, người bệnh cần tích cực thay đổi lối sống như thay đổi chế độ ăn, thường xuyên tập thể dục,... Thường xuyên kiểm tra huyết áp và nhịp tim bằng thiết bị đo tại nhà. Báo cho bác sĩ kết quả tự kiểm tra vào những lần tái khám.

5.3. Làm gì nếu bạn quên uống một liều thuốc?

Nếu bạn quên uống một liều thuốc Bystolic, hãy sử dụng thuốc ngay khi bạn nhớ ra. Nếu lúc bạn nhớ ra đã gần đến lúc uống liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo vào thời điểm như bình thường. Tuyệt đối không được sử dụng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên.

5.4. Cách bảo quản thuốc

Bảo quản thuốc Bystolic trong điều kiện nhiệt độ phòng, dưới 30 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp và hơi ẩm. Không lưu trữ thuốc trong phòng tắm. Hãy giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em để đảm bảo an toàn.

Thuốc Bystolic chứa hoạt chất Nebivolol có tác dụng điều trị bệnh cao huyết áp. Để tránh các tác dụng phụ và tăng hiệu quả điều trị, người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

799 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan