Thuốc Otrexup: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Otrexup có tên gọi chung là Methotrexate, được dùng để kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp, vẩy nến nặng. Vậy khi dùng thuốc Otrexup cần lưu ý những gì?

1. Thuốc Otrexup có tác dụng gì?

Otrexup có tên gọi chung là Methotrexate, thuộc nhóm thuốc chống chuyển hóa, có tác dụng ức chế hệ miễn dịch và được dùng để kiểm soát bệnh vẩy nến mức độ nặng hoặc viêm khớp dạng thấp không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc trẻ vị thành niên mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Sử dụng Methotrexate để điều trị sớm bệnh viêm khớp dạng thấp được xem là liệu pháp tích cực giúp làm giảm tổn thương khớp cũng như duy trì chức năng khớp.

2. Cách dùng thuốc Otrexup

Otrexup được đặt trong ống tiêm, có màu vàng. Trước khi sử dụng, cần kiểm tra thuốc bằng mắt thường để xem thuốc có bị đổi màu hoặc xuất hiện các hạt bên trong ống tiêm hay không. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra nhãn được dán trên ống tiêm, nếu nhãn bị trầy xước, hư hỏng, không nên sử dụng thuốc.

Tiêm Otrexup dưới da theo chỉ dẫn của bác sĩ, liều dùng phổ biến là 1 lần/tuần. Trước khi tiêm nên làm sạch da bằng cồn. Sau khi tiêm, không được chà xát vùng da bị tiêm. Thay đổi vị trí tiêm để giảm tổn thương dưới da. Tránh tiêm vào những vùng da đang bị sưng, đỏ hoặc bầm tím, vùng da bị rạn, có sẹo.

Tùy vào tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng với điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng phù hợp. Để đạt hiệu quả điều trị, người bệnh cần tiêm thuốc Otrexup đúng liều vào một khung giờ nhất định.

Không được tự ý tăng liều hoặc sử dụng thuốc lâu hơn so với quy định vì không những không cải thiện bệnh mà còn làm tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ. Thời gian để thuốc phát huy tác dụng có thể lên đến vài tháng. Trường hợp tình trạng bệnh không cải thiện hoặc trở nên xấu hơn, cần báo ngay với bác sĩ.

Sử dụngOtrexup để điều trị sớm bệnh viêm khớp dạng thấp
Sử dụngOtrexup để điều trị sớm bệnh viêm khớp dạng thấp

3. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Otrexup

  • Tác dụng phụ không nghiêm trọng: Buồn nôn, nôn, đau dạ dày, chóng mặt, buồn ngủ. Nếu các triệu chứng này trở nên nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài, cần báo với bác sĩ. Ngoài ra, rụng tóc tạm thời cũng có thể xuất hiện và sau khi quá trình điều trị bằng thuốc Otrexup kết thúc, rụng tóc sẽ thuyên giảm và khỏi.
  • Tác dụng phụ nghiêm trọng: Lở miệng, tiêu chảy, mệt mỏi bất thường, da tái xanh (dấu hiệu thiếu máu), buồn nôn, nôn kéo dài, đau bụng, đau dạ dày, vàng da, mắt, tiểu sẫm màu (dấu hiệu về gan), đại tiện phân đen, trên da xuất hiện vết bầm tím, hay bị chảy máu, đau xương, yếu cơ, da đổi màu bất thường, ho khan. Khi có những biểu hiện này, người bệnh cần gọi ngay cho bác sĩ.
  • Tác dụng phụ rất nghiêm trọng: Thay đổi thị lực, cơ thể suy nhược một bên, tim đập không đều, cứng cổ, đau đầu, co giật, tâm trạng thay đổi. Nếu xuất hiện những triệu chứng này sau khi dùng thuốc Otrexup, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu gấp. Ngoài ra, khả năng chống nhiễm trùng cũng suy giảm với biểu hiện như sốt, ớn lạnh, ho, đau họng kéo dài. Khi đó, người bệnh cần báo cho bác sĩ để tránh tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn và phòng ngừa trường hợp cơ thể mắc phải nhiễm trùng khác và trở nặng.
  • Tác dụng phụ rất nghiêm trọng nhưng rất hiếm gặp: Dị ứng là tác dụng rất nghiêm trọng nhưng rất hiếm khi xảy ra, với biểu hiện là phát ban, sưng, ngứa ở mặt, lưỡi, cổ họng, khó thở, chóng mặt. Khi bị dị ứng thuốc, người bệnh cần được trợ giúp y tế gấp.
Sử dụng thuốc Otrexup có thể gây buồn nôn, nôn,...
Sử dụng thuốc Otrexup có thể gây buồn nôn, nôn,...

