Cách trị viêm loét dạ dày tại nhà

Viêm loét dạ dày là bệnh lý ngày càng thường gặp, đặc biệt trong xã hội hiện đại khi con người thường xuyên ăn không đủ bữa, không dành đủ thời gian cho mỗi bữa ăn hoặc do stress. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi và giới tính nào.

1. Khi nào có thể trị viêm loét dạ dày tại nhà ?

Viêm loét dạ dày thường diễn tiến từ nhẹ đến nặng hoặc có thể người bệnh chỉ phát hiện ra khi đã biểu hiện thành các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa hay hẹp môn vị. Tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh, mức độ của ổ viêm loét và các triệu chứng biểu hiện mà người bệnh nên đi đến bệnh viện khám ngay hoặc có thể áp dụng một số phương pháp hiệu quả giúp điều trị viêm loét dạ dày tại nhà.

Đối với trường hợp người bệnh bắt đầu xuất hiện các cơn đau nhẹ tại vùng thượng vị, cảm giác ợ nóng, ợ hơi, chán ăn hoặc khó tiêu thì có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản, dễ làm tại nhà để giúp giảm đau, cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, trước khi quyết định áp dụng các biện pháp hỗ trợ này, người bệnh vẫn nên đi khám để chẩn đoán chắc chắn bệnh viêm loét dạ dày, kiểm tra chính xác mức độ bệnh và tham khảo ý kiến của bác sĩ về các phương pháp có thể áp dụng tại nhà.

Trường hợp bệnh nặng với đau dữ dội và các triệu chứng tiêu hóa khác làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh thì cần phải đi khám ngay để được theo dõi và điều trị càng sớm càng tốt. Người bệnh sẽ được chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng và lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.

2. Những cách trị viêm loét dạ dày tại nhà

2.1. Chườm nóng giúp giảm đau dạ dày

Chườm nóng là một trong những cách hay được sử dụng để giảm đau nói chung và trong viêm loét dạ dày nói riêng. Người bệnh có thể áp dụng phương pháp chườm nóng bằng một trong 2 cách sau:

  • Chườm bằng nước ấm: Người bệnh dùng một chiếc khăn dày, thấm hút tốt, nhúng vào chậu nước ấm, vắt ráo nước rồi chườm khăn lên chỗ bụng đau. Đặt đến khi khăn hết ấm có thể làm lại thêm 2 - 3 lần nữa.
  • Chườm muối: Người bệnh sử dụng muối hột đem đi rang nóng rồi bọc kín vào trong khăn và chườm lên vùng bụng đang bị đau.

Người bệnh có thể áp dụng cách này vài lần trong ngày mỗi khi bị đau. Chườm nóng tạo ra một lượng nhiệt đủ nhiều sẽ giúp kích thích tuần hoàn lưu thông máu tốt hơn. Bên cạnh đó, sự ấm nóng tác động trực tiếp lên vùng bụng bị đau sẽ đem lại cảm giác dễ chịu và từ đó giúp người bệnh thuyên giảm cơn đau vùng thượng vị một cách nhanh chóng. Đây là phương pháp đơn giản, dễ làm, ít hoặc không tốn kém nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ, thậm chí một số trường hợp có thể giảm đau nhanh chóng mà không cần đến sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý khi áp dụng phương pháp này là không nên dùng khăn hoặc bọc muối quá nóng áp lên vùng bụng vì có thể gây bỏng da.

2.2. Cách trị viêm loét dạ dày bằng massage bụng

Khi bị viêm loét dạ dày, sẽ tăng tiết acid dịch vị, gây các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, chán ăn, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua. Khi được massage nhẹ nhàng lên vùng bụng sẽ có tác động trực tiếp lên vùng dạ dày, kích thích xuất hiện các nhu động ruột đều đặn giúp dạ dày hoạt động ổn định hơn và giúp người bệnh giảm triệu chứng đau thượng vị rất nhiều. Cách thực hiện phương pháp này rất đơn giản, người bệnh tay trực tiếp lên vùng bụng, xoa quanh rốn cùng chiều kim đồng hồ. Chú ý chọn thời điểm thích hợp và nên làm ấm lòng bàn tay trước khi thực hiện massage.

Người bệnh có thể kết hợp massage với các loại tinh dầu thơm như khuynh diệp, đinh hương, quế, hoa hồi,...để đạt hiệu quả tốt hơn trong điều trị. Ngoài việc mang lại mùi hương dễ chịu, đem lại cảm giác thư thái cho người dùng, những loại tinh dầu này còn có tác dụng kháng viêm, giảm đau. Hiệu quả giảm đau có thể thấy ngay sau khoảng 5 phút massage, người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu và cơn đau dần biến mất.

2.3. Sử dụng gừng để điều trị viêm loét dạ dày

Gừng không chỉ là gia vị quen thuộc trong nhà bếp mà còn có tác dụng chữa bệnh khá hiệu quả vì có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm. Trong viêm loét dạ dày, sử dụng gừng đều đặn có thể giúp ngăn ngừa phản ứng oxy hóa, từ đó giúp giảm các triệu chứng khó chịu, đau rát vùng thượng vị do các ổ viêm loét. Người bệnh có thể áp dụng một trong 2 công thức sau khi sử dụng gừng để giảm đau dạ dày:

  • Công thức 1: Sử dụng trực tiếp gừng tươi bằng cách cho một ít lát gừng vào một tách trà nóng uống vào buổi sáng và tối. Gừng và trà đều có khả năng giảm viêm, giảm phản ứng oxy hóa, cải thiện triệu chứng bệnh. Người bệnh nên uống liên tục và thường xuyên để đạt được hiệu quả.
  • Công thức 2: Uống nước cốt gừng. Người bệnh lấy gừng đem gọt rửa sạch vỏ rồi giã nát để lấy nước cốt cho vào cốc nước ấm. Bạn có thể uống trực tiếp như vậy hoặc có thể thêm vài thìa mật ong và ít chanh giúp thơm ngon và dễ uống hơn. Nên áp dụng công thức này vào các bữa sáng trước khi ăn để đem lại hiệu quả.

2.4. Dùng nghệ và mật ong chữa viêm loét dạ dày

Hoạt chất curcumin có trong củ nghệ là thành phần đáng chú ý nhất vì có công dụng giảm tiết axit trong dạ dày, ức chế sự phát triển của vi khuẩn HP. Ngoài ra nghệ còn giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày bằng cách gia tăng tiết chất nhầy, che phủ ổ loét khỏi tác động của acid dịch vị, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho quá trình tiêu hóa.

Trong khi đó, mật ong hay được biết đến có tác dụng tăng cường miễn dịch, giảm triệu chứng viêm sưng, kháng khuẩn và cung cấp nhiều khoáng chất, vitamin cho cơ thể. Một số thành phần có lợi trong mật ong như các loại vitamin B2, B3, B5, B6, B9, vitamin C hoặc các loại khoáng chất như photpho, natri, sắt kali, canxi, kẽm,...

Sự kết hợp mật ong và nghệ không chỉ giúp giảm triệu chứng sưng đau, bổ sung dinh dưỡng, cải thiện các chức năng của hệ tiêu hóa mà còn giúp nâng cao hệ miễn dịch giúp tăng cường sức khỏe cho người bệnh. Cách sử dụng như sau:

  • Cách 1: Trộn trực tiếp mật ong và nghệ với tỷ lệ phù hợp để tạo thành hỗn hợp sệt. Có thể trộn một lượng lớn rồi vo hỗn hợp này thành các viên nhỏ để cất và sử dụng dần. Mỗi ngày nên dùng từ 2 - 3 lần, mỗi lần 2 viên.
  • Cách 2: Uống tinh bột nghệ (10g) pha trong 100ml nước ấm cùng vài thìa mật ong. Nên sử dụng trước khi ăn và 2 - 3 lần mỗi ngày để đạt được hiệu quả.

2.5. Sử dụng lá tía tô

Trong thành phần lá tía tô có rất nhiều hoạt chất glycosid và tannin, giúp giảm tiết axit trong dịch vị dạ dày và làm lành vết loét. Người bệnh đem lá tía tô rửa sạch, đun sôi với nước và để nguội để sử dụng, có thể dùng lá tía tô dạng tươi hoặc khô.

3. Lưu ý khi thực hiện trị viêm loét dạ dày tại nhà

Để điều trị viêm loét dạ dày tại nhà có hiệu quả, ngoài việc áp dụng các phương pháp đã nêu người bệnh cũng cần thực hiện chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học:

  • Không nên ăn quá no hoặc quá nhanh, không nên bỏ bữa hoặc ăn không đúng bữa;
  • Không nằm hoặc vận động mạnh ngay khi vừa ăn xong;
  • Hạn chế những món ăn nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, đồ uống có cồn, chanh, thức uống nhiều gas, café,... vì sẽ gây kích thích dạ dày;
  • Bỏ hút thuốc lá không chỉ giúp bảo vệ dạ dày mà còn ngăn ngừa các bệnh lý đường hô hấp;
  • Tăng cường ăn những thực phẩm như bánh mì, khoai lang, sữa chua, ngũ cốc, bắp cải, táo,... vì giúp giảm lượng axit trong dạ dày;
  • Tăng cường tập thể dục, tập yoga, tập hít thở nâng cao sức sức khỏe, sức đề kháng, hỗ trợ chức năng hệ tiêu hóa.

Những phương pháp trị viêm loét dạ dày tại nhà thường đơn giản, ít tốn kém và dễ thực hiện. Tuy nhiên, những cách này chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn và chỉ giúp giảm triệu chứng của bệnh chứ không giải quyết được nguyên nhân. Vì vậy, khi có các triệu chứng nghi viêm loét dạ dày tá tràng, người bệnh nên đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời có thể áp dụng thêm các phương pháp tại nhà để tăng cường hiệu quả điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • thuốc kavet
    Tác dụng của thuốc Kavet

    Kavet là thuốc dùng hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng và các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi ợ chua. Cùng tìm hiểu thông tin của thuốc Kavet thông qua bài viết sau đây.

    Đọc thêm
  • Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày hiệu quả?
    Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày hiệu quả?

    Cháu bị viêm dạ dày, luôn cảm thấy đầy bụng nhưng không đau. Mặc dù, cháu uống nhiều thuốc rồi nhưng mà vẫn đầy hơi. Bác sĩ có thể cho cháu biết nguyên nhân và phương pháp điều trị viêm ...

    Đọc thêm
  • thuốc seoprae
    Công dụng thuốc Seoprae

    Thuốc Seoprae được chỉ định trong điều trị viêm loét dạ dày, tổn thương niêm mạc dạ dày trong viêm dạ dày cấp tính và đợt cấp của viêm dạ dày mạn tính... Cùng tìm hiểu về công dụng, các ...

    Đọc thêm
  • Prazex 30
    Công dụng thuốc Prazex 30

    Thuốc Prazex 30 thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá và được bào chế ở dạng viên nén. Thuốc Prazex 30 có thành phần chính Lansoprazole được chỉ định trong điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng, thực quản... Tuy ...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Tazemy
    Công dụng thuốc Meprafort

    Thuốc Meprafort được chỉ định trong điều trị viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản, hội chứng Zollinger – Ellison... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Meprafort qua bài ...

    Đọc thêm