4. Những lưu ý khi dùng thuốc Otrexup

  • Cho bác sĩ biết về tình trạng dị ứng với thuốc Otrexup nói riêng hoặc bất kỳ tình trạng dị ứng nào nói chung, cũng như tiền sử bệnh, đặc biệt là bệnh phổi (xơ phổi), gan (xơ gan do rượu), thận, ức chế hệ miễn dịch, rối loạn tế bào máu, rối loạn tế bào tủy xương, viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm loét đại tràng, các bệnh nhiễm trùng (thủy đậu), thiếu axit folic.
  • Chú ý rửa tay thường xuyên hơn và tránh đi đến những vùng dịch, tiếp xúc với người mắc bệnh nhiễm trùng như cúm, sởi, thủy đậu để ngăn ngừa bị nhiễm trùng. Nếu đã tiếp xúc với người, vùng có bệnh nhiễm trùng, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ vì việc dùng thuốc Otrexup có thể làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể.
  • Nếu không có chỉ định hoặc sự đồng ý của bác sĩ, không tiến hành chủng ngừa và tránh tiếp xúc với những người vừa tiêm phòng vắc xin sống.
  • Hạn chế các hoạt động nặng như tập luyện thể dục thể thao và tránh tiếp xúc với vật nhọn để giảm nguy cơ bị thương, bầm tím.
  • Nếu phải điều trị phẫu thuật (bao gồm cả tiểu phẫu nha khoa), phải báo cho bác sĩ biết về các loại thuốc, thảo dược (kê đơn hoặc không) đang sử dụng.
  • Trẻ em có thể nhạy cảm hơn với những tác dụng phụ của thuốc Otrexup, đặc biệt là co giật. Người lớn có thể nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, vì vậy cần hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời cũng như sử dụng kem, quần áo chống nắng. Cho bác sĩ biết khi bị cháy nắng, da phồng rộp, đỏ ửng.
  • Thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới, vì vậy nam giới nếu muốn dùng thuốc điều trị cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Phụ nữ đang mang thai không được dùng thuốc cũng như không nên có thai khi đang dùng thuốc. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nếu dùng thuốc cần tìm hiểu và lựa chọn sử dụng biện pháp tránh thai hợp lý, an toàn. Nếu có thai khi đang dùng thuốc Otrexup, cần báo ngay với bác sĩ.
  • Phụ nữ đang nuôi con cho bú sữa mẹ không được dùng thuốc, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng hoặc cho con bú.
Thuốc Fycompa cần được sử dụng theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ
Cho bác sĩ biết về tình trạng dị ứng với thuốc Otrexup nói riêng hoặc bất kỳ tình trạng dị ứng nào nói chung, cũng như tiền sử bệnh

5. Otrexup tương tác với những thuốc nào?

Otrexup có thể tương tác với những loại thuốc sau:

  • Acitretin, asparaginase, chloramphenicol, leflunomide
  • Các loại thuốc có thể gây ra các vấn đề về thận (như cisplatin)
  • Các loại thuốc có thể gây ra các vấn đề về gan (như azathioprine, sulfasalazine, retinoids như isotretinoin)
  • Penicillin, phenytoin, probenecid, procarbazine, pyrimethamine, thuốc sulfa, tetracyclines.

Sử dụng một số loại thuốc làm giảm axit dạ dày có thể làm tăng nồng độ Methotrexate trong máu, dẫn đến nguy cơ tác dụng phụ cao như thuốc có tác dụng ức chế bơm proton (esomeprazole, omeprazole, pantoprazole). Vì vậy, để tránh làm tăng nguy cơ tác dụng phụ, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc Otrexup nếu có bất kỳ bất thường nào xảy ra, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

261 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